Giới thiệu website
 


Tạp chí Xưa & Nay
Tòa soạn: 216 Trần Quang Khải - Hà Nội
Tel/Fax: 04.38256588
Email: tapchixuavanay@yahoo.com
VP đại diện phía Nam: 181 Đề Thám, Q. I, TP. Hồ Chí Minh
Tel: 08.38385117-Fax: 08.38385126
Email: xuanay@hcm.fpt.vn
Chủ nhiệm: Phạm Mai Hùng
TBT: Dương Trung Quốc
P.TBT: Đào Hùng, Nguyễn Hạnh



Tìm kiếm

  Tìm kiếm trên website
  Tìm kiếm trên google


 


  Liên kết website


  Thông tin website
² Thứ Bảy, 21/2/2009
² Số truy cập:131047
  ² Đang online: 23
 

Quảng cáo


 
Thư Tòa soạn
 
 
Thư Tòa soạn tháng 8.2007

Nghiên cứu về cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, có một điều đáng lưu ý là trước đó hơn hai thập kỷ, năm 1924, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã hình dung ra một kịch bản về cuộc nổi dậy giành độc lập của nhân dân Đông Dương dưới hình thức những điều kiện để có thể tiến hành “một cuộc khởi nghĩa vũ trang”. 


Kịch bản đó được trình bày trong một văn kiện tuy chỉ dưới hình thức một bản “báo cáo thu hoạch thực tế” của một nghiên cứu viên mới có 3 tuổi Đảng, vừa tiếp cận với chương trình học tập lý luận trên đất nước Xô-viết, có nhan đề là “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ” nhưng nó đã chứa đựng những dấu ấn quan trọng về một tư duy cách mạng vượt lên khỏi tầm của các nhà cách mạng đương thời.

Chính vì nhận thức được rằng cuộc đấu tranh giai cấp (ở Việt Nam) không diễn ra giống phương Tây bởi lẽ phân hóa giai cấp cùng những bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam không giống như phương Tây cho nên ở Việt Nam “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn”. Vì thế mà khi bàn tới hình thái cụ thể về một “cuộc khởi nghĩa vũ trang” thì chính khối óc thiên tài ấy lại đưa ra một giả thiết (cũng là một điều kiện) về khả năng giành thắng lợi, đó là:

“Một cuộc khởi nghĩa vũ trang phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải là một cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng nổ ra ở thành phố, theo kiểu các cuộc cách mạng ở châu Âu, chứ không phải nổ ra đột ngột ở biên giới Trung Quốc theo phương pháp của những nhà cách mạng trước đây”.

Thực tế 21 năm sau, những dự báo đó đã trở thành hiện thực. Cuộc tổng khởi nghĩa diễn ra ngày 19-8-1945 ở Hà Nội, tiếp đó là cuộc nổi dậy ở Huế (23-8) và Sài Gòn (25-8) đã tạo ra một cục diện thắng lợi trên phạm vi toàn lãnh thổ của một quốc gia Việt Nam chỉ trong có một tuần lễ (19 đến 25-8-1945). 

Nếu nhớ lại cuộc tàn sát đẫm máu của thực dân đối với cuộc Khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng cũng như những tổn thất của phong trào cộng sản sau cuộc đàn áp phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh cùng trong những năm 1930 – 1931, hoặc sự trấn áp tưởng chừng đã bóp chết đầu não của tổ chức cách mạng sau Khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), thì ai có thể hình dung rằng chỉ trong vòng 15 năm kể từ năm 1930 và chỉ 5 năm sau năm 1940 đẫm máu và đen tối ấy, một dân tộc đã có thể “rũ bùn đứng dậy” giành độc lập trong một hành động cách mạng “ngoạn mục” như những gì đã diễn ra trong Mùa Thu năm 1945 và những ngày đầu tiên của nước Việt Nam Độc lập.

Một cuộc cách mạng lật nhào cả hai ách đô hộ là đế quốc Pháp và phát xít Nhật, cáo chung luôn một chế độ quân chủ đã tồn tại ngàn đời. Một thể chế không chỉ mới mẻ mà rất hiện đại theo kịp với trào lưu dân chủ thế giới được xác lập: chế độ Dân chủ Cộng hòa. Một vị thế của một dân tộc đã sát cánh cùng Đồng Minh chiến thắng chủ nghĩa phát xít và ngay từ đầu mong muốn được đứng vào hàng ngũ của Liên Hiệp Quốc. Hơn thế nữa lại là một cuộc cách mạng triệt để nhưng ít đổ máu. Một cuộc cách mạng do đảng của thợ thuyền lãnh đạo mà lại tập hợp được cả quan lại, nhà giàu và trí thức…

Điều cần nói là sự sáng tạo phải đi đôi với một tinh thần kiên định và nhất quán. Từ “Chánh cương sách lược vắn tắt” của Nguyễn Ái Quốc đến “Cương lĩnh Mặt trận Việt Minh” của Hồ Chí Minh chính là sự thể hiện tính kiên định và sự nhất quán ấy. Tất cả những gì đang diễn ra trong công cuộc Đổi Mới và Hội nhập hôm nay cũng cần đến sự kiên định và nhất quán ấy vì nó bắt nguồn từ sáng tạo.

Xưa & Nay, tháng 8.2007 

 


Hoàng Xuân Hãn
1908 / 1996








Copyright  © 2007 VAHS -  Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam 
Cơ quan chủ quản: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Người chịu trách nhiệm chính: Dương Trung Quốc
Giấy phép số 327/GP-BC của Cục Báo chí - Bộ Văn hóa Thông tin cấp ngày 30/7/2007
Địa chỉ: 216 Trần Quang Khải - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội - Tel: 04. 39369089 - 0913553003; Fax: 04. 38256588;
Email:  hoisuhocvietnam@yahoo.com.vn;  Website: http://hoisuhoc.vn