Trung tâm Lưu trữ quốc gia III là một trong các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Trung tâm có chức năng thu thập, bảo quản an toàn và tổ chức sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ có ý nghĩa toàn quốc từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay. Hiện nay Trung tâm đang bảo quản gần mười ngàn mét giá tài liệu với 4 loại hình tài liệu chính là tài liệu hành chính, tài liệu khoa học kỹ thuật, tài liệu nghe nhìn và tài liệu văn học nghệ thuật.
Trước đây, việc phục vụ độc giả còn gặp khó khăn do nhiều khối tài liệu chưa được chỉnh lý, chưa có công cụ tra tìm tài liệu. Những năm qua, nhiều phông tài liệu đã được chỉnh lý sắp xếp và các công cụ thống kê và tra tìm tài liệu đã được xây dựng và hoàn thiện dần.. Điều đó đã giúp cho việc tiếp cận tài liệu của độc giả được dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Để từng bước hoàn thiện hệ thống công cụ tra cứu khoa học đối với tài liệu lưu trữ, đặc biệt là đem đến cho các nhà nghiên cứu một cách nhìn tổng quát về nội dung các phông tài liệu để từ đó có thể tiếp cận các công cụ tra cứu cụ thể liên quan đến đề tài nghiên cứu của mình, các cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã tiến hành biên sọan cuốn sách Sách chỉ dẫn các phông lưu trữ bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Cuốn sách chỉ dẫn này chỉ giới thiệu tóm tắt lịch sử hình thành các cơ quan và nội dung tài liệu của chính các cơ quan và cá nhân sản sinh ra tài liệu, nhưng chúng tôi hy vọng đây là những thông tin cần thiết và quan trọng đối với độc giả khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thời kỳ hiện đại.
Cuốn sách chỉ dẫn có giới thiệu nội dung tổng quát của toàn bộ 145 phông tài liệu lưu trữ thuộc các cơ quan, tổ chức quản lý Nhà nước ở Trung ương và một số địa phương từ sau năm 1945 tới nay thuộc nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa trước đây, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối với từng phông có các phần mục giới thiệu khái quát lịch sử đơn vị hình thành phông, cụ thể là văn bản thành lập, tóm tắt chức năng nhiệm vụ, chỉ dẫn các văn bản liên quan đến sự thay đổi chức năng nhiệm vụ và tổ chức của cơ quan. Thông tin cơ bản nhất trong lịch sử phông là phần giới thiêụ tóm tắt nội dung tài liệu của phông. Ngoài ra còn có các thông tin về: số lượng tài liệu, thời gian, tình trạng vật lý của tài liệu…
Sách được xuất bản bằng tiếng Việt và có phần tóm tắt tiếng Pháp và tiếng Anh với độ dầy là 665 trang sách. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, những người biên tập đã đánh số thứ tự các phông cả ở phần tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh như nhau. Độc giả sau khi tra cứu phần tóm tắt bằng tiếng Pháp (hoặc tiếng Anh) có thể nhanh chóng tìm hiểu chi tiết hơn phông tài liệu mình quan tâm trong phần tiếng Việt với cùng số thứ tự phông.
Ngoài phần giới thiệu nội dung tài liệu, cuốn sách còn hấp dẫn bạn đọc bởi một số trang ảnh tài liệu minh họa hiện đang được bảo quản tại Trung tâm như Sắc lệnh năm 1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời dân chủ Cộng hòa Việt Nam Hồ Chí Minh về thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp, Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam dân chủ Cộng hòa về ấn định Quốc kỳ Việt Nam, Bản tổng phổ Quốc ca Việt Nam của Nhạc sĩ Văn Cao,…
Cuốn sách được xuất bản trong khuôn khổ chương trình hợp tác xuất bản Nguyễn Văn Vĩnh và dự án FSP VALEASE, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng cuốn sách sẽ là một món quà nhân dịp năm mới 2007 và là hành trang quý giá đối với các nhà nghiên cứu nói chung, các nhà sử học nói riêng không những của Việt Nam mà còn của các nhà Việt Nam học trên thế giới.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.
TS. Vũ Thị Minh Hương
Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước
|