Hơn 60 năm qua, với nhân dân Huế, trong ký ức về những ngày Cách mạng tháng 8 sôi nổi vẫn luôn tái hiện hình ảnh về lớp chiến sĩ trẻ trường Thanh niên tiền tuyến, một tổ chức tập hợp nhiều thanh niên, trí thức yêu nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh lịch sử lúc đó, việc thành lập trường Thanh niên Tiền tuyến (do Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim - luật sư Phan Anh và GS Tạ Quang Bửu sáng lập) không tránh khỏi bị nghi ngờ, cho rằng đây là tổ chức phục vụ cho chính sách quân sự của phát xít Nhật. Cũng vì thế, công lao của hai nhà sáng lập - hai trí thức yêu nước, vì nhiều lý do khác nhau, đã chưa được đề cập một cách xác đáng. Với mục đích làm sáng tỏ lịch sử, các cựu thành viên Trường Thanh niên tiền tuyến Huế - 1945 đã góp công sức sưu tầm tư liệu, tra cứu ký ức, tập hợp thành cuốn “Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế 1945 - Một hiện tượng lịch sử”, mới được Nhà xuất bản Công an nhân dân phát hành.
GS. NGND Đinh Xuân Lâm, trong bài phát biểu tại buổi giới thiệu cuốn sách, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tổ chức ngày 26/7/2008 tại Hà Nội, đã cho rằng “nhìn lại chặng đường lịch sử, chúng ta thấy trường Võ bị Thanh niên Tiền tuyến với tư cách là một lực lượng vũ trang nòng cốt tiên phong ở Huế thời kỳ Cách mạng tháng Tám 1945 đã có một vai trò tích cực trong sự phát triển phong trào cách mạng của Thừa Thiên - Huế “.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong lời mở đầu cuốn sách, cho rằng hầu hết trong số hơn 40 học sinh, sinh viên, thanh niên trí thức trong Thanh niên Tiền tuyến đều hướng theo cách mạng. Khi cuộc cách mạng tháng Tám nổ ra, dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban kháng chiến Trung Bộ và Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế, họ đã hăng hái tham gia Tổng khởi nghĩa ở Huế, tham gia tổ chức lực lượng vũ trang Giải phóng quân Huế. Khi giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta, một số phân đội quân giải phóng Huế đã tham gia chi viện cho mặt trận Sài Gòn - Gia Định, mặt trận Nha Trang và mặt trận Lào.
Trở lại khoảng thời gian sau khi Nhật đảo chính Pháp, 9/3/1945, chúng nhanh chóng tìm cách nắm lấy bộ máy cầm quyền bản xứ do người Pháp lập ra trước đó ở Đông Dương. Với chiêu bài “trao trả độc lập”, người Nhật dùng áp lực buộc Bảo Đại ký Đạo dụ số 1 nhằm cải tổ bộ máy triều đình, xóa bỏ Viện Cơ mật do Phạm Quỳnh đứng đầu để đưa Trần Trọng Kim từ Thái Lan về thành lập nội các mới. Thủ đoạn của Nhật là triệt để lợi dụng bộ máy chính quyền do chúng mới dựng lên để hoàn toàn thực thi ý đồ của chúng. Tuy nhiên, theo GS Đinh Xuân Lâm, “nội các Trần Trọng Kim với thành phần là những trí thức có tên tuổi - trong số đó phải kể tới một số nhân vật tiêu biểu của nước ta trước năm 1945, có uy tín đối với nhân dân, như Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Trịnh Đình Thảo, Phan Anh,… họ đều là giáo sư, luật gia, nhà báo, chưa hề dính líu với bộ máy quan trường, trước đó lại từng có nhiều hoạt động thể hiện có tư tưởng yêu nước, có tinh thần dân tộc”… đã vượt qua khó khăn từ nhiều phía, đưa vào chương trình hành động của mình một số việc đáp ứng lòng mong mỏi của dân tộc như “giải quyết nạn đói”, “thống nhất chủ quyền lãnh thổ”... Điều đó cho thấy “những người tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim hồi đó, dù cho nhận thức về thời cuộc có thể chưa thật giống nhau, nhưng đều là những người có tinh thần yêu nước, muốn tranh thủ một thời cơ mà họ cho là thuận lợi để làm một việc gì lợi cho đất nước, cho dân tộc”. Vì thế, một trong những việc làm đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Thanh niên - luật sư Phan Anh là quyết định lập ra Trường Thanh niên tiền tuyến, với mục đích “hướng thanh niên theo Mặt trận Việt Minh”. Như vậy, Thanh niên Tiền tuyến Huế, thực chất không phải là một tổ chức tay sai Nhật, mà là một tổ chức tập hợp những người yêu nước.
Nói Thanh niên Tiền tuyến Huế là một hiện tượng lịch sử bởi trường chỉ có 43 học viên và tồn tại trong vài tháng, không đầy một khóa học ngắn trước Cách mạng tháng Tám, nhưng đã đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bên ngoài trường thuộc Bộ Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim nhưng bên trong lại đào tạo các chỉ huy quân sự để phục vụ cách mạng. Học viên của trường hầu hết đều là sinh viên các trường đại học ở Đông Dương, một số đã là cơ sở của Việt Minh. Những người sáng lập chỉ có mục đích khiêm tốn là cung cấp một số kiến thức và kỹ năng bước đầu về quân sự cho những thanh niên yêu nước có hoài bão phụng sự dân tộc bằng con đường binh nghiệp. Nhưng những đóng góp sau này của các học viên trường Thanh niên Tiền tuyến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vượt qua sự mong đợi ấy.
Nhiều học viên xuất thân danh giá như ông Tôn Thất Hoàng con của Thượng thư Tôn Thất Quảng; Đặng Văn Việt (chỉ huy nổi tiếng của Trung đoàn 174, người được mệnh danh là Con hùm xám của Đường số 4 – Đệ tứ quốc lộ đại vương) có bố là Tổng đốc Nghệ An từng ba lần giữ chức Thượng thư; ông Võ Sum là con quan án sát Võ Chuẩn; ông Lê Thiệu Huy con trai cụ Lê Thước và là anh em họ với GS. Lê Văn Thiêm, sau sang chiến đấu tại mặt trận Lào, làm Tham mưu trưởng liên quân Lào Việt người đã lấy thân mình che đạn cho Hoàng thân Xuvanuvong khi mặt trận Thà Khẹt bị vỡ và hy sinh trên dòng Mê-kông; ông Hoàng Xuân Bình em ruột Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, ông Nguyễn Thế Lương tức Thiếu tướng Cao Pha là con ruột của một nhà thầu khoán lớn…
Nhiều người sau này trở thành tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam như Thiếu tướng Đào Hữu Liêu - nguyên cục trưởng Cục Công binh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế; Thiếu tướng, GS Đoàn Huyên - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, Cục trưởng Cục KHCN Bộ Tổng tham mưu; Thiếu tướng Mai Xuân Tần - Đại đoàn Quân tiên phong; Thiếu tướng Võ Quang Hồ - Bộ Tổng tham mưu, tổ Nghiên cứu chiến lược; Thiếu tướng Phan Hàm - Bộ tổng Tham mưu…
Cách mạng tháng Tám 1945, nhiều sinh viên của Trường đã tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Huế dưới sự lãnh đạo của ông Phan Tử Lăng (tốt nghiệp thủ khoa khóa quân sự chính quy đầu tiên của Pháp cùng khóa với Dương Văn Minh -Đại tướng Tổng thống Ngụy quyền miền Nam Việt Nam, chỉ huy vệ binh Trung Kỳ, sau này ông là Đại tá Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam); Trung tướng Cao Văn Khánh - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ...
Cuốn sách dày gần 450 trang, gồm nhiều bài viết, hồi ức, hồi ký, những cảm nghĩ của các học viên Thanh niên Tiền tuyến giới thiệu quá trình thành lập và hoạt động của trường; ghi lại hoạt động của các học viên; giới thiệu chân dung những nhân vật lịch sử là thành viên của trường có nhiều đóng góp trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Có bài do chính các thành viên trong trường sưu tầm tư liệu, tra cứu ký ức và viết. Nhưng cũng có những bài do vợ, con, em gái của những người đã hy sinh hoặc đã mất, viết…
Cuốn sách ra mắt nhằm ghi nhớ và tôn vinh những đóng góp của các thành viên trong trường, đồng thời góp phần phản ánh đầy đủ hơn tinh thần yêu nước của thanh niên Việt Nam, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét về Thanh niên Tiền tuyến: “Trải qua quá trình tham gia cuộc kháng chiến lâu dài chống đế quốc xâm lược, nhiều anh em đã tham gia quân đội, trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp; một số người đã hy sinh vì Tổ quốc. Hòa bình lập lại, một số trở thành cán bộ có nhiều cống hiến trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước”.
Theo Vusta.vn
|