Ngày 19-12-2005, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt (GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng) đã tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học Sưu tầm, khảo sát và biên dịch những di sản văn hoá hiện còn ở Thanh Hoá do ông Trần Quốc Chấn - Phó Chủ tịch thường trực Hội khoa học tâm lý - giáo dục Thanh Hoá, cán bộ nghiên cứu lịch sử làm chủ đề tài thực hiện trong hai năm 2004 và 2005.
Thanh Hoá là vùng đất văn hiến, hiện còn lưu giữ được nhiều di văn chữ Hán, chữ Nôm quý báu. Nội dung của các mảng di văn này chứa đựng nhiều tư liệu liên quan tới các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội trong lịch sử đấu tranh dựng nước và cứu nước của dân tộc.
Công việc sưu tầm, khảo sát, biên dịch những di sản này là hết sức cần thiết và cấp bách. Nếu sưu tầm và biên dịch được sẽ cung cấp những cứ liệu đáng tin cậy cho việc tìm hiểu, nghiên cứu sự hình thành và phát triển xã hội - lịch sử thời phong kiến của địa phương và của cả đất nước.
Trong 2 năm, nhóm thực hiện đề tài đã in dập được 128 tấm bia (có 60 bia khắc trên vách đá cao, khó dập); 12 cuốn gia phả, thần phả, ngọc phả (phiên âm, dịch nghĩa được 6 cuốn); 12 cuốn tài liệu Hán-Nôm (dịch được 2 cuốn và 30 bài thơ); 48 đạo sắc phong, 2 đạo chế, 4 lệnh dụ của 19 triều vua; 30 hoành phi, bài vị và 50 câu đối Hán - Nôm...
Đó là những đóng góp mới đối với địa phương, với chuyên ngành Hán Nôm và việc nghiên cứu lịch sử, xã hội; có giá trị về văn học, lịch sử.
Hội đồng khoa học nhất trí đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc và đề nghị Liên hiệp hội kiến nghị với các cấp có thẩm quyền nên nâng cấp và dành cho Thanh Hoá một công trình độc lập cấp Nhà nước để nhóm công trình có thể tiếp tục sưu tầm và biên dịch những tư liệu Hán - Nôm quý hiếm hiện còn lưu giữ ở địa phương; tiếp tục hoàn thiện các công việc còn lại.
Tin: Hội Sử học Việt Nam
|