Giới thiệu website
 


Tạp chí Xưa & Nay
Tòa soạn: 216 Trần Quang Khải - Hà Nội
Tel/Fax: 04.38256588
Email: tapchixuavanay@yahoo.com
VP đại diện phía Nam: 181 Đề Thám, Q. I, TP. Hồ Chí Minh
Tel: 08.38385117-Fax: 08.38385126
Email: xuanay@hcm.fpt.vn
Chủ nhiệm: Phạm Mai Hùng
TBT: Dương Trung Quốc
P.TBT: Đào Hùng, Nguyễn Hạnh



Tìm kiếm

  Tìm kiếm trên website
  Tìm kiếm trên google


 


  Liên kết website


  Thông tin website
² Thứ Tư, 22/4/2009
² Số truy cập:171981
  ² Đang online: 22
 

Quảng cáo


 
Kiến thức lịch sử
 
 
Chu Thuấn Thủy ở Triều đình chúa Nguyễn Xung đột hay giao lưu văn hóa?

Chu Thuấn Thủy là một nhà nho Trung Quốc sống vào cuối triều Minh đầu triều Thanh, đã ở một thời gian ngắn tại triều đình chúa Nguyễn năm 1657. Ông đã từ chối không phục vụ triều đình Đàng Trong với tư cách mệnh quan và cách ứng xử của ông trong triều bị coi là một sự sỉ nhục. Ông còn có nguy cơ bị Chúa Nguyễn hãm hại. Nhưng cuối cùng, ông đã thoát được và được Chúa và các quan triều nể vì. Bài này tìm cách phân tích lý do thay đổi thái độ của Chúa Nguyễn và các quan triều và vai trò của Chu ở triều đình Đàng Trong trong lịch sử giao lưu giữa Trung Quốc và Việt Nam.



1. Cuộc đời của Chu Thuấn Thủy

Chu Thuấn Thủy (1600 - 1682) sinh ở Dư Diêu, tỉnh Chiết Giang miền đông nam Trung Quốc. Tên thật là Chi Du, thường được gọi là Lư Du, còn Thuấn Thủy là tên hiệu.

Thuấn Thủy là tên con sông ở quê hương ông, được lấy làm hiệu trong thời gian lưu vong ở Nhật Bản để tỏ lòng nhớ đến cố quốc.

Chu có chí học hành thi thư từ thuở nhỏ, lại biết cả binh pháp. Ông đã được tiến cử lên Bộ Lễ năm 1638 với tư cách là “văn vũ toàn tài đệ nhất”, và Bộ Lễ khen ông là “Khai quốc lai đệ nhất”. Nhưng ông từ chối với lý do suy đồi của xã hội thời đó, không làm quan và phục vụ triều đình nhà Minh, mà tập trung trí lực để học tập và nghiên cứu nho học.

Triều đại nhà Minh bị Lý Tự Thành, thủ lĩnh phong trào nổi loạn của nông dân, lật đổ năm 1644. Hoàng thân Chu Do Tung được phù tá để lập triều đình ở Nam Kinh. Triều đình này đã ba lần cho gọi Chu Thuấn Thủy về làm quan hay làm tướng, nhưng ông đều từ chối.

Cũng trong năm đó quân Thanh tiến vào Sơn Hải quan và tiến về phía nam. Triều đình Chu Do Tung cũng bị lật đổ. Chu Thuấn Thủy quyết định tham gia phong trào phản Thanh phục Minh. Từ khi Nam Kinh thất thủ, ông đã phù tá các tướng chống Thanh để huấn luyện binh sĩ và đi tìm khắp nơi binh lương cho quân đội. Ông đã đến Nhật Bản, An Nam và Xiêm từ năm 1645 để tìm viện trợ. Năm 1659 ông tham gia cuộc tiễu phạt lên phía Bắc nhưng cuối cùng đều thất bại. Từ đấy, ông lánh sang Nhật Bản trong 24 năm và không còn có dịp trở lại Trung Quốc nữa.

2. Chu Thuấn Thủy với Chúa Nguyễn

Nguồn sử liệu chủ yếu về thời gian Chu Thuấn Thủy ở Đàng Trong của Chúa Nguyễn là cuốn “An Nam cung dịch kỷ sự” do Chu tự viết. Ông chỉ ghi lại thời gian ngắn ngủi ở tại triều chúa Nguyễn Phúc Tần, đặc biệt là mâu thuẫn giữa ông với Chúa và các quan triều.

Theo “Kỷ sự” thì chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) đã quyết định vào đầu năm 1657, chiêu mộ những người biết đọc và biết viết. Chu Thuấn Thủy được đưa từ nơi ông ở là Hội An đến Ngoại Dinh Sa (tức Dinh Cát), nơi đóng quân cách Huế không xa. Khi đến trình diện ở triều đình chúa Nguyễn Phúc Tần, ông từ chối không chịu lạy như các quan trước mặt Chúa. Theo lời mô tả của ông, khi quan hầu bảo ông lạy thì ông vờ như không hiểu. Quan hầu bèn dùng gậy viết chữ “bái” trên cát, ông đã viết thêm chữ “bất” bên cạnh. Quan hầu nắm tay áo bắt ông quì xuống nhưng ông gạt tay ra. Chúa đại nộ ra lệnh cho người hầu cầm trường đao lôi ông đi ra phía Tây. Nhưng Chu không tỏ ý sợ sệt, còn cởi áo mới tặng cho người đi theo.

Thái độ của ông đã khiến các quan triều nổi giận và yêu cầu chúa Nguyễn Phúc Tần cho đem ra chém. Ngay đến những người Trung Quốc sống trong nước này cũng thóa mạ ông.

Cuối cùng, chúa Nguyễn Phúc Tần không giết Chu và tìm mọi cách để khiến Chu phục vụ mình. Chúa cho Chu đến ở với một vị y quan mang họ Lê. Người thầy thuốc này kiên trì tìm cách thuyết phục Chu Thuấn Thủy, nhưng Chu thà chết chứ không khuất phục. Ngày nào chúa Nguyễn Phúc Tần cũng cho giết những tử tù một cách tàn bạo trước nơi ở của Chu để làm ông sợ, nhưng làm vậy cũng không có hiệu quả. Chúa còn cho các nhà nho đến để thử tài học vấn của Chu, và những nhà nho đó đều thừa nhận sự hiểu biết của ông.

Nguyễn Phúc Tần bèn yêu cầu Chu ở lại nước Chúa và hứa sẽ giao cho ông một trọng trách. Chúa còn đề nghị ông đưa gia đình tới và chuẩn bị dựng một phủ đệ để Chu có thể yên tĩnh làm việc. Nhưng mọi yêu cầu đều bị Chu Thuấn Thủy từ chối.

Nhưng Chúa không còn tức giận vì sự từ chối của Chu, mà ngược lại, còn đánh giá cao tư cách và hiểu biết của Chu. Chúa coi Chu là một “bậc cao nhân”, và “ở nước An Nam chúng ta không có người như vậy đã đành, mà ngay ở nước Đại Minh người được như thế sợ cũng rất hiếm”. Sự thay đổi thái độ của Chúa Nguyễn đã khiến các quan triều tỏ ra kính trọng Chu hơn. Theo “Kỷ sự” thì phần lớn các quan đó trước đấy đã yêu cầu chúa Nguyễn Phúc Tần cho giết Chu ngay. Chu Thuấn Thủy trở về Hội An cuối tháng tư năm đó và thấy nhà trọ của mình đã bị cướp sạch. Theo “Kỷ sự” thì ông bị ốm nặng và thổ huyết. Ông đi sang Nhật Bản mùa hè 1658, rồi trở về Trung Quốc tham gia cuộc chiến phản Thanh.

3. Xung đột hay giao lưu văn hóa?

Nhìn bề ngoài, trong thời gian ngắn ngủi Chu Thuấn Thủy ở triều đình Đàng Trong, có một sự xung đột giữa ông với chúa Nguyễn Phúc Tần quanh chữ “lễ”, Chu suýt bị mất mạng vì cách ứng xử và thái độ của ông đối với Chúa Nguyễn. Nhưng sự thật, thì chúng ta thấy có một sự chuyển hướng trong thái độ của Nguyễn Phúc Tần và các quan triều đối với Chu.

Nguyên nhân chủ yếu của sự thay đổi đó là như sau:

Trước hết, cách ứng xử của Chu cho thấy tính chất chủ yếu của các nho sĩ Trung Hoa: “giữ lòng trung với vua” và “hy sinh vì tổ quốc”. Chu Thuấn Thủy đã nhiều lần nhấn mạnh đến mục tiêu duy nhất của ông khi lưu vong ra nước ngoài, kể cả khi đến triều đình Đàng Trong, là để nhằm phục hồi triều đại nhà Minh đã bị quân Thanh lật đổ. Ông không thể quì lạy chúa Nguyễn Phúc Tần và phục vụ cho Chúa. Trong khi đó thì bản thân chúa Nguyễn Phúc Tần lại nổi giận khi Chu từ chối không chịu quì trước mặt mình, nhưng liền sau đó ông đã hiểu được lòng trung của Chu và coi đó là một báu vật đối với Chúa, vì với tư cách là Chúa đang tìm cách củng cố cơ đồ của mình, Nguyễn Phúc Tần cũng cần đến lòng trung thành của các quan và dân chúng đối với mình. Ta phải nói rằng mọi thử thách mà Chúa thi hành đối với Chu, một mặt là nhằm làm cho Chu thay đổi thái độ và phục vụ mình, và mặt khác cũng là để cho các quan và nho sĩ trong nước học được lòng trung đối với Chúa và xứ Đàng Trong qua thái độ của Chu.

Thứ hai, những tri thức về hành chính và binh pháp của Chu Thuấn Thủy được đánh giá là “văn vũ toàn tài đệ nhất” vào cuối đời nhà Minh, là rất quí giá đối với việc xây dựng và củng cố xứ Đàng Trong. Ví dụ triều đại Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) là giai đoạn xung đột quân sự giữa Chúa Nguyễn phía nam và Chúa Trịnh phía bắc đang tăng cường không ngừng, nhưng Chúa cũng rất chú ý đến việc xây dựng hệ thống cai trị. Chúa đang tìm cách chiêu mộ các nho sĩ am hiểu để giúp. Chính vì lý do đó mà Chu Thuấn Thủy được gọi đến triều. Qua các quan và các nho sĩ nước mình, Nguyễn Phúc Tần đã đưa ra những câu hỏi về hệ thống thi cử tuyển dụng quan lại, bổ nhiệm các quan chức, về học thuyết nho giáo… Cuối cùng Chúa đã có cảm giác rằng Chu là một “bậc cao nhân”, và “ở nước An Nam chúng ta không có người như vậy đã đành, mà ngay ở nước Đại Minh người được như thế sợ cũng rất hiếm”. Chu có thể sẽ rất có ích cho sự cai trị của Chúa.

Thứ ba, Chu Thuấn Thủy tỏ ra có sự mềm dẻo đối với Chúa Nguyễn. Ông từ chối không chịu quì trước Chúa, nhưng luôn luôn viết “Chu Chi Du kính cẩn cúi đầu” vào cuối mỗi thư viết gửi Chúa Nguyễn. Ông từ chối ở lại và phục vụ triều Nguyễn, nhưng đã hứa hẹn khi nói rằng: “Nếu ngày nào đó […]Du sẽ dựa vào sự yểm hộ tinh thần của Đại vương mà về quê cũ, đứng trong hàng ngũ của những người chức tước thấp hèn, Du sẽ ráng sức bên trong thì phò tá Đại Minh, và với sức còn lại, bên ngoài sẽ giúp đỡ quí quốc. Làm như vậy là vừa bảo tồn cả hai bên và vừa có lợi cho cả hai đàng”. Sự mềm dẻo đó đã đem lại hy vọng cho Nguyễn Phúc Tần, cuối cùng đã quyết định không giết Chu mà còn để ông ra đi trở về Trung Quốc.

Cuối cùng, chữ Hán mà hai nước sử dụng vào thời đó đã giữ vai trò bản lề trong sự hiểu biết và giao lưu giữa hai bên. Theo “Kỷ sự” thì “Tuy có những chỗ khác nhau trong chữ viết của người An Nam và của Trung Quốc, nhưng nghĩa chữ vẫn có thể hiểu được, và có thể dễ dàng hiểu được ý nghĩa của mọi văn bản”. Và trên cơ sở đó ông đã trao đổi với Chúa, với các quan và nho sĩ bằng bút đàm, vì ông có thể “biểu đạt mọi điều ông muốn tùy ý”. Sự trao đổi bằng bút đàm của hai bên như vậy có thể tránh được mọi sự hiểu lầm và tạo sự hiểu biết lẫn nhau hơn.

Qua những phân tích đó, chúng ta có lý để nói rằng có nhiều sự “giao lưu” hơn là “xung đột” văn hóa trong thời gian ngắn ngủi Chu Thuấn Thủy ở lại triều đình Đàng Trong của Chúa Nguyễn. Một năm sau khi Chu Thuấn Thủy rời Đàng Trong, một nho sĩ đã đề nghị với chúa Nguyễn Phúc Tần năm 1659, học theo lệ cũ bằng việc thiết lập khoa cử như hương thí, sách chế, để tuyển dụng cấp tốc các nho sinh. Chúa rất tán thành đề xuất đó và đã tổ chức liên tục nhiều khoa thi. Chúng ta không thể gạt bỏ khả năng tồn tại những ảnh hưởng của cách trình bày và đề nghị về hệ thống khoa cử tuyển dụng quan lại mà Chu Thuấn Thủy đã đưa ra trong thời gian ở đây. Hơn nữa, theo một nguồn tư liệu lịch sử Việt Nam, câu sấm truyền nói rằng “đời thứ bảy của Nam Hà sẽ quay lại kinh đô trung ương” đã thúc đẩy Nguyễn Phúc Khoát quyết định xưng vương, là một “lời cảnh báo của Chu tiên sinh vị khách phương Bắc”. Chúng ta có thể nghĩ rằng “vị khách phương Bắc” đó nghĩa là “khách đến từ Trung Quốc” được gọi “Chu tiên sinh” là ám chỉ đến Chu Thuấn Thủy.

Nói tóm lại, thời gian cư trú ngắn ngủi của Chu Thuấn Thủy ở triều đình Đàng Trong của Chúa Nguyễn là một sự kiện quan trọng trong quan hệ bang giao giữa Trung Quốc với chính quyền Đàng Trong, và ông đã giữ một vai trò đặc biệt trong việc giao lưu chính trị và văn hóa giữa hai nước.

Dương Bảo Quân (Tác giả người Trung Quốc. Dịch: Đào Hùng)


Các tin đã đưa:

·  Đánh giá lại triều Nguyễn: Về một vài di sản của nhà Nguyễn còn tồn tại đến ngày nay (15/10)

·  Các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu thế kỷ XVII đến khi thực dân Pháp xâm lược và đô hộ Việt Nam (14/10)

·  Chúa Nguyễn và Vương triều nhà Nguyễn với các dân tộc thiểu số miền Nam nước ta (13/10)

·  Tính năng động của công trình thủy lợi châu thổ sông Hồng dưới triều Nguyễn (12/10)

·  Nguyễn Phúc Nguyên: vị chúa của những kỳ công mở cõi đầu thế kỷ XVII (11/10)

·  Trách nhiệm triều Nguyễn về sự thất bại của xu hướng đổi mới ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX (10/10)

·  Thủ phủ các chúa Nguyễn (1558-1775) và vai trò của chúng đối với sự phát triển của Đàng Trong (9/10)

·  Ý thức về biển của vua Minh Mệnh (8/10)

·  Từ sự thành lập vương triều Nguyễn đến sự đảo lộn nhận thức về triều đại này trong giai đoạn vừa qua (7/10)

·  Đô thị Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn (6/10)

 
 


Hoàng Xuân Hãn
1908 / 1996








Copyright  © 2007 VAHS -  Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam 
Cơ quan chủ quản: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Người chịu trách nhiệm chính: Dương Trung Quốc
Giấy phép số 327/GP-BC của Cục Báo chí - Bộ Văn hóa Thông tin cấp ngày 30/7/2007
Địa chỉ: 216 Trần Quang Khải - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội - Tel: 04. 39369089 - 0913553003; Fax: 04. 38256588;
Email:  hoisuhocvietnam@yahoo.com.vn;  Website: http://hoisuhoc.vn