Hội Sử học Thành phố Hồ Chí Minh:
Chủ tịch: PGS. TS. Võ Văn Sen Phó Chủ tịch: TS. Hồ Hữu Nhựt, TS. Đặng Văn Thắng
Tổng thư ký: TS. Nguyễn Thị Hậu
Liên hệ:
TS. Nguyễn Thị Hậu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh
Số 149 Pasteur, Quận 3, TPHCM
Tel: 08.8296558
Fax: 08. 8208429
Nhà riêng: 671/1 Nguyễn Kiệm, P.9, Quận Phú Nhuận, TPHCM
Tel: 08.9971249 - Di động: 0983041249
E-mail: nguyenhau_vxh@yahoo.com.vn
Vài nét về Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh (Bài viết của ông Thái Nhân Hòa, nguyên Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (HKHLSVN))
Cuộc vận động thành lập Hội Khoa học Lịch sử (HKHLS) Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) được khởi động từ tháng 11.1986, Ban vận động quan tâm tổ chức thực hiện việc tuyên truyền phát triển hội viên và tổ chức sinh hoạt các chủ đề lịch sử. Chưa quá 6 tháng đã có 5 cơ quan tái thành lập Chi hội với 45 hội viên, tiền đề thuận lợi cho Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sớm ra quyết định công nhận Hội vào giữa năm 1987.
Ban chấp hành Hội đầu tiên gồm 7 người : GS Trần Văn Giàu, Trưởng Ban chỉ đạo, làm Chủ tịch, Lưu Phương Thanh (Phó Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Thành uỷ TPHCM), Phó Chủ tịch; Phan Gia Bền (Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật TPHCM), Phó Ban thường trực làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký; Thái Nhân Hòa (Giám đốc Bảo tàng Cách mạng TPHCM), Phó Tổng thư ký; Nguyễn Đình Đầu (Nhà nghiên cứu Địa bạ Nam Kỳ lục tỉnh); PGS Lê Văn Sáu (Chủ nhiệm Khoa sử Trường Đại học Sư phạm TPHCM); PGS Hồ Sỹ Khoách (Chủ nhiệm Khoa sử Trường Đại học Tổng hợp TPHCM, Ủy viên).
Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chấp hành mở rộng, GS Trần Văn Giàu đã chỉ rõ:
“Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, mang tính quần chúng và tính tự nguyện, Hội ta hoạt động trên lĩnh vực khoa học xã hội, nền tảng của khoa học xã hội – nhân văn; Hội hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước ta và tuân thủ tôn chỉ - mục đích của HKHLSVN (Hội đã thành lập ngày 31/3/1966, do nhà sử học Trần Huy Liệu làm Chủ tịch. Hiện nay hoạt động của Trung ương Hội còn gián đoạn).
Nhiệm vụ của Hội là không ngừng quan tâm phát triển hội viên, đối tượng vận động là cán bộ nghiên cứu và giảng dạy lịch sử tại các Trường Đại học và các Cơ quan nghiên cứu Khoa học lịch sử tại TPHCM.
Về sinh hoạt Hội, giữ vững sinh hoạt, sinh hoạt có nề nếp và có nội dung thiết thực, nhằm xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, động viên toàn thể hội viên làm tốt công tác truyền bá kiến thức lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng trong nhân dân; đi đôi với nghiên cứu đề tài lịch sử, biên soạn công trình Khoa học - sản phẩm tư duy trí tuệ của giới sử học, góp phần phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước và xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. ”
Phát triển hội viên, sinh hoạt khoa học
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của GS Trần Văn Giàu, các mặt hoạt động của Hội được đẩy mạnh, nhất là công tác phát triển Hội chuyển biến nhanh. Mới đầu quý III năm 1987, số lượng hội viên đã tăng lên 9 Chi hội với 120 hội viên, bao gồm các Chi hội: Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Bảo tàng Cách mạng TPHCM, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Đại học Sư phạm, Đại học Tổng hợp + Bảo tàng Lịch sử, Cao đẳng Sư phạm, Viện Khoa học Xã hội TPHCM, Phòng Khoa học Lịch sử quân sự - Quân khu 7.
Từ đó, các cuộc sinh hoạt Khoa học được mở ra trên quy mô lớn, Hội đã phối hợp với Ban Tổ chức Thành uỷ và Ban Khoa - Giáo Thành uỷ tổ chức: Hội thảo Khoa học về “Chiến dịch Xuân Mậu Thân – 1968”, nhân Kỷ niệm 20 năm: (1968 – 1988), Hội thảo Khoa học về “Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, vị khai sáng vùng đất mới Phương Nam cuối thể kỷ thứ XVII” tại An Giang, trên cơ sở phối hợp của Hội sử học TPHCM để tiến tới “Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh (1698 – 1998)”.
Vai trò của Hội ngày càng được đề cao, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM mời tham gia tư vấn, phản biện về việc xây dựng “Công trình Văn hóa - Lịch sử - Du lịch”, góp ý về “Biểu trưng thành phố”, kể cả đặt “Tên đường phố”...
Ngoài ra, Hội đã tổ chức trao “Giải thưởng Khuyến học” cho hàng chục sinh viên nghèo học giỏi môn Sử tại Trường Đại học Tổng hợp, Đại học Sư Phạm, Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Chi hội Trịnh Hoài Đức (TS Phan Đình Nham, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tại TPHCM, Chi hội Trưởng), mở đầu cho việc trao Giải thưởng khuyến học tại Chi hội, đáng biểu dương.
Giữa những ngày vui rộn rã với những hoạt động Khoa học của Hội, một tin vui từ Hà Nội, anh Phan Gia Bền cho biết: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ khởi động lại, hoạt động trở lại sau một thời gian gián đoạn trong chiến tranh... GS Phan Huy Lê và GS Hà Văn Tấn đã quyết định sẽ họp vấn đề này tại Hà Nội vào những ngày sắp tới.
Khi được tin, GS Trần Văn Giàu tỏ rõ sự tán thành của mình và gợi ý: Chú Bền và Hai Ngọc sắp xếp đi dự, mời anh Đầu cùng đi càng hay.
Tôi còn nhớ, vào giữa năm 1988, tại phòng họp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, GS Phan Huy Lê chủ trì cuộc họp đã nói lên ý nghĩa của sự kiện này và trình bày nội dung chương trình của Hội, đồng thời đề cử một Ban chấp hành lâm thời gồm có 7 người để tập thể phân công, giao nhiệm vụ: GS Phan Huy Lê - Chủ tịch; GS Hà Văn Tấn - Phó Chủ tịch; Phan Gia Bền - Phó Chủ tịch; Dương Trung Quốc - Tổng thư ký; Vũ Minh Giang - Phó Tổng thư ký; Thái Nhân Hòa - Phó Tổng thư ký; Nguyễn Đình Đầu - Ủy viên Thường vụ; Trịnh Dương - Uỷ viên phụ trách Tổ chức; Ngô Kha (Huế) và Ngô Đăng Lợi (Hải Phòng) - Ủy viên BCH Hội), nhằm đảm đương trọng trách của Hội trước sự nghiệp sử học nước nhà trong buổi đầu khôi phục hoạt động của Trung ương Hội. Có thể nói, từ đây “Ngôi nhà chung của giới sử học cả nước” được “trùng tu tôn tạo” đúng vào thời điểm sau 2 năm đổi mới.
Giờ đây, HKHLS TPHCM càng vinh dự và tự hào chính đáng là đơn vị đầu tiên trực thuộc Hội KHLSVN (kể từ sau ngày khôi phục hoạt động Hội – 1988) thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật TPHCM và là trung tâm khoa học của giới sử học TPHCM, có mối liên hệ mật thiết với các tỉnh phía Nam và các Hội bạn trên địa phương miền Bắc, làm tốt nhiệm vụ vẻ vang của mình trước Đảng bộ và nhân dân TPHCM.
Thấm thoát đã qua 3 kỳ Đại hội, gần 20 năm hoạt động (1986-2006), HKHLS TPHCM ngày càng trưởng thành: Từ 9 Chi hội đã lên đến 19 Chi hội và nay có 25 Chi hội trên 500 hội viên, đã nói lên sự lớn mạnh về tổ chức và xây dựng Hội.
Sinh hoạt Khoa học của Hội ngày càng đi vào chiều sâu, gắn bó với quận, huyện và ban ngành, đoàn thể thành phố, đánh dấu sự tiến bộ đó là cuộc Thi trắc nghiệm “Thành phố Sài Gòn 300 năm (1698 – 1998)”.
Hội đã tập hợp trên 30.000 học sinh , sinh viên và cán bộ tham gia với giải thưởng trên 30.000.000 đồng, gây tiếng vang lớn trong cả nước.
Cuộc Thi trắc nghiệm đã đi vào chiều sâu nhận thức của tuổi trẻ thành phố và các tỉnh thành xa gần trên vùng sông nước Cửu Long, hiểu biết về cội nguồn vùng đất mới Phương Nam, động viên tuổi trẻ làm tốt nghĩa vụ của mình, xứng đáng với tiền nhân, với danh nhân đất nước đã có công khai sáng và trù phú như ngày nay.
Nổi bật là các cuộc Hội thảo Khoa học như: “Nam Kỳ Khởi Nghĩa (23.11.1940)”, “Nam Bộ Kháng Chiến (23.9.1945)”, “Cách mạng tháng Tám và giành chính quyền ở Nam Bộ (25.8.1945)”, “Xuân Mậu Thân – 1968”, “Chiến dịch Hồ Chí Minh Lịch sử, Đại thắng mùa Xuân 1975”, do HKHLS TPHCM phối hợp với các ban ngành chức năng liên quan ở thành phố và một số tỉnh thành phía Nam tổ chức, góp phần đánh giá đúng tầm vóc lớn lao và ý nghĩa Lịch sử trọng đại về các sự kiện tiêu biểu cho truyền thống kiên trung, bất khuất của “Miền Nam thành đồng Tổ quốc”, của dân tộc VN anh hùng.
Hội còn tổ chức Lễ tưởng niệm ngày mất của những nhà yêu nước như: Phan Châu Trinh, Phan Đăng Lưu, Trần Huy Liệu, Hoàng Minh Giám, Phan Thanh, Hoàng Hữu Nam v.v..., nhằm ghi nhớ và noi gương cao đẹp của những người con yêu nước thương dân rất mực của quê hương đất nước trong sự nghiệp cứu nước vẻ vang của dân tộc.
Từng bước đi lên, từ không đến có
Nhìn lại quá trình hoạt động của Hội, nhận thấy có sự tiến bộ đáng kể, từ “3 không” đến “3 có”: Hội đã có trụ sở giao dịch, văn phòng làm việc, có nhân viên thư ký và có cả kinh phí hoạt động khoa học như tọa đàm hội thảo, tổ chức cuộc thi trắc nghiệm, quỹ giải thưởng khuyến học v.v...
Đáng chú ý là, sinh hoạt khoa học có những nét đổi mới về tư duy phương pháp và hình thức: “Ngày Hội Sử học” được tổ chức trang trọng, quy tụ đông đảo hội viên tham gia, giao lưu văn hóa, diễn đàn sử học, tặng quà sách.
Bên cạnh những công trình tập thể, còn có không ít đề tài khoa học, biên khảo – chuyên luận, dày công nghiên cứu như “Địa bạ Nam kỳ lục tỉnh” của Nguyễn Đình Đầu, được Giải thưởng sử học Trần Văn Giàu, rất đáng trân trọng.
Một luận án tiến sĩ xuất sắc với đề tài “Việt Nam trong chính sách của Mỹ (1940-1956)” của TS Phan Văn Hoàng được giải thưởng Phạm Thận Duật, Hội KHLSVN trao tặng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám – Hà Nội, tháng 12.2004.
Bao trùm lên tất cả, Hội Sử học còn có cả nghĩa tình trong sáng, thủy chung sau trước, đoàn kết một lòng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và xây dựng Hội vững mạnh về mọi mặt, như những nhà sử học cao niên hằng quan tâm bồi đắp, coi trọng. Đó là nhân tố cơ bản có tính quyết định đưa hoạt động sử học đi lên, đạt đỉnh cao trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Chào mừng 40 năm ngày thành lập Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (31.3.1966 – 31.3.2006), Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh tin tưởng ở sự nghiệp chung của giới sử học cả nước, nguyện sẽ giữ vững vị trí nòng cốt trong việc đưa công tác nghiên cứu và phổ biến tri thức lịch sử lên ngang tầm với vận hội mới của đất nước.
Hải Ngọc Thái Nhân Hòa
|