Vào những ngày đầu của cuộc kháng chiến cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh ngày 16/2/1947 quy định chế độ lương hưu, thương tật đối với thương binh và tiền tuất đối với tử sĩ.
Đây là văn bản đầu tiên thể hiện mối quan tâm của Nhà nước đối với thương binh liệt sĩ khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta mới bước vào giai đoạn đầu ác liệt nhất. Và đến ngày 27 tháng 7 năm đó, Chủ tịch nước đã đưa ra sáng kiến tổ chức ngày “Toàn dân giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ” (gọi tắt là ngày Thương binh liệt sĩ). Trong ngày lịch sử ý nghĩ đó, Chủ tịch đã viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí ấy bị ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh hùng ấy”. Kể từ đó, hàng năm cứ đến ngày 27 tháng 7, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết thư thăm hỏi thương binh và các gia đình liệt sĩ. Người không ngừng động viên nhân dân quyên góp ủng hộ thương binh, tự Người cũng trích lương tháng gửi vào quỹ thương binh liệt sĩ. Khi cuộc kháng chiến lần thứ nhất kết thúc, trong lễ đặt hoa trước đài tưởng niệm liệt sĩ ở Hà Nội, Người còn nói: “Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng công trạng to lớn của liệt sĩ đã thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và dân ta. Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”.
Đến nay, 60 năm đã trôi qua, những hành động đó đã đi vào tập quán để trở thành truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta. Thực hiện lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong tháng 7 này nhân dân cả nước sẽ tổ chức kỷ niệm “60 năm Đền ơn Đáp nghĩa” bằng những hình thức hoạt động bao gồm gồm từ “Hành trình 60 năm về nguồn” với lễ rước bát hương từ Đài tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược – Củ Chi, qua thành phố Hồ Chí Minh, qua thành cổ Quảng Trị, đến nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, đến Hà Nội, rồi rước về khu di tích xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi ra đời quyết định về ngày 27 tháng 7 lịch sử. Các hoạt động còn tiếp tục bằng những cuộc triển lãm hình ảnh “uống nước nhớ nguồn”, trưng bày sản phẩm của thương binh thực hiện lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”. Một hình thức kỷ niêm thiết thực là tổ chức các buổi giao lưu, gặp mặt các anh hùng thương binh, các cựu chiến binh với thế hệ trẻ, tặng quà các thương binh tiêu biểu và gia đình liệt sĩ, mở rộng thành lễ cầu siêu cho hương hồn liệt sĩ và đồng bào đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Chiến tranh đã lùi xa trên đất nước ta hơn 30 năm, nhưng những đau thương mất mát do chiến tranh để lại vẫn còn hằn sâu trong tâm khảm mỗi người dân nước ta. Biết bao thế hệ đã ngã xuống vì nền độc lập và tự do của đất nước, những người con anh hùng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã ra đi mãi mãi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho những người mẹ, người vợ, người con. Nhiều liệt sĩ đến nay vẫn không biết hài cốt còn nằm ở đâu. Kỷ niệm ngày lịch sử này, Xưa & Nay muốn đưa đến với bạn đọc một vài hình ảnh về những người thầy thuốc quân y, những người anh hùng thầm lặng đã có nhiều đóng góp làm dịu nỗi đau của các thương binh.
Xưa & Nay, tháng 7.2007
|