Giới thiệu website
 


Tạp chí Xưa & Nay
Tòa soạn: 25 Tông Đản - Hà Nội
Tel/Fax: 04.8256588
Email: tapchixuavanay@yahoo.com
VP đại diện phía Nam: 181 Đề Thám, Q. I, TP. Hồ Chí Minh
Tel: 08.8385117-Fax: 08.8385126
Email: xuanay@hcm.fpt.vn
Chủ nhiệm: Phạm Mai Hùng
TBT: Dương Trung Quốc
P.TBT: Đào Hùng, Nguyễn Hạnh
Giá: 6.000Đ



Tìm kiếm

  Tìm kiếm trên website
  Tìm kiếm trên google


 


  Liên kết website


  Thông tin website
² Thứ Bảy, 29/3/2008
² Số truy cập:29668
  ² Đang online: 24
 

Quảng cáo


 Lịch sử các đại hội
 
Đại hội thành lập Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (1966 - 1988)

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (gọi tắt là Hội Sử học Việt Nam) là một trong những Hội Khoa học ra đời sớm nhất của nước ta. Ngay sau khi thành lập, Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là một trong những tổ chức thành viên đầu tiên của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Trong hai ngày 25 và 26/2/1966, tại Hà Nội, 300 đại biểu những người làm công tác khoa học lịch sử và những người yêu thích lịch sử đã họp đại hội thành lập Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Các đại biểu đã sôi nổi thảo luận về tình hình của ngành khoa học lịch sử, những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của ngành trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đại hội nhất trí nhận định: Trong những năm qua, ngành khoa học lịch sử ở miền Bắc đã được xây dựng và phát triển mau chóng. Đại hội cho rằng ngành khoa học lịch sử phải vươn lên mạnh mẽ để xây dựng nền khoa học lịch sử Việt Nam tiên tiến làm cho khoa học lịch sử trở thành một vũ khí sắc bén trong việc giáo dục, cổ vũ nhân dân phát huy mạnh mẽ truyền thống của dân tộc, của cách mạng, của Đảng trên mọi lĩnh vực, góp phần tích cực đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Các đại biểu đã thảo luận dự thảo điều lệ của hội và nhất trí nhận định rằng: Hội Khoa học lịch sử Việt Nam là một tổ chức quần chúng của những người làm công tác trong các ngành khoa học lịch sử và những người yêu thích học tập, tìm hiểu, hoạt động khoa học lịch sử. Mục đích của Hội là tập hợp lực lượng, đoàn kết giúp đỡ nhau nâng cao trình độ chính trị, lý luận, khoa học và nghiệp vụ; đẩy mạnh các hoạt động sử học nghiệp dư; phổ biến khoa học lịch sử trong nhân dân; góp phần xây dựng và phát triển các ngành khoa học lịch sử ở Việt Nam, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, ủng hộ phong trào cách mạng trên thế giới góp phần phát triển tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân ta và nhân dân các nước. 

Đại hội đã thông qua bức thư gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, tỏ lòng biết ơn sâu sắc và lòng tin tuyệt đối ở Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch. Đại hội cũng đã gửi thư cho các bạn hoạt động sử học ở miền và ra lời kêu gọi những người làm công tác khoa học lịch sử và những người yêu thích lịch sử trong nước và ngoài nước. 

Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương của Hội gồm 31 người do nhà sử học Trần Huy Liệu làm Hội trưởng, GS. Nguyễn Văn Huyên làm Phó hội trưởng, GS. Phạm Huy Thông làm Phó hội trưởng kiêm Tổng thư ký; nhà sử học Phan Gia Bền làm Phó tổng thư ký và năm ủy viên Thường vụ gồm các vị: Nguyễn Hồng Cầm, Phan Hữu Dật, Đào Duy Kỳ, Lê Văn Sáu, Trần Minh Tước. Các đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội; GS. Tạ Quang Bửu, Chủ tịch Ủy ban liên lạc lâm thời các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, đã đến thăm và chào mừng đại hội.

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (1988 - 1994)

Tháng 9/1988, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Hội Sử học Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành mới, sửa đổi điều lệ và quyết định khôi phục lại tổ chức và hoạt động của Hội trên qui mô cả nước. Ban chấp hành mới gồm 29 ủy viên do GS. Phan Huy Lê là Chủ tịch, GS. Hà Văn Tấn, PGS. Trung tướng Hoàng Phương và Nhà sử học Phan Gia Bền là Phó chủ tịch, ông Dương Trung Quốc làm Tổng thư ký.

Hội nghị toàn thể Ban chấp hành đã nhất trí mời các nhà sử học lão thành: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS.VS Nguyễn Khánh Toàn, GS Trần Văn Giàu làm Chủ tịch danh dự của Hội. Hội trở lại hoạt động trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, không có trụ sở, không có cán bộ chuyên trách. Nhưng với sự cố gắng của Ban chấp hành Trung ương, sự ủng hộ của giới sử học, sự giúp đỡ của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, của Viện Khoa học xã hội Việt Nam và của các ngành. Hội Sử học Việt Nam đã nhanh chóng khôi phục về tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động.

Về tổ chức: Hội chú ý đến công tác tổ chức lại các Hội thành viên và các Chi hội cơ sở. Đã có 6 hội thành viên và 16 chi hội trực thuộc Trung ương Hội. Tổ chức của Hội đã có mặt trên các lĩnh vực của khoa học Lịch sử và trên các địa bàn trong khắp cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Giữa tháng 12/1993, Hội Giáo dục lịch sử được thành lập.Về hoạt động: Hoạt động thường kỳ của Hội Sử học VN là Câu lạc bộ Sử học được tổ chức hàng tháng tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam .

Câu lạc bộ sử học đã thu hút được sự tham gia của giới sử học và những người quan tâm đến sử học. Hội đã phối hợp với một số cơ quan khoa học, một số tỉnh và thành phố tổ chức nhiều hội thảo khoa học mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế như Hội thảo về Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng ở Đà Nẵng (2/1992), Hội thảo về Hồ Quí Ly và triều Hồ (12/1991), về Đào Duy Từ (11/1992) ở thị xã Thanh Hóa, Hội thảo quốc tế về phố cổ Hội An (3/1990), về Phố Hiến (12/1992).

Đặc biệt năm 1990, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đã tổ chức hội thảo về chủ đề Sử học trước yêu cầu cần đổi mới của đất nước. Năm 1992, Hội Sử học VN thành lập Tiểu ban bảo vệ di sản văn hóa dân tộc để cùng các cơ quan chức năng chăm lo bảo vệ di sản văn hóa dân tộc, bảo vệ các di tích lịch sử-văn hóa, các danh thắng của đất nước.

Trung tâm Truyền bá kiến thức Lịch sử-Văn hóa của Hội được thành lập đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử văn hóa của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt trong thanh niên và học sinh đã tiến hành những hoạt động thử nghiệm về Câu lạc bộ, xuất bản, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa.

Năm 1994, trong hoàn cảnh không có kinh phí, Hội vẫn quyết định huy động vốn ban đầu để xuất bản Tạp chí Xưa & Nay, cơ quan ngôn luận của Hội và là cầu nối liên lạc giữa Trung ương Hội với các Hội địa phương và quần chúng ham thích lịch sử. Số đầu tiên của Tạp chí Xưa & Nay đã ra mắt độc giả vào ngày 8/3/1994.

Hoạt động đối ngoại: Hội KHLSVN đã chính thức gia nhập Ủy ban Quốc tế các khoa học lịch sử (Comité International des Sciences Historiques, viết tắt CISH). Hội KHLSVN đã đặt quan hệ hợp tác và trao đổi với Hội Sử học ở một số nước như Hội các giáo sư Sử - Địa của Pháp, Hội Sử học Cộng hòa Liên bang Nga, Hội Sử học CHLB Đức, Hội Sử học Nhật Bản và Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam…

Hội còn có quan hệ chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ ở Pháp như Pays d’Ouverture (đất nước cởi mở), Viêtnam Mémoire (Ký ức Việt Nam), nhờ vậy mà việc trao đổi tư liệu được đẩy mạnh.   




Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (1994 - 2000)

Ngày 25 và 26 tháng 4 năm 1994, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội KHLSVN lần thứ III đã được tổ chức tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam ở Hà Nội. Gần 150 đại biểu thay mặt cho gần 1.500 hội viên thuộc 17 chi hội, Hội và 5 tỉnh, thành phố về dự Đại hội.

Đại hội vui mừng đón chào các vị khách quí đến dự: Tổng bí thư Đỗ Mười, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chủ tịch danh dự của Hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, lãnh đạo các ban, ngành đoàn thể ở Trung ương và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. 

GS. Chủ tịch Phan Huy Lê trình bày trước đại hội bản báo cáo tổng kết 5 năm hoạt động của Hội KHLSVN. Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có bài phát biểu quan trọng với đại hội, khẳng định vị trí của giới sử học trong đời sống văn hóa tư tưởng cũng như trong công cuộc bảo vệ và đổi mới đất nước hiện nay. Tổng Bí thư đã kêu gọi giới sử học hãy tự đổi mới, phấn đấu để có một tâm hồn trong sáng, ngòi bút ngay thẳng và con mắt tinh tường để đưa giới sử học đi sâu vào đời sống nhân dân.

Đại hội đã thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 5 năm, báo cáo sửa đổi điều lệ và bầu Ban chấp hành mới gồm 31 người. Trong phiên họp đầu tiên của Ban chấp hành (khóa III) đã bầu ra Ban thường vụ, bầu GS. Phan Huy Lê tiếp tục làm chủ tịch Hội và các Phó chủ tịch Hội là các ông: Phan Gia Bền, Phạm Mai Hùng, Hà Văn Tấn; Tổng thư ký là ông Dương Trung Quốc, Ban chấp hành tiếp tục tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và GS. Trần Văn Giàu làm Chủ tịch danh dự của Hội KHLSVN.

Để thực hiện mục tiêu của Đại hội đề ra trong nhiệm kỳ là:
“Hội KHLSVN thực sự trở thành tổ chức của giới sử học Việt Nam trên cả nước”,
những hoạt động của Hội trong 5 năm (1994-1999) đã tập trung vào các mặt sau:

1. Trong 5 năm, những thành viên của Hội ở Trung ương và các địa phương không ngừng được mở rộng và củng cố về tổ chức:


- Những chi hội trực thuộc Trung ương Hội của các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy lịch sử gồm có: Viện Sử học, Viện Khảo cổ, Viện Lịch sử Quân sự, Viện Lịch sử Đảng, các viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Quân đội, khoa Lịch sử và Lịch sử Đảng các trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học KHXH&NV), trường Đại học Sư phạm; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trường sĩ quan Chính trị Quân đội Nhân dân, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Ban Sử Trung ương Đoàn TNCSHCM, Hội Sử học Công an Nhân dân; Hội chuyên ngành có Hội Giáo dục lịch sử, Trung tâm truyền bá kiến thức lịch sử văn hóa, Trung tâm bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống…

- Các Hội Sử học cấp tỉnh, thành phố gồm: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Thanh Hóa… Nhiều địa phương đã có Ban chấp hành lâm thời và đang xúc tiến Đại hội thành lập hội. Tổng số hội viên chính thức là trên 2.000 người (chưa kể số hội viên tán trợ).

2. Hoạt động nghiên cứu khoa học:


- Hội đã phối hợp với một số cơ quan Trung ương tổ chức những cuộc hội thảo có tầm cỡ quốc gia như về Cách mạng tháng Tám 1945, về bảo vệ di sản văn hóa dân tộc trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

- Hội cùng với các tỉnh, thành phố tổ chức Hội thảo về Ngô Quyền, cải cách của Hồ Quý Ly, vương triều Mạc, Đào Duy Từ…

- Hội Sử học ở các tỉnh, thành phố như Thừa Thiên - Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tĩnh, Đồng Nai… đã tham gia tích cực vào nòng cốt trong các công trình nghiên cứu kỷ niệm 300 năm Phú Xuân - Huế, 300 năm Gia Định - Sài Gòn, 300 năm Đồng Nai, tham gia nghiên cứu xuất bản nhiều ấn phẩm có giá trị như: địa chí, lịch sử đảng bộ, lịch sử địa phương, bộ từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng…

- Từ năm 1990, Hội đã nêu rõ nhiệm vụ của “Sử học Việt Nam trước yêu cầu đổi mới của đất nước” bên cạnh sự khẳng định những thành tựu to lớn của nền sử học hiện đại Việt Nam ra đời sau Cách mạng tháng Tám 1945, đã nêu lên những mặt yếu kém cần khắc phục để giới sử học cả nước phục vụ có hiệu quả hơn trong công cuộc đổi mới của đất nước. Cho đến nay, giới sử học cả nước không ngừng phát triển và trưởng thành, đã và đang đóng góp tích cự trong quá trình đổi mới của đất nước.

3. Truyền bá tri thức lịch sử về giáo dục truyền thống:


Đây là một chức năng trọng yếu của giới sử học và của Hội KHLSVN và cũng là một hoạt động mũi nhọn của Hội được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú để vừa nâng cao dân trí, vừa phát huy nội lực của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

- Trước hết là các hoạt động tưởng niệm danh nhân, các sự kiện lịch sử, Trung ương Hội đã tổ chức được hơn 30 cuộc sinh hoạt tưởng niệm các danh nhân và các sự kiện của nhiều thời kỳ lịch sử, các cuộc tưởng niệm đều được tổ chức chu đáo, khoa học và có tính xã hội cao.

- Sinh hoạt câu lạc bộ theo định kỳ hàng tháng là một hình thức phổ cập và giáo dục lịch sử được xã hội hưởng ứng. Đáng tiếc là không có địa điểm ổn định nên những năm gần đây sinh hoạt này bị gián đoạn.

- Để phổ cập tri thức lịch sử cho thế hệ trẻ, Hội tham gia vào một số sinh hoạt truyền thông cộng đồng như chương trình SV’96, Bảy sắc cầu vồng, Giờ thứ 9, Giữ gìn cho muôn đời sau… của Đài Truyền hình Việt Nam.

Hội Sử học Hà Nội còn tổ chức giao lưu giữa các nhà sử học với sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn về 990 năm Thăng Long…

- Tổ chức các cuộc triển lãm như: Nghệ thuật tạo hình kỷ niệm 40 năm giải phóng Thủ đô (10/1994), ảnh sử liệu Nguyễn Duy Kiên…

4. Công tác tư vấn, giám định và phản biện:


Chức năng tư vấn, giám định và phản biện của Hội KHLSVN gắn liền với các dự án liên quan đến sử học, đến các di tích lịch sử văn hóa và các di sản văn hóa nói chung.

- Hội được mời tham gia giám định và phản biện những dự án lớn của Chính phủ như Dự án bảo vệ và tôn tạo Cố đô Huế, Khu di tích Thành Cổ Loa, Khu di tích Lam Sơn, Khu phố cổ Hội An, Khu phố cổ và cảnh quan Hà Nội… dự án xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, dự án xây dựng nhà máy xi măng Tràng Kênh, dự án bảo vệ và tôn tạo khu di tích văn hóa Yên Tử (Quảng Ninh)…

-  Hội còn tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ các di sản văn hóa, tham gia tổ chức hội thảo về chủ đề Bảo vệ di sản văn hóa dân tộc trong bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước (tháng 6/1998).

5. Tạp chí và xuất bản


- Tạp chí Xưa & Nay là cơ quan ngôn luận của Hội KHLSVN chính thức ra đời ngày 8/3/1994, cho đến đầu năm 2000 đã ra hơn 100 số báo (từ 1994-1997: nguyệt san, từ 1997 đến nay: bán nguyệt san), với số lượng phát hành hàng tháng gần 10.000 bản được phát hành trên cả nước. Tạp chí Xưa & Nay đã chiếm được một vị thế trong giới báo chí và sử học, trở thành  diễn đàn nghề nghiệp và xã hội, hoạt động đúng tôn chỉ và mục đích của Hội và Luật báo chí của Nhà nước.

- Tạp chí có sáng kiến phát động phong trào
“Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân”
. Phong trào này ngày càng được sự hưởng ứng và ủng hộ tích cực của Hội, của giới sử học và quần chúng nhân dân, của nghệ sĩ tạo hình Tạ Duy Đoán và cơ sở đúc đồng Ngũ Xã (Hà Nội), góp phần vào sự tôn vinh những người có công với đất nước và công tác giáo dục truyền thống.

Hàng trăm bức tượng của các danh nhân, các nhà cách mạng lão thành, các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã được Hội trao tặng cho các Nhà Bảo tàng, Nhà lưu niệm, các địa phương và trường học ở Trung ương và các tỉnh, thành phố.

- Công tác xuất bản: Hội đã xuất bản trên 30 đầu sách. Hàng chục đầu sách của Hội Giáo dục lịch sử, Viện Lịch sử quân sự, Công an nhân dân cũng được xuất bản. 
 

  

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (2000 - 2005)

Ngày 24/1/2000, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội khoa học lịch sử Việt lần thứ IV đã được tiến hành tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam - Hà Nội. Đến dự Đại hội có ông Nguyễn Đức Bình, Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Vũ Tuyên Hoàng, lãnh đạo các Ban, Ngành đoàn thể ở Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thành phố Hà Nội. 178 đại biểu thay mặt cho gần 25 hội và chi hội thành viên trong cả nước về dự Đại hội.

Đại hội đã thông qua báo cáo tổng kết nhiệm vụ khóa III do GS. Chủ tịch Phan Huy Lê trình bày, thảo luận điều lệ sửa đổi và bầu Ban chấp hành mới gồm 35 người. Hội nghị toàn thể Ban chấp hành (khóa IV) đã nhất trí bầu GS. Phan Huy Lê tiếp tục làm Chủ tịch Hội, ông Dương Trung Quốc làm Tổng thư ký và các Ủy viên Ban Thường vụ. Hội nghị quyết định tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và GS. Trần Văn Giàu làm Chủ tịch Danh dự của Hội KHLSVN. Đại hội đã đề ra phương hướng hoạt động của Hội từ năm 2000-2005 như sau:

1.
Tiếp tục phát triển tổ chức của Hội ở những địa bàn quan trọng để Hội KHLSVN ngày càng trở thành một tổ chức tập hợp, đoàn kết rộng rãi giới sử học trong cả nước, bảo đảm tính chất của hội là một thành viên của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - một tổ chức chính trị - xã hội- của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam.

2.
Góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam, chăm lo đến lợi ích nghề nghiêp của hội viên là nghiên cứu và giảng dạy lịch sử nhằm đánh giá một cách toàn diện và khách quan thực trạng của nền sử học Việt Nam sau 15 năm đổi mới, tìm ra những giải pháp và có những kiến nghị thúc đẩy sự phát triển của nền sử học hiện đại Việt Nam khi bước vào thế kỷ XXI, trong đó có kiến nghị biên soạn một số công trình cơ bản và cấp thiết như bộ Lịch sử Việt Nam, bộ Lịch sử Văn hóa Việt Nam, bộ Lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945.

Nhiệm kỳ IV mở đầu năm 2000 là năm có nhiều ngày kỷ niệm lịch sử hiện đại như 70 năm ngày thành lập ĐCSVN, 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 55 năm Cách mạng tháng Tám 1945, 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Hoạt động năm 2000 của Hội đã tích cực phục vụ những ngày kỷ niệm đó.

3.
Tiếp tục các hoạt động truyền bá, phổ cập tri thức lịch sử và giáo dục truyền thống trong nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ. Ngoài các hình thức câu lạc bộ, sinh hoạt tưởng niệm, cần phối hợp với các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước tìm thêm những hình thức hoạt động mới mẻ và hấp dẫn, khuyến khích việc học tập và nghiên cứu lịch sử đã đề ra cần sớm đi vào tổ chức và vận động để có thể phát huy tác dụng của nó trong học sinh, sinh viên và trong giới sử học, cố gắng tổ chức trao giải thưởng cho những công trình sử học xuất sắc.

4.
Thực hiện tốt những chức năng tư vấn, giám định và phản biện của một Hội khoa học trên các lĩnh vực sử học, bảo tồn bảo tàng và bảo vệ tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa và di sản văn hóa dân tộc nói chung. Phối hợp với các hội bạn và và các phương tiện thông tin đại chúng kiên quyết đấu tranh chống lại mọi hành động vi phạm, phá hoại các di sản lịch sử-văn hóa.

5.
Củng cố và không ngừng nâng cao chất lượng của Tạp chí Xưa & Nay cũng như công tác xuất bản. Ngoài Tạp chí Xưa & Nay của Trung ương Hội và Tạp chí Huế Xưa & Nay của Hội Sử học tỉnh Thừa Thiên- Huế, cố gắng ra thêm một tạp chí cho Hội Sử học Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam…  

6. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế: Hội KHLSVN cố gắng tham gia nhiều hơn vào hoạt động của CISH, đồng thời thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác, trao đổi khoa học với các Hội Sử học nước ngoài, nhất là các nước gần gũi và láng giềng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN.  

  

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (2005 - 2010)

Ngày 16/6/2005, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội KHLSVN đã khai mạc tại hội trường Bảo tàng Cách mạng Việt Nam , Hà Nội.  Tham dự Đại hội có trên 200 đại biểu chính thức thay mặt cho trên 2.500 hội viên của 42 Hội và chi hội thành viên trong cả nước và 103 khách mời. 

Đồng chí Trần Đình Hoan, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng trước Đại hội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự Hội KHLSVN vì điều kiện sức khỏe không đến dự Đại hội được cũng có thư gửi Đại hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V đã thông qua báo cáo của Ban chấp hành TW khóa IV về Tổng kết hoạt động của Hội nhiệm kỳ qua, phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ V (2005-2010);  Điều lệ mới đã thông qua Nghị quyết Đại hội. Đại hội đã bầu Ban chấp hành mới gồm 49 ủy viên.

Ngày 17/6/2005, tại thành phố Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh, Ban chấp hành Trung ương Hội KHLSVN khóa V đã họp phiên toàn thể lần thứ nhất để bầu các vụ lãnh đạo của Hội: Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Tổng Thư ký, các Phó Tổng thư ký và các trưởng ban chuyên môn. Toàn thể Ban chấp hành đã nhất trí bầu GS. Phan Huy Lê là Chủ tịch Hội, các Phó chủ tịch là: GS. Đinh Xuân Lâm, PGS.TS Phạm Mai Hùng, PGS.TS Phan Xuân Biên.

Tổng thư ký là nhà sử học Dương Trung Quốc và các Phó tổng thư ký là: PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, TS. Nguyễn Thị Hậu, PGS.TS Đỗ Bang. Các trưởng ban chuyên môn: Trưởng Ban khoa học: PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc; Trưởng Ban Tổ chức và hội viên: Trịnh Dương; Trưởng Ban kiểm tra: Đỗ Văn Thuyết; Trưởng Ban hợp tác - Quốc tế: Đào Hùng; Chánh văn phòng Trung ương Hội: Hoàng Phương Trang. 

 

 

 

 



Trang: [1] [2
 
 
 





Copyright  © 2007 VAHS -  Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam 
Cơ quan chủ quản: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Người chịu trách nhiệm chính: Dương Trung Quốc
Giấy phép số 327/GP-BC của Cục Báo chí - Bộ Văn hóa Thông tin cấp ngày 30/7/2007
Địa chỉ: 25 Tông Đản - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội - Tel: 04. 9350736; Fax: 04. 8256588;
Email:  thanhxuanay@yahoo.com.vn ;  Website: http://hoisuhoc.vn