Ngày 22-8-2007, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo - diễn đàn sử học "Sử học Việt Nam trước trách nhiệm bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc". Chúng tôi xin đăng lại toàn bộ Lời khai mạc Diễn đàn của GS. NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Di sản văn hóa dân tộc hiểu theo nghĩa rộng là toàn bộ sản phẩm vật thể và phi vật thể (hay hữu hình và vô hình) kết tinh công cuộc lao động xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước của cả dân tộc, cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, trong giao lưu và dung hợp văn hóa giữa các vùng trong nước và với thế giới bên ngoài trải qua tiến trình lịch sử. Con người gắn liền với di sản văn hóa dân tộc luôn luôn là động lực nội tại của sự phát triển kinh tế xã hội, của công cuộc phục hưng và phát triển bền vững của đất nước. Trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa hội nhập quốc tế, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa dân tộc giữ vai trò vô cùng quan trọng trong giáo dục truyền thống và phẩm giá dân tộc, trong vun trồng bản lĩnh con người Việt Nam, giữ gìn bản sắc dân tộc, để trên nền tảng đó đón nhận và tiếp thu, dung hợp các giá trị của văn minh nhân loại trong thời đại văn minh hậu công nghiệp và toàn cầu hóa.
Chính vì tầm quan trọng của nó mà vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc được cả xã hội quan tâm, trở thành một vấn đề mang tính thời sự trên các phương tiện thông tin đại chúng và cũng là chủ đề nghiên cứu của một số đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước và của các nhà khoa học, chủ đề của nhiều hội thảo khoa học cấp ngành hay cấp quốc gia. Di sản văn hóa dân tộc là một lĩnh vực mang tính liên ngành rộng lớn liên quan đến nhiều chuyên ngành như sử học, khảo cổ học, dân tộc học, nhân học, văn hóa học, bảo tồn và bảo tàng học, văn học, ngôn ngữ học...và cả một số chuyên ngành khoa học tự nhiên và công nghệ như địa chất, địa lý, môi trường, sinh thái, động vật, thực vật, hóa học, vật lý...
Diễn đàn 2007 mang chủ đề "Sử học trước trách nhiệm bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa dân tộc" đã nói lên giới hạn của hội thảo về mặt chuyên môn là lĩnh vực sử học hiểu theo nghĩa của Khoa học lịch sử bao gồm lịch sử, kể cả lịch sử cổ-trung đại, lịch sử cận - hiện đại, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng và kháng chiến, lịch sử quân sự; khảo cổ học, bảo tồn và bảo tàng. Đó cũng là các chuyên ngành mà các thành viên đang hoạt động trong các tổ chức của Hội Khoa học lịch sử Việt hiện nay. Tuy nhiên ranh giới nêu trên chỉ mang ý nghĩa rất tương đối và chỉ nhằm định hướng tập trung cho hội thảo nhưng không nên tự bó mình quá hẹp trong thảo luận.
Dưới góc độ của khoa học lịch sử, đã có biết bao nhiêu vấn đề đặt ra trong nhận thức và thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc. Trước hết là quá trình tạo thành cùng các đặc điểm, giá trị của di sản văn hóa trong bổi cảnh cụ thể của từng di sản, những đặc trưng của hệ thống và cấu trúc của di sản văn hóa Việt Nam. Nhận thức lịch sử đó là cơ sở khoa học quan trọng để phân loại, xếp hạng di sản, nhất là để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Cơ sở khoa học đó cũng liên quan mật thiết đến những vấn đề thời sự đang đặt ra hiện nay như mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy, giữ bảo tồn và phát triển, giữa bảo vệ di sản và phát triển kinh tế du lịch, giữa đầu tư của nhà nước và đóng góp của nhân dân cùng các tổ chức phi chính phủ, các doang nghiệp trong hướng xã hội hóa công việc bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật...
Chúng ta rất vui mừng trong thời gian qua, nhất là sau khi ban hành "Luật di sản văn hóa", công việc bảo tồn và phát huy di sản đã đạt nhiều tiến bộ và thành tựu. Từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã có 7 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới, trong đó có 2 di sản thiên nhiên là Vịnh Hạ Long (1994), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2003) và 5 di sản văn hóa, kể cả di sản vật thể và phi vật thể, là Cố đô Huế (1993), Phố cổ Hội An (1999), khu di tích Mỹ Sơn (1999), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Cồng chiêng Tây Nguyên (2005).
Về di sản văn hóa phi vật thể, một thành tựu đáng kể là công việc thu thập, nghiên cứu, phục hồi và phát triển thành công một số bộ phận tạo thành của văn hóa dân gian như Múa rối nước, Hát ca trù, một số lễ hội dân gian, gần đây nhất là việc nghiên cứu, thun thập và công bố kho tàng sử thi Tây Nguyên gồm 70 tập mà 45 tập đã xuất bản. Công việc đăng ký, xếp hạng cũng như bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản tại một số di tích và địa phương triển khai khá tốt, đưa lại nhiều tác đụng và kết quả trong nâng cao dân trí, giáo dục truyền thống cũng như lợi ích kinh tế cho cộng đồng cư dân và chính quyền.
Tuy nhiên bên cạnh mặt tiến bộ và tích cực đó, còn ngỗn ngang bao nhiêu vấn đề như không ít di tích vẫn bị lấn chiếm, phá hủy, nhiều di tích quan trọng bị xuống cấp, công việc trùng tu, tôn tạo một số di tích không đúng yêu cầu khoa học làm hủy hoại phần nguyên gốc của di sản, nhiều công trình xây dựng không chấp hành nghiêm túc luật Di sản văn hóa, trong khi đào móng đã phá hủy những di tích quý giá trong lòng đất...Không ít điểm nóng đã gây lo âu cho xã hội và trở thành những vấn đề thời sự của báo chí.
Trong hội thảo, sau Báo cáo đề dẫn của PGS.TS. Phạm Mai Hùng, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, chúng ta sẽ nghe một số phát biểu và tham luận theo lời mời của Ban tổ chức. Chúng ta sẽ giành nhiều thời gian cho thảo luận và trao đổi, tranh luận. Mục tiêu và yêu cầu của hội thảo là không đi sâu vào bất cứ một di sản riêng biệt nào mà qua các ví dụ cụ thể để đi đến những nhận định khái quát về tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, thực trạng hiện nay, mặt tiến bộ và thành công cũng như mặt yếu kém và khiếm khuyết để từ đó nêu lên một số khuyến nghị cho các cơ quan chức năng trong trách nhiệm của giới sử học và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
Thay mặt Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cùng tham gia đồng tổ chức hội thảo này, cảm ơn Trường Đại học Hồng Bàng đã tài trợ cho hội thảo, cảm ơn các đại diện các bộ, ngành, cơ quan và các nhà khoa học đã nhận lời mời tham dự hội thảo.
Thay mặt hai đơn vị đồng tổ chức và chủ trì là Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tôi xin tuyên bố khai mạc Diễn đàn "Sử học Việt Nam trước nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc".
|