Ngày 18-3-2008, Tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin triển lãm tỉnh, Hội Khoa học lịch sử Sơn La đã tổ chức Đại hội lần thứ Nhất (nhiệm kỳ 2008-2013). Đến dự, chỉ đạo Đại hội có các đồng chí: Tiến sỹ sử học Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Ủy viên BCH Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Viện trưởng Viện sử học Việt Nam; Hoàng Văn Chất, Phó bí thư Thường trực tỉnh uỷ; các đồng chí trong Ban Thường vụ tỉnh ủy; lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh và 47 đại biểu đại diện cho 76 hội viên Hội khoa học lịch sử tỉnh Sơn La
Đại hội đã đánh giá những kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu, biên soạn, giáo dục lịch sử từ khi tái lập tỉnh (1963) đến nay. Từ những giá trị khoa học và thực tiễn của các công trình lịch sử được nghiên cứu, biên soạn hoặc tái bản đã góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nâng cao lòng yêu nước và niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đến nay, Sơn La đã hoàn thành công trình lịch sử Đảng bộ tỉnh (gồm 3 tập: I, II, III), cuốn lịch sử truyền thống tỉnh Sơn La 110 năm và các cuốn lịch sử chuyên đề: Nhà tù Sơn La; Cách mạng tháng 8-1945 ở Sơn La; Căn cứ Mộc Hạ trong kháng chiến chống thực dân Pháp; Nhân dân các dân tộc Sơn La làm theo lời Bác Hồ dạy. Có 10/11 huyện, thị đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện, thị (riêng huyện Sốp Cộp mới tách huyện nên chưa triển khai biên soạn). Các ngành: Bưu điện, Nông nghiệp & PTNT, Giao thông - Vận tải; Công an, Bộ đội Biên phòng, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; Liên đoàn lao động tỉnh, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đoàn Thanh niên Thị xã; các xã: Chiềng Cang, Chiềng Khương, thị trấn Sông Mã (huyện Sông Mã), phường Chiềng Lề (Thị xã) đã biên soạn, xuất bản lịch sử của ngành, hội và lịch sử Đảng bộ xã, phường, thị trấn.
Đại hội đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ I là: Tăng cường công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò, tác dụng của việc nghiên cứu, biên soạn và giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương, tập hợp và phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử ở địa phương; Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 07 (ngày 28.3.2006) của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sơn La “Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn và giáo dục lịch sử”; vận động hình thành các Chi hội sử học, củng cố tổ chức Hội khoa học lịch sử Sơn La, đi vào hoạt động có hiệu quả.
Tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai biên soạn và giáo dục lịch sử, chú trọng lịch sử truyền thống xã, phường, thị trấn; triển khai nghiên cứu, bổ sung các sự kiện lịch sử đã biên soạn để chỉnh lý, tái bản lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử các đơn vị, ngành, đoàn thể. Đẩy mạnh nghiên cứu các đề tài khoa học; tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ thông qua các tác phẩm lịch sử đã xuất bản để phát huy truyền thống cách mạng, củng cố niềm tin của nhân dân các dân tộc vào sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đại hội đã bầu 11 đồng chí vào Ban Chấp hành Hội Khoa học lịch sử tỉnh Sơn La khoá I. Tiến sỹ sử học Thào Xuân Sùng được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội./.
Hội Khoa học lịch sử Sơn La là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, được UBND tỉnh ra Quyết định thành lập ngày 12-8-2007, nhằm tập hợp những người có tâm huyết với khoa học lịch sử. Mục tiêu của Hội là góp phần tích cực vào việc nghiên cứu, biên soạn, hội thảo khoa học về những vấn đề lịch sử cần làm sáng tỏ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, phản biện và phổ biến các kiến thức lịch sử; góp phần nâng cao hiểu biết về các giá trị lịch sử và văn hóa cho nhân dân các dân tộc, đồng thời giáo dục cho quần chúng ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy các di sản, di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng ở địa phương. Đến nay Hội đã có 76 hội viên ở 28 cơ quan, đơn vị huyện, thị, trong đó có nhiều hội viên là cán bộ viên chức đã nghỉ hưu; hầu hết hội viên có trình độ cao đẳng, đại học, trong đó có 2 tiến sỹ, 13 thạc sỹ.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua công tác nghiên cứu lịch sử địa phương nói chung, lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của ngành, đoàn thể nói riêng đã thu được nhiều kết quả quan trọng: Đã biên soạn, xuất bản được trên 40 tác phẩm lịch sử rất quí giá. Nhiều tác phẩm đã làm sáng rõ các sự kiện lịch sử, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của phong trào cách mạng cũng như những đóng góp to lớn của nhân dân các dân tộc Sơn La vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước; góp phần giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, bồi dưỡng ý chí, tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về truyền thống, tiềm năng thế mạnh, nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc Sơn La.
Đại hội Hội Khoa học lịch sử Sơn La lần thứ Nhất là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa to lớn đồng thời là bước tiến mới về sự phát triển của khoa học xã hội và nhân văn của tỉnh. Nhiệm vụ đặt ra cho tổ chức Hội và từng hội viên là phải sớm đưa nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh; tích cực tuyên truyền về vị trí, vai trò, tác dụng của công tác nghiên cứu khoa học lịch sử; tăng cường vận động nhiều người có trình độ, năng lực, có tâm huyết tham gia tổ chức hội; xây dựng chương trình hoạt động cụ thể thiết thực, hiệu quả nhằm phát huy cao nhất khả năng, trách nhiệm của Hội và từng hội viên để tiếp tục khai thác làm rõ các sự kiện lịch sử; nghiên cứu, biên soạn và truyền bá kiến thức về lịch sử, văn hóa cũng như những giá trị tinh thần của các dân tộc; đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Với không khí phấn khởi, tin tưởng, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới, chúng ta tin tưởng Hội Khoa học lịch sử Sơn La sẽ ngày càng phát triển./.
Theo: Hà Bắc (baodientusonla.com.vn)
|