Ngày 9-7-2008, Hội hữu nghị Việt - Pháp TP Hà Nội và Thư viện Quốc gia đã phối hợp tổ chức “Hội thảo về Văn hóa - Kiến trúc Pháp với Hà Nội”. Tham dự có các kiến trúc sư đầu ngành, các nhà sử học và nhà nghiên cứu văn hóa với nhiều tham luận đánh giá ảnh hưởng của Văn hóa - Kiến trúc Pháp trong quá trình phát triển Hà Nội.
Khi Lý Công Uẩn định đô trên thành Đại La cũ và lấy tên là Thăng Long thì mảnh đất này bắt đầu biết đến quy hoạch, kiến trúc. Thăng Long được chia ra làm ba khu rõ rệt: Hoàng thành, Kinh thành và các trại. Hoàng thành có quy hoạch quy củ với 4 cửa. Các cung điện được bố trí đối xứng và ngay ngắn có hành lang, có gác tỏ rõ tính tôn nghiêm của quyền lực. Hoàng thành có kiến trúc Á Đông rõ rệt, mái cong, cột đỡ to và thấp. Kinh thành là nơi dân cư sinh sống. Nó bao gồm chùa, trường học, chợ, các cơ sở sản xuất hàng hóa phục vụ cho cuộc sống. Tuy nhiên kiến trúc nhà dân đơn sơ, thấp, thiếu sáng. Nhưng các công trình văn hóa như Văn Miếu hay tôn giáo thì to lớn. Công trình kiến trúc đặc sắc nhất phải kể đến chùa Một Cột. Chùa như dựng lại giấc mơ Lý Thái Tôn gặp Đức Phật Quan Âm. Tất cả được đặt trên một cột đá và chùa gắn bó với thiên nhiên bởi có hồ nước, cây cối. Đến thời kỳ nhà Trần (1225-1400), Hà Nội được phát triển thêm về phía Tây nhưng cũng chỉ là bổ sung cho các công trình của nhà Lý. Kiến trúc cung điện nhà Trần thường được đặt trên các bệ cao, tầng trên là gác, tầng dưới là điện. Về kiến trúc dân gian thì mái nhà thường làm thẳng từ đòn gióng đến mái hiên vì vậy nóc rất cao song mái hiên lại rất gần mặt đất...
Những công trình kiến trúc mang giá trị lịch sử và văn hóa tiêu biểu còn được bảo tồn cho đến nay có khu Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Thành Hà Nội, Cột Cờ (Kỳ đài), chùa Một cột, đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, Ô Quan Chưởng...
Bước ngoặt lớn trong quy hoạch xây dựng và kiến trúc là từ khi Pháp xâm chiếm và biến Hà Nội thành nhượng địa. Liên tiếp từ năm 1884 cho đến đầu thế kỷ XX nhiều công trình lớn về hành chính, kinh tế, văn hóa đã được xây dựng vì người Pháp coi Hà Nội là trung tâm của Đông Dương. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phương pháp xây dựng đô thị châu Âu với hình thức kiến trúc có quy hoạch và có thiết kế được du nhập vào Việt Nam. Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, người từng sống nhiều năm bên Pháp cho rằng, quy hoạch Hà Nội và kiến trúc Pháp ở Hà Nội là “một quần thể chi tiết và hệ thống, phân khu rất rõ ràng, khoa học”. Công cuộc xây dựng thành phố đã kéo dài cho tới đầu thập niên 40 của thế kỷ trước. Dấu ấn kiến trúc thuộc địa Pháp còn lại khá nguyên vẹn trên một diện tích rộng của Hà Nội. Những công trình kiến trúc lớn đồ sộ ở Hà Nội có thể kể đến Phủ Toàn quyền (Phủ Chủ tịch hiện nay), Nhà hát lớn Hà Nội, Dinh Thống sứ (Bắc bộ phủ, Nhà khách Chính phủ hiện nay), Phủ thống sứ (nay là Bộ Lao động - Thương binh- Xã hội), Khách sạn Chính Quốc (Khách sạn Metropole hiện nay), cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, Tòa án, Nhà bảo tàng Louis Finot (bảo tàng của Trường Viễn Đông Bác Cổ - Bảo tàng Lịch sử hiện nay), Viện Pasteur, Thư viện Quốc gia... Hầu như những bản vẽ thiết kế các công trình lớn đều do các kiến trúc sư mang từ Pháp sang. Về phong cách và ngôn ngữ kiến trúc dễ nhận thấy các công trình kiến trúc này được thiết kế phù hợp khí hậu Việt Nam với điều kiện sống của con người trong khung cảnh Hà Nội. Chính vì vậy, kiến trúc Pháp tại Hà Nội lại mang một dáng vẻ hoàn toàn riêng biệt. Trong thời gian đô hộ gần 100 năm, phong cách kiến trúc thời thuộc địa cũng có nhiều thay đổi và in dấu những công trình kiến trúc mang phong cách kiến trúc thuộc địa tiền kỳ đơn giản với những cửa cuốn gạch hình chữ nhật. Tiếp theo là phong cách tân cổ điển qua những trang trí phong phú giàu tính sáng tạo phù hợp được tiếp thu từ trường phái cổ điển Pháp với những mái đá ardoise và cửa sổ tròn trên mái, rồi phong cách theo kiểu kiến trúc các địa phương Pháp từ những vùng Bretagne, Normandie, Basque... thể hiện rõ ở các tòa biệt thự. Phong cách Moderne (Art Nouveau) với những đường ngang, bằng phẳng nhấn mạnh những góc vuông, tường thẳng được xây dựng vào cuối những năm 1920, đến 1940 (Ngân hàng Đông Dương, Bệnh viện Bạch Mai, Bưu điện, Câu lạc bộ Ba Đình...). Và cuối cùng là phong cách Đông Dương do kiến trúc sư Ernes Hebrard khởi xướng với xu hướng khai thác đặc điểm kiến trúc phương Đông và nhiệt đới, kết hợp kỹ thuật xây dựng phương Tây để tạo nên một phong cách kiến trúc mới khác với phong cách thuần túy Pháp. Habrard là kiến trúc sư Pháp làm việc nhiều ở Đông Dương say mê truyền thống văn hóa bản địa, tác giả của phương án quy hoạch Hà Nội và Đà Lạt. Bên cạnh kiến trúc thuần Pháp hoặc Pháp lai Việt, Hà Nội cũng có một vài công trình pha trộn giữa kiến trúc Pháp và Trung Hoa như sử dụng mái ngói ống lưu ly, tường hoa nóc có vỉa ngói, cổng tròn khắc chữ thọ. Công trình rõ nét nhất chính là dinh Hoàng Cao Khải (hiện là Đại sứ quán Trung Quốc trên đường Hoàng Diệu).
Lớp kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên được đào tạo ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1935 như Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh... đã chịu nhiều ảnh hưởng của phong cách kiến trúc kết hợp và các xu hướng kiến trúc hiện đại, tiến bộ thịnh hành ở châu Âu. Họ đã thiết kế nhiều biệt thự cao cấp, biệt thự ghép theo phong cách Á Đông - một phong cách mới phản ánh xu hướng tìm tòi đặc điểm kiến trúc truyền thống để vận dụng trong thiết kế kiến trúc hiện đại. Những ngôi nhà họ thiết kế có mái cong, đôi khi có cửa tròn và sân vườn kiểu phương Đông.
Vết tích biệt thự cổ kiến trúc Pháp còn rải rác đâu đó ở Sài Gòn, Huế, Hải Phòng và những đại danh nghỉ dưỡng Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo... Nhưng không đâu lại có quần thể biệt thự kết hợp khu phố cổ, bổ sung nét đẹp lẫn nhau giống như Hà Nội. Trong một bài viết, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã gọi những ngôi biệt thự ấy chính là một nửa của Hà Nội nghìn năm. “Dù ở châu Phi, ở các nước Đông Dương khác hay bất kỳ một quốc gia thuộc địa nào của Pháp cũng không thể có được cụm kiến trúc đặc sắc này giống như ở Hà Nội”, kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị đã đưa ra so sánh như vậy, khi ông được giao trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội.
Sau năm 1954, miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội đã xuất hiện những công trình xây dựng mọc lên đóng góp vào quá trình hình thành nghệ thuật kiến trúc thời kỳ này là do các nước xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô, cũng như nhiều nước khác viện trợ, giúp đỡ thiết kế và xây dựng. Còn phần lớn các công trình khác là do các kiến trúc sư thế hệ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đảm nhiệm và sau đó là lớp kiến trúc sư được đào tạo ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Thập niên 70 và 80 thế kỷ trước có 2 công trình kiến trúc vô cùng quan trọng chính là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Hai công trình kiến trúc quan trọng này không chỉ của hôm nay mà chắc chắn là công trình đẹp của mai sau.
Năm 1986, Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa và đổi mới, chính sách này tác động đến kiến trúc Hà Nội bắt đầu vào năm 1990 đã tạo ra những thay đổi rõ nét. Số lượng công trình nhiều hơn, số tầng cao hơn, đánh đấu cho giai đoạn của nền kinh tế thị trường làm cho Hà Nội sinh động, hấp dẫn và tăng thêm tính hiện đại. Nhiều công trình mang phong cách kiến trúc hiện đại đã xuất hiện. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận tầm nhìn của họ còn hạn chế, có lúc rơi vào quan điểm của người sản xuất nhỏ, lại có lúc tưởng có thể áp dụng nguyên xi kinh nghiệm của những nước khác, chưa thấy được sự phát triển nền kiến trúc thành phố phải có những đặc điểm phù hợp với tình trạng một nước đang phát triển.
Theo Nguyễn Ngọc Tiến (Hà Nội Mới)
|