Tạp chí Xưa và Nay đã ra đời được 14 năm, với 289 số. Để nhớ lại buổi đầu “khó khăn gian khổ”, chúng tôi xin đăng lại bài viết của tác giả Hùng Long, đăng trên Xưa & Nay, số 207 năm 2004, nhân kỷ niệm 10 năm ra đời Tạp chí. Bài viết kể lại một vài câu chuyện của thuở hai bàn tay trắng làm nên cơ nghiệp. Mười bốn năm chưa phải là thời gian dài, nhưng để có một tờ báo ổn định như hiện nay, chúng tôi đã được nhiều sự giúp đỡ quí báu của biết bao bạn bè gần xa.
Câu chuyện bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ ở nhà anh Dương Trung Quốc. Ý tưởng nung nấu từ lâu của anh Quốc là muốn có một tờ báo của Hội Sử học, nhằm mục đích đưa kiến thức lịch sử đến đông đảo bạn đọc. Khi đó hội đã có một “Trung tâm truyền bá kiến thức văn hóa và lịch sử”, có một cơ sở vi tính và thực hiện một số dự án. Nhưng có một tờ báo lại là chuyện khác. Viện Sử học đã có tờ Nghiên cứu lịch sử, đó là một tờ tạp chí quá chuyên sâu và quan phương, thời gian phát hành lại quá dài, đối tượng phục vụ chủ yếu là giới chuyên môn.
Cần phải có một tờ tạp chí ra hàng tháng hay hàng tuần, có nhiều hình ảnh, bài viết ngắn, thích hợp với đông đảo bạn đọc, những người ham thích lịch sử nhưng không phải là những người viết sử chuyên nghiệp. Có mặt hôm đó là một số bạn bè như Đỗ Quang Hưng, Đào Hùng, Ngô Thế Long... Xin phép ra báo thì không khó, nhưng trước hết phải có một bộ máy làm việc và tất nhiên là phải có tiền. Cuộc thảo luận nhanh chóng đi đến thống nhất, việc phân công cũng đơn giản. Người lo thủ tục xin phép, người lo chạy tiền, còn chuyên gia vi tính để tổ chức việc in thì đã có Ngô Thế Long, bước đầu sẽ dựa vào xưởng in của Viện Thông tin Khoa học xã hội.
Tên báo đầu tiên được nghĩ đến là “Xưa và Nay”. Nhưng để cho chắc chắn, anh Quốc cũng đưa một cái tên trung tính hơn là “Lịch sử”. Nhưng may mắn là khi làm việc với Ban Văn hóa tư tưởng Trung ương, thì chính các anh ở Ban lại gợi ý nên dùng cái tên Xưa và Nay.
Khổ báo cũng là một vấn đề cần cân nhắc. Một số tạp chí mạng tính chất phổ biến kiến thức lúc đó như Kiến thức ngày nay, Thế giới mới... thường in khổ 13x19, sau này nguyệt san công giáo và dân tộc cũng theo khổ đó. Đấy là khổ sách bỏ túi mà các nước trên thế giới thường sử dụng. Tiện lợi cho người đi đường. Nhưng có trở ngại là khó chuyển tải những thông tin bằng hình ảnh. Anh Quốc muốn mỗi số phải có một tờ bìa in một hình ảnh mang tính tư liệu, có thể lưu lại trong hồ sơ của bạn đọc. Như vậy là nên chọn khổ A4, vừa thuận lợi cho việc in, lại tiết kiệm được giấy.
Điều băn khoăn với ông Dương Trung Quốc là phải chọn một logo cho tạp chí vừa mang tính mỹ thuật để trình bày, vừa trở thành một biểu trưng riêng của tạp chí. Anh không muốn dùng chữ mà dùng dấu &, mà phải làm sao cho dấu & móc được chữ Xưa và chữ Nay. Công nghệ chế bản hồi đó, vào cuối năm 1993, còn rất đơn giản, đã làm gì có Windows và các phần mền thiết kế như Corel Draw hay Photoshop. Mấy buổi Ngô Thế Long cùng Quốc loay hoay trên máy tính nhưng chưa tìm ra mẫu nào vừa ý.
Mệt quá, hai người đến nhà Ngô Thế Phong làm một chén rượu. Thấy trên bàn làm việc của anh Phong có hình một dấu triện cổ của Trung Quốc. anh Quốc nói ý định của mình với anh Phong, muốn có logo theo kiểu con dấu xưa. Ngô Thế Phong làm việc ở Bảo tàng lịch sử, đâu có phải là họa sĩ hay chuyên gia máy vi tính, nhưng vui vẻ nhận lời tìm giúp. Vài ngày sau logo Xưa và Nay ra đời và được chấp nhận ngay. Anh Tuấn Anh làm việc ở công ty vi điện tử MITEC giúp vẽ lại logo trên máy vi tính, cả dương bản và âm bản và lưu lại dưới dạng file.
Mọi việc ban đầu đều được các bạn bè giúp đỡ. Công ty MITEC của hai anh Nguyễn Ngọc Lân và Đinh Phú Quốc cho mượn tạm trụ sở cũ ở số 2 Tràng Thi làm tòa soạn. Đây là gian nhà cấp bốn đã được các anh thuê lại của công an Hoàn Kiếm. Các anh còn cho mượn cả hai máy tính XT và AT286. Anh Tâm Thành là người của Viện Thông tin Khoa học xã hội phụ trách chế bản vi tính. Anh Nguyễn Văn Mùi xắn tay chuyên lo hậu cần. Bàn ghế thì anh em nhặt nhạnh từ những cơ quan cũ hoặc đem từ nhà đến. Mặc dầu còn làm việc ở các cơ quan cũ, nhưng anh em ngày nào cũng phải đảo qua “Tòa soạn” xem có gì mới.
Đơn xin phép ra báo đã gửi đi, các cơ quan chức năng cấp trên đã cử người đến gặp gỡ và tán thành việc ra báo. Nhưng muốn hoàn thành các thủ tục thì phải có thời gian. Mà lúc đó đã gần đến Tết năm Giáp tuất 1994. Để kịp ra số báo nhân dịp năm mới, Vụ báo chí Bộ Văn hóa-Thông tin cấp cho giấy phép xuất bản nhất thời ngày 7-12-1993. Như vậy đây chưa phải là số báo đầu tiên. thế là nảy ra sáng kiến in số 0.
Một số bạn bè hay tin đã gửi bài vở đến như các Giáo sư Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, các anh em ở Viện Sử học như Chương Thâu, Tạ Ngọc Liễn, ở Viện Hán Nôm như Nguyễn Tá Nhí... Những người trong tòa soạn đều có bài như Đào Hùng, Đỗ Quang Hưng, Khắc Kỳ, Dương Trung Quốc đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày ý định ra báo. Đại tướng đã viết mấy chữ chúc mừng báo:
Chúc “Xưa Nay” tiến tới, Chúc Sử học phát triển, Chúc bạn đọc hạnh phúc.
Họa sĩ Nguyễn Hữu Thanh giúp trình bày tạp chí. Cả một ngày chủ nhật xoay trần vừa trình bày vừa chế bản bằng phần mền Ventura 2.0. Bìa tấm ảnh “Ông đồ già” của nhà nhiếp ảnh cao niên Lê Vượng, bìa 4 chưa có gì thì đưa quảng cáo cho Công ty MITEC. Đưa bản can sang Viện Thông tin Khoa học xã hội, anh Trần Xuân Hiến xưởng trưởng và anh Trịnh Việt Hùng thợ in chính nhiệt tình làm cả ngày lẫn đêm để báo kịp ra sớm. Suy đi tính lại mọi người nhất trí in 700 bản, một số dùng để biếu, số còn lại cố gắng bán để bù lại một phần nào chi phí. Vì lúc đó báo chưa có trị sự, chưa có tài vụ kế toán, mọi việc đều phải làm áng chừng.
Cuối cùng số 0 ra đời, kịp đưa dự Hội báo Xuân. Tờ báo ra đời một cách khá lặng lẽ. Không có họp báo, không có giới thiệu trên các báo khác. Mặc dù còn mộc mạc, nhưng số đầu tiên ra mắt đã nhận được giải thưởng khuyến khích về bìa đẹp, có ý nghĩa. Cuộc trình làng đầu tiên đã có tiếng vang.
Ngày 8-3-1994 giấy phép chính thức đã được ký, đúng vào ngày Quốc tế phụ nữ. Vậy là số 1 được ra mắt bạn đọc đúng vào dịp Đại hội Hội Khoa học lịch sử lần thứ ba.
Hùng Long, Xưa & Nay, số 207, 2004.
|