Ngày 23-8-2007, Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương mở rộng Hội KHLS Việt Nam đã được tổ chức tại tỉnh Bình Dương. Dưới đây là toàn bộ lời khai mạc Hội nghị của GS.Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam.
Từ Hội nghị lần thứ II Ban chấp hành Trung ương Hội KHLS Việt Nam họp tại Đà Lạt ngày 25-3-2006 đến Hội nghị lần thứ 3 này tại Bình Dương, Hoạt động của Hội đã diễn ra trong bối cảnh đất nước diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng CSVN, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, Việt Nam tổ chức APEC 14 và gia nhập WTO.
Trong bối cảnh đó và trong sự phát triển của đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế, Hội Khoa học lịch sử cũng như giới sử nói chung đã có nhiều cố gắng và thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ.
Trước hết trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, giới sử học chúng ta có 4 người trúng cử là: đ/c Tổng thư ký Dương Trung Quốc do Hội giới thiệu và ứng cử tại Đồng Nai, đ/c Huỳnh Ngọc Đáng trúng cử tại Bình Dương, đ/c Nguyễn Thị Hồng Hà và đ/c Nguyễn Ngọc Đào trúng cử tại Hà Nội. Chưa có khóa Quốc hội nào, số đại biểu là sử gia lại trúng cử nhiều đến thế. Chúng ta nhiệt liệt chúc mừng các đ/c và mong rằng qua các đại biểu-sử gia, tiếng nói của giới sử học sẽ được phát huy, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.
Về mặt tổ chức, trong năm qua, Hội sử học tỉnh Nam Định và Chi hội sử học tỉnh Ninh Bình đã được thành lập, ban vận động thành lập Hội sử học các tỉnh Hà Tây, Bắc Ninh, Quảng Trị, Đak Lak, Lâm Đồng, Kiên Giang, Sóc Trăng đã ra đời và đang chuẩn bị tổ chức đại hội thành lập. Cách đây vài hôm, Ban vận động tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định của UBND tỉnh cho phép tổ chức đại hội thành lập Hội sử học tỉnh Sóc Trăng. Tổng số hội viện phát thẻ Hội lên đến 2.300 trên tổng số hơn 3.000 hội viên.
Các hoạt động của Hội trung ương cũng như các Hội cấp tỉnh/thành phố và các tổ chức thành viên phát triển khá đều với nhiều hội thảo khoa học, nhiều đề tài nghiên cứu và nhiều công trình đã được xuất bản, đóng góp đáng kể vào việc phát triển nền sử học Việt Nam và nâng cao dân trí, giáo dục truyền thống.
Ngay trước Hội nghị này, chúng ta đã tổ chức Hội thảo quốc tế "Quan hệ Việt-Hàn trong lịch sử" ngày 20-8-07 do Hội KHLS Việt Nam và Hội sử học Hàn Quốc đồng chủ trì với sự tài trợ của Quỹ lịch sử Đông Bắc Á và Đại sứ quán Hàn Quốc, Diễn đàn năm 2007 với chủ đề "Sử học trước trách nhiệm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc" ngày 22-8-2007 phối hợp với trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.
Trong các hoạt động của năm qua, nổi bật lên sự tham gia tích cực của giới sử học trong nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là việc kiên trì kiến nghị lên các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội và Nhà nước bảo tồn lâu dài toàn bộ khu di tích khảo cổ học tại trung tâm Hoàng Thành Thăng Long ở 18 Hoàng Diệu, Hà Nội.
Hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao và Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn và phổ biến cuốn sách "Lược sử vùng đất Nam Bộ-Việt Nam" và hiện nay đang bổ sung, chỉnh lý để tái bản phổ biến rộng rãi, đồng thời dịch ra tiếng Khmer, tiếng Anh, tiếng Pháp và biên soạn một tài liệu phổ cập "Hỏi và đáp về lịch sử vùng đất Nam Bộ". Trên cơ sở ba năm chuẩn bị với nhiều hội thảo phối hợp với Hội, Bộ Khoa học Công nghệ đang hoàn thành các thủ tục để triển khai Đề án khoa học công nghệ cấp Nhà nước về "Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ" giao cho Hội làm chủ quản.
Như vậy là hoat động của Hội càng ngày càng đi vào chiều sâu của khoa học lịch sử, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, công tác tư vấn, giám định, phản biện mà Đảng và Chính phủ đã giao cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp của các nhà khoa học. Hoạt động của Hội cùng với các cơ quan nghiên cứu và đào tạo về lịch sử đã góp phần phát triển nền sử học Việt Nam, nâng cao dân trí về lịch sử, giáo dục truyền, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa.
Trong các hoạt động, Hội luôn luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan nghiên cứu và đào tạo của nhà nước, với chính quyền các tỉnh/thành phố, với các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị. Quan hệ hợp tác, phối hợp đó giữ vai trò rất quan trọng trong các thành công của Hội.
Báo cáo của Ban thường vụ do Tổng thư ký sẽ trình bày cụ thể các hoạt động của Hội và đề ra chương trình hoạt động năm 2007-2008. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội sẽ thảo luận, đánh giá một cách khách quan, phân tích những mặt còn yếu kém cần rút kinh nghiệm và thông qua Quyết nghị của Ban chấp hành Trung ương.
Thay mặt Ban thường vụ, tôi xin chào mừng các vị đại biểu, các khách mời và các ủy viên Ban chấp hành Trung ương. Tôi tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ III Ban chấp hành Trung ương mở rộng khóa V Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
|