Giới thiệu website
 


Tạp chí Xưa & Nay
Tòa soạn: 216 Trần Quang Khải - Hà Nội
Tel/Fax: 04.38256588
Email: tapchixuavanay@yahoo.com
VP đại diện phía Nam: 181 Đề Thám, Q. I, TP. Hồ Chí Minh
Tel: 08.38385117-Fax: 08.38385126
Email: xuanay@hcm.fpt.vn
Chủ nhiệm: Phạm Mai Hùng
TBT: Dương Trung Quốc
P.TBT: Đào Hùng, Nguyễn Hạnh



Tìm kiếm

  Tìm kiếm trên website
  Tìm kiếm trên google


 


  Liên kết website


  Thông tin website
² Thứ Hai, 26/10/2009
² Số truy cập:552352
  ² Đang online: 29
 

Quảng cáo


Thông tin nhân vật
Họ và tên: Hoàng Xuân Hãn

Ngày sinh:
1908

Quê quán:Đức Nhân, Đức Thọ, Hà Tĩnh

Tiểu sử cá nhân:
 

Học giả Việt Nam. Quê xã Nhân Thọ, tổng Yên Hồ, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ (nay là xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Xuất thân trong một gia đình nho học. Năm 1928, sang Pháp du học, có bằng cử nhân khoa học, kĩ sư cầu cống, thạc sĩ toán học. Năm 1936, về nước dạy tại trường Bưởi và dạy toán tại các trường công chính, nông lâm, võ  bị và Đại học Khoa học Hà Nội. Tham gia nhiều hoạt động khoa học và xã hội như ra “Tạp chí Khoa học” để truyền bá các kiến thức khoa học trong quần chúng, soạn “Danh từ khoa học” để xây dựng hệ thống thuật ngữ bằng tiếng Việt, làm trưởng ban tu thư của Hội Truyền bá Quốc ngữ. Tháng 4.1945, tham gia chính phủ Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Mỹ thuật.

Sau 8.1945, được cử làm chủ tịch Tiểu ban chính trị của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Đà Lạt 4.1946. Năm 1951, từ Hà Nội sang Pháp cư trú cho đến lúc từ trần. Năm 1958, thi đỗ bằng kỹ sư năng lượng nguyên tử, nhưng dành tất cả tâm huyết cho các công trình nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Tham gia Hội người Việt Nam tại Pháp, đã từng là ủy viên Đoàn chủ tịch của tổ chức này. Mất tháng 3.1996 tại Pari. Được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội và nhân văn (2000). Những trước tác của Hoàng Xuân Hãn đã được tập hợp trong “La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn” (3 tập, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1998).

Những tác phẩm chính: “Danh từ khoa học” (1942), “Đại Nam quốc sử diễn ca” (1949), “Lý Thường Kiệt” (1949), “Hà Thành thất thủ” (1950), “Mai đình mộng ký” (1951), “La Sơn phu tử” (1952), “Chinh phụ ngâm bị khảo” (1953), “Bích Câu kì ngộ” (1964), “Truyện Song tinh”, “Một vài kí vãng về hội nghị Đà Lạt” (1971), “Lịch và lịch Việt Nam” (1982), v.v.

(Từ điển Bách khoa Việt Nam tập 2, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội 2002, tr.339.)


NHỚ BÁC HÃN

Được tin Giáo sư Hoàng Xuân Hãn từ trần, dù biết Giáo sư đã rất cao tuổi, tôi vẫn cảm thấy quá đột ngột và thương tiếc vô hạn. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là một học giả bách khoa, một nhà bác học trên nhiều lĩnh vực của khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn. Giáo sư là một nhà khoa học lớn, một nhà văn hoá lớn của đất nước. Trong sự nghiệp văn hoá - khoa học to lớn của Giáo sư, sau đây tôi chỉ xin nói đôi điều về lĩnh vực sử học.

Về mặt sử học, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là một nhà sử học lớn và đối với tôi, Giáo sư là một nhà sử học bậc đàn anh, bậc Thầy, đồng thời là một người đồng nghiệp, một người đồng hương. Tôi vẫn thường gọi Giáo sư là “Bác Hãn” với tấm lòng kính mến và thân thiết. Không có dịp nào sang Pháp mà tôi không đến thăm Bác Hãn tại Paris và Bác cũng giành nhiều thì giờ tiếp tôi, trò chuyện về tình hình sử học trong nước và những kết quả nghiên cứu Việt Nam trên thế giới. Tôi không bao giờ quên hình ảnh của Bác Hãn, một con người sống giữa Paris gần nửa thế kỷ mà vẫn giữ trọn phong cách rất Việt Nam, rất Nghệ Tĩnh, một con người bình dị, rất tình cảm và trí tuệ.

Nói về sử học, không một nhà sử học Việt Nam nào và không một nhà Việt Nam học nào trên thế giới không biết đến những công trình nghiên cứu sử học có giá trị của Hoàng Xuân Hãn mà tiêu biểu là tác phẩm “Lý Thường Kiệt”, “La Sơn Phu Tử”, “Lịch và lịch Việt Nam” cùng nhiều bài khảo cứu về khởi nghĩa Lam Sơn, về phong trào Tây Sơn và về nhiều vấn đề và nhân vật lịch sử công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và ngoài nước, nhất là trên tạp chí Sử Địa ở Sài Gòn trước đây và trên báo Đoàn Kết, tập san Khoa học xã hội ở Paris. Bất cứ một công trình nghiên cứu nào, từ những tác phẩm lớn đến những bài viết ngắn, Bác đều có những tìm tòi phát hiện mới về tư liệu và trên cơ sở đó, cố gắng khôi phục lại sự thật lịch sử, làm sáng rõ nhiều giai đoạn, nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử bị thời gian che phủ hoặc bị nhận thức sai. Những công trình nghiên cứu sử học của Bác Hãn có ảnh hưởng sâu sắc trong giới sử học Việt Nam, nhất là về tinh thần và phương pháp nghiên cứu lịch sử.

Khi còn là sinh viên những năm 1954 - 1956 tại Hà Nội, tôi đã đọc những tác phẩm của Hoàng Xuân Hãn với tấm lòng kính phục. Sau khi đi vào nghiên cứu lịch sử Việt Nam, tôi nhiều lần đọc lại những tác phẩm của Bác và tìm thấy ở đây không những những kết quả nghiên cứu cụ thể mà cả những kinh nghiệm, những bài học nghiên cứu rất bổ ích, phong phú.

Có một lần, khi trao đổi về con đường nghiên cứu khoa học của Bác, tôi hỏi: Bác là một nhà toán học, một nhà vật lý nguyên tử, một kỹ sư cầu cống, nhưng tại sao Bác lại say mê và giành phần lớn cuộc đời vào nghiên cứu lịch sử và văn hoá dân tộc (tôi còn giữ cuộn băng ghi âm này). Bác trả lời rất tâm tình: sau khi từ Pháp trở về nước dạy học, tôi tìm đọc lịch sử Việt Nam, tôi đọc sách Trần Trọng Kim, Lê Thước. Tôi kính trọng tác giả, nhưng cảm thấy phương pháp khảo cứu và biên soạn của ta cần được nâng cao, cần khoa học hơn, hiện đại hơn. Suy nghĩ đó cùng với tấm lòng đối với đất nước, đối với lịch sử và văn hoá dân tộc, đã thúc đẩy Bác Hãn đi vào nghiên cứu lịch sử với hoài bão thúc đẩy sự phát triển của sử học và hiện đại hoá phương pháp nghiên cứu sử học. Về phương diện này, tư duy toán học cùng những tri thức uyên bác về khoa học đã giúp Bác Hãn tạo lập cho mình một phong cách và cơ sở phương pháp luận sử học rất khoa học và hiện đại. Bác rất coi trọng sử liệu và dày công thu thập sử liệu. Mỗi công trình dù lớn hay nhỏ đều dựa trên những tư liệu phong phú được giám định và khai thác công phu, nghiêm túc khiến cho người đọc rất tin cậy và những kết luận rút ra có sức thuyết phục cao về mặt khoa học.

“Lịch và lịch Việt Nam” là một cống hiến có ý nghĩa lớn lao của Bác Hãn. Trên lĩnh vực này, Bác đã vận dụng toán học và máy tính điện tử để lập lại hệ thống lịch Việt Nam, chứng minh có những thời kỳ lịch Việt Nam khác lịch Trung Quốc và đưa ra những phương pháp, phương thức tính toán và chuyển đổi âm - dương lịch một cách chuẩn xác, tiện lợi. Đấy chính là cơ sở khoa học mà Bác đã đặt nền móng để xây dựng nền lịch pháp Việt Nam. Và đó cũng là một cơ sở không thể thiếu được để phát triển nền sử học Việt Nam vì lịch sử là quá trình đời sống xã hội và những hoạt động của con người diễn ra trong không gian và thời gian.

Những thành tựu nghiên cứu sử học của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là một di sản quý của nền sử học và văn hoá Việt Nam. Bác là lớp người đi đầu trong việc xây dựng nền sử học hiện đại Việt Nam. Tên tuổi, con người, sự nghiệp văn hoá - khoa học của Bác Hãn, những công trình nghiên cứu sử học cùng với tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm cao đối với dân tộc, mục tiêu nghiên cứu vì chân lý, vì sự thật lịch sử, vì lợi ích của đất nước, của con người của Bác Hãn mãi mãi là tấm gương sáng cho các tri thức Việt Nam, cho các thế hệ sử gia Việt Nam hôm nay và mai sau.

GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội KHLSVN
(Tạp chí Xưa & Nay - 1996)

 


Hoàng Xuân Hãn
1908 / 1996








Copyright  © 2007 VAHS -  Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam 
Cơ quan chủ quản: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Người chịu trách nhiệm chính: Dương Trung Quốc
Giấy phép số 327/GP-BC của Cục Báo chí - Bộ Văn hóa Thông tin cấp ngày 30/7/2007
Địa chỉ: 216 Trần Quang Khải - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội - Tel: 04. 39369089 - 0913553003; Fax: 04. 38256588;
Email:  hoisuhocvietnam@yahoo.com.vn;  thanhxuanay@yahoo.com.vn 
Website: http://hoisuhoc.vn