Hội khoa học lịch sử Việt Nam (Hội KHLSVN) ra đời với Đại hội thành lập ngày 26-2-1966 và Quyết định công nhận số 88-NV của Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Ung Văn Khiêm ký ngày 31-3-1966. Đây là một trong những hội khoa học được thành lập vào loại sớm nhất ở nước ta. Người sáng lập Hội là GSVS Trần Huy Liệu, cố Viện trưởng Viện sử học Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành trung ương do GSVS Trần Huy Liệu làm Chủ tịch, giới sử học Miền Bắc đã tập hợp lại trong một tổ chức xã hội nghề nghệp và phát huy vai trò tích cực của Hội trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Sau khi cố Chủ tịch Trần Huy Liệu từ trần năm 1969, GSVS Nguyễn Khánh Toàn và GSVS Phạm Huy Thông đã cố gắng duy trì tổ chức của Hội, đại diện cho giới sử học Việt Nam trong các họat động đối nội và đối ngoại.
Năm 1975 sau khi Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, một nhu cầu và nhiệm vụ mới đặt ra là cần tổ chức lại Hội KHLSVN trên qui mô cả nước. GSVS. Phạm Huy Thông với cương vị Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký đã ra sức chuẩn bị cho Đại hội lần thứ II. Rất thương tiếc giáo sư đã từ trần đột ngột, nhưng công việc chuẩn bị Đại hội vẫn được các đồng nghiệp xúc tiến khẩn trương.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9 năm 1988 là mốc mở đầu cho việc mở rộng tổ chức và hoạt động của Hội KHLSVN trên phạm vi cả nước. Từ đó đến nay, qua các Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (1994), lần thứ IV (2000) và lần thứ V (2005), Hội KHLSVN càng ngày càng phát triển theo hướng tập hợp rộng rãi những nhà khoa học công tác trên lĩnh vực của khoa học lịch sử và những ngành khoa học liên quan, nhằm đoàn kết giới sử học cả nước, thúc đẩy sự phát triển của khoa học lịch sử Việt Nam, phổ biến tri thức lịch sử góp phần giáo dục truyền thống dân tộc, bảo vệ di sản văn hóa, làm chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với những công trình và dự án liên quan đến sử học, thiết lập và mở rộng quan hệ giao lưu với giới sử học quốc tế.
Từ năm 1988, các Đại hội đã nhất trí tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GSVS. Nguyễn Khánh Toàn (1905-1993), GS. NGND Trần Văn Giàu làm Chủ tịch danh dự của Hội. Cho đến năm 2006, hệ thống tổ chức của Hội KHLSVN gồm 22 Hội cấp tỉnh/thành phố, 3 Hội chuyên ngành (Hội giáo dục lịch sử, Hội lịch sử Công an Nhân dân, Hội sưu tầm và nghiên cứu gốm và cổ vật Thăng Long), 20 chi hội trực thuộc Trung ương Hội, 3 trung tâm (Trung tâm truyền bá kiến thức lịch sử, Trung tâm bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống, Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu) và Tòa soạn Tạp chí Xưa & Nay, Văn phòng Trung ương Hội với số hội viên trên 2.500 người.
Hội đã có mặt trên các địa bàn quan trọng của đất nước và thực sự đã trở thành tổ chức xã hội nghề nghiệp đại diện cho giới sử học cả nước. Chức năng, nhiệm vụ hàng đầu của Hội KHLSVN là trên cơ sở liên kết và phối hợp với cơ quan nghiên cứu, đào tạo và hoạt động về sử học, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học lịch sử Việt Nam. Cùng với quá trình đổi mới và phát triển của đất nước, nền sử học Việt Nam đã trưởng thành và có nhiều cống hiến cho đất nước. Về cơ cấu chuyên môn và đội ngũ những người làm công tác sử học đã có nhiều tiến bộ đáng kể.
Hiện nay, nền sử học đã phát triển tương đối đồng bộ bao gồm nhiều chuyên ngành liên quan mật thiết với nhau từ lịch sử Việt Nam cổ-trung đại, lịch sử Việt Nam cận-hiện đại, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng, lịch sử quân sự, lịch sử công an nhân dân, khảo cổ học, bảo tàng học... cho đến lịch sử thế giới từ cổ đại đến hiện đại và lịch sử địa phương, lịch sử các ngành nghề...
Một hệ thống các viện, trung tâm thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam và các Bộ; các Khoa Lịch sử thuộc các trường đại học, cao đẳng; một hệ thống các viện bảo tàng, các cơ quan văn hóa, giáo dục từ trung ương đến các tỉnh, thành phố.. đều trên đường phát triển. Đội ngũ những người làm công tác sử học cũng tăng trưởng tương đối nhanh, trong đó một số được đào tạo ở nước ngoài, nhiều người đạt học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ, được phong chức danh Phó giáo sư, Giáo sư. Đặc biệt đáng quan tâm là trong đội ngũ đó, tuy có những hẩng hụt nhất định về thế hệ nhưng cũng đã xuất hiện một số cán bộ trẻ rất năng động và nhiều triển vọng.
Các chuyên ngành của khoa học lịch sử Việt Nam trên những lĩnh vực khác nhau đều có những cống hiến khoa học, những phát hiện có giá trị và những đóng góp cho đất nước, cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Khảo cổ học liên tục được mùa với nhiều phát hiện làm sáng rõ hơn bản đồ tiền sử và sơ sử, về các nền văn hóa, văn minh trên phạm vi cả nước. Các ngành lịch sử Việt Nam, lịch sử Đảng, lịch sử quân sự, lịch sử Công an nhân dân ngoài các công trình nghiên cứu chuyên đề hay tổng kết, còn coi trọng việc sưu tầm tư liệu và khai thác những nguồn tư liệu mới, làm phong phú hơn hiểu biết về lịch sử, văn hóa và đời sống của các cộng đồng cư dân và dân tộc.
Công việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử địa phương cấp tỉnh, thành phố cho đến cấp huyện, xã phát triển khá mạnh dưới nhiều loại hình như lịch sử, địa chí, từ điển bách khoa, bách khoa thư...Nhiều công trình thuộc loài hình này đã được xuất bản, góp phần nâng cao dân trí và phát huy tác dụng giáo dục truyền thống dân tộc và cách mạng, trong đó có khá nhiều công trình do Hội KHLS địa phương đảm nhiệm hoặc phối hợp biên soạn.
Ngoài các hội thảo và họat động do Hội tổ chức, giới sử học còn tham gia vào nhiều hội thảo quốc gia và quốc tế lớn như Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ I (1998), lần thứ II (2004), những hội thảo kỷ niệm 50 Cách mạng tháng Tám (1995), 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2004), 30 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (2005)...Các nhà sử học còn tham gia vào nhiều chương trình và đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước với mục tiêu cung cấp các luận chứng khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đề xuất các giải pháp cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới.
Trong thời gian qua, ba cơ quan nghiên cứu và đào tạo về lịch sử đã được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng thời kỳ Đổi mới: Viện Sử học, Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Viện Khảo cổ học.Trong sự phát triển chung của nền sử học VN, vai trò của Hội KHLSVN là ngoài chức năng tập hợp và phối hợp hoạt động, còn qua các hội thảo khoa học, diễn đàn sử học, với cương vị đại diện cho giới sử học, đưa ra các nhận định, đánh giá và đề xuất các giải pháp, kiến nghị về định hướng phát triển nền sử học VN.
Thành công lớn nhất của Hội về phương diện này là trên cơ sở trí tuệ tập thể, đã thúc đẩy sự đổi mới tư duy sử học mà thực chất là vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với những thành tựu của khoa học lịch sử hiện đại, nâng cao tính khoa học, khách quan và trung thực trong nhận thức lịch sử. Một loạt các giai đoạn lịch sử, sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử đã được nhận thức lại một cách khách quan, toàn diện và trung thực hơn. Ví như về triều Hồ, triều Mạc, về các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX, về phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX, về xu hướng cải cách của Phan Châu Trinh, về khởi nghĩa Yên Bái... và về các nhân vật lịch sử khá đa diện như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ, Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Tường, Trương Vĩnh Ký, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn An Ninh...
Đặc biệt qua các hội thảo khoa học, giới sử học đã đạt đến sự nhất trí cao trong quan niệm và nhận thức về tính toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam. Lịch sử Việt Nam không nên nhận thức một cách phiến diện như là lịch sử đơn tuyến của dòng văn hóa Đông Sơn với nước Văn Lang-Âu Lạc rồi đến Đại Cồ Việt-Đại Việt, hay như là lịch sử của dân tộc đa số, lịch sử chống ngoại xâm, lịch sử chính trị...Dĩ nhiên đó là dòng chủ lưu của lịch sử và là những bộ phận tạo thành quan trọng của lịch sử Việt Nam. Nhưng quan niệm và nhận thức lịch sử cần được nâng lên trên một tầm vóc rộng lớn với tính toàn bộ và toàn diện hơn về lịch sử.
Xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam hiện nay đi ngược về quá khứ, lịch sử Việt Nam bao quát tất cả những gì mà các công động cư dân, các tộc người, các quốc gia đã từng sinh sống và tồn tại trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam tạo lập nên.Từ quan niệm đó, lịch sử miền Trung và Nam Trung Bộ, Nam Bộ không chỉ bắt đầu từ khi người Việt di cư vào khai phá vùng đất này, mà phải bao gồm lịch sử dòng văn hóa Sa Huỳnh với nước Chămpa và dòng văn hóa óc Eo với nước Phù Nam từ thời cổ đại. Trong nội dung lịch sử, dĩ nhiên lịch sử chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước tiêu biểu cho lịch sử anh hùng của dân tộc, giữ vai trò cực kỳ quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh dân tộc trước nguy cơ xâm lăng và đồng hóa của ngoại bang, nhưng lịch sử xây dựng đất nước với những phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa vẫn là nền tảng của sự trường tồn của đất nước, vẫn là tiềm lực quyết định thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Vì vậy lịch sử dân tộc cần được nhận thức một cách toàn diện, cùng với những trang sử chống ngoại xâm oai hùng, cần nghiên cứu và trình bày đầy đủ hơn lịch sử kinh tế, xã hội, văn hóa và đời sống bình thường của cộng đồng cư dân. Việt Nam từ khi lập quốc đến nay là một quốc gia đa tộc người (thường gọi chung là nhiều dân tộc), sinh ra và lớn lên một không gian địa-văn hóa mang tính giao lưu rộng rãi. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của cộng đồng các dân tộc, bên cạnh dân tộc Kinh (Việt) là dân tộc đa số giữ vai trò trung tâm đoàn kết dân tộc, cần nêu cao cống hiến của các dân tộc ít người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa thống nhất trong tính đa dạng của cấu trúc đa tộc người, của văn hóa đa tộc người. Do đó, cần nhận thức và xử lý khách quan mối quan hệ giữa tính thống nhất với tính đa dạng văn hóa, tính bản địa với tính giao lưu và tiếp biến văn hóa.Trong Đại hội lần thứ IV, Hội KHLSVN cũng đề xuất và kiến nghị với lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm đến việc tổ chức biên soạn những bộ lịch sử Việt Nam xứng đáng với nội dung và bề dày của lịch sử dân tộc, và phản ánh những thành tựu mới nhất của nền sử học hiện đại của đất nước và những thành tựu chọn lọc của thế giới.
Trong thời gian qua, bốn bộ lịch sử Việt Nam đã và đang đồng thời được biên soạn do Hội đồng KHXH TP Hồ Chí Minh, Viện Sử học, Khoa Lịch sử trường Đại học sư phạm Hà Nội và Khoa Lịch sử trường Đại học KHXH&NV Hà Nội chủ trì. Bộ Lịch sử Đảng cộng sản VN 4 tập cũng đã được hoàn thành và bộ Lịch sử quân sự VN 15 tập đang được biên soạn và xuất bản. Ngoài những công trình nghiên cứu mang tính chuyên đề thì trên đây là những công trình mang tính tổng hợp và tổng kết cao. Sau khi những bộ sử trên ra đời, Hội KHLSVN sẽ kiến nghị kế hoạch biên soạn một bộ Lịch sử Việt Nam đồ sộ khoảng 15-20 tập trên cơ sở tập hợp lực lượng và trí tuệ của giới sử học cả nước. Bên cạnh những thành tựu và tiến bộ trên, sử học Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại và bộc lộ không ít hạn chế, nhược điểm cần sớm được phát hiện và có biện pháp khắc phục.
Đội ngũ sử học phát triển khá nhanh về số lượng, nhưng chưa được thật đồng bộ và trình độ còn nhiều hạn chế, nhất là về lý luận và phương pháp luận. Trong việc biên soạn lịch sử địa phương, nhất là lịch sử làng xã, gia phả dòng họ... đang phát triển như một trào lưu xã hội, biểu thị nhu cầu văn hóa ngày càng nâng cao của nhân dân. Nhưng bên cạnh những công trình nghiêm túc, có giá trị khoa học thì cũng có không ít sản phẩm kém chất lượng, phạm những sai lầm về thu thập và giám định sử liệu, về nhận định và trình bày. Hội cần quan tâm đến nhu cầu xã hội này và góp phần tích cực giúp đỡ “giới sử học nghiệp dư” trong trang bị kiến thức và phương pháp sử học.
Về truyền bá kiến thức và giáo dục truyền thống, Hội đã tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan nhà nước tổ chức nhiều hội thảo kỷ niệm những sự kiện, nhân vật lịch sử. Các Hội thành viên, nhất là các Hội cấp tỉnh, thành phố đều có nhiều hoạt động truyền bá kiến thức lịch sử, giáo dục truyền thống và trở thành chỗ dựa có hiệu quả cho Đảng và chính quyền địa phương về các hoạt động sử học và truyền thống. Hội cũng đã tư vấn, hỗ trợ Đài truyền hình mở những chuơng trình phổ cập tri thức lịch sử trong nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ, nhằm nâng cao hiểu biết về lịch sử dân tộc.
Từ một ý tưởng “mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân” nhằm xã hội hóa một phương thức tôn vinh các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa, các nhà cách mạng và khoa học hiện đại bắt đầu năm 1997, đến nay đã thành một chương trình được xã hội đón nhận và hoan nghênh. Hội đã đúc được hơn một trăm pho tượng trao tặng cho các gia đình, dòng họ, cơ quan, bảo tàng, trường học. Đặc biệt, Hội đã đức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm 1 pho toàn thân và 8 pho bán thân, trao tặng 2 pho đặt tại cơ quan ngoại giao VN ở Hoa Kỳ, 5 pho cho các sứ quán VN ở một số nước châu Âu...
Tạp chí “Xưa và Nay” đã thực sự trở thành cơ quan ngôn luận của Hội KHLSVN, diễn đàn trao đổi những vấn đề khoa học mà giới sử học quan tâm, cập nhật những vấn đề mang tính thời sự của sử học và góp phần truyền bá kiến thức lịch sử trong xã hội. Bên cạnh còn có tạp chí “Cổ vật tinh hoa” là ấn phẩm của Hội nghiên cứu và sưu tầm gốm và cổ vật Thăng Long cùng với các tạp chí của các Hội cấp tỉnh và thành phố với tên gọi chung là Xưa & Nay như “Huế Xưa & Nay”, “Quảng Ninh Xưa & Nay”, “Đồng Tháp Xưa & Nay”, “Bà Rịa-Vũng Tàu Xưa & Nay”, “Bạc Liêu Xưa & Nay”, “Thành Hạc Xưa & Nay” (Thanh Hóa)...hoặc ra định kỳ hoặc không định kỳ.
Hệ thống tạp chí “Xưa & Nay” của TƯ Hội và các Hội thành viên đã tạo nên nét đặc sắc trong hoạt động của Hội KHLSVN và cùng với tạp chí chuyên ngành của các cơ quan nghiên cứu như “Nghiên cứu lịch sử”, “Lịch sử Đảng”, “Lịch sử quân sự”, “Khảo cổ học”...làm phong phú cho hệ thống truyền thông của nền sử học VN và tạo thành một mạng lưới thông tin bổ ích cho giới sử học cũng như cho xã hội.
Về hoạt động xuất bản, ngoài các ấn phẩm của cơ quan khoa học của Nhà nước và các tác giả, riêng khối lượng sách do Hội xuất bản đã lên đến hàng trăm cuốn, trong đó có nhiều công trình nghiên cứu và dịch thuật có giá trị, là một cống hiến quan trọng cho sự phát triển của sử học VN.
Về trách nhiệm giám định, phản biện và tư vấn khoa học, Hội đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 45 (11-1998) của Bộ chính trị, Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg (30-1-2002) của Chính phủ và trên cơ sở Luật di sản văn hóa, hợp tác với các cơ quan chức năng trong bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa. Đặc biệt Hội đã đấu tranh kiên quyết chống lại những hành động xâm hại di sản văn hóa dân tộc, được giới báo chí và truyền hình hỗ trợ, đưa lại nhiều kết quả tích cực. Đây là một trách nhiệm nặng nề, nhiều lúc đứng trước những vấn đề hết sức nhạy cảm, được cả xã hội quan tâm, theo dõi nên đòi hỏi Hội vừa phải phát huy hết trọng trách của mình, vừa phải nghiên cứu cận trọng, bảo đảm tính khoa học và tính pháp lý cao, giữ vững uy tín của Hội. Nhờ đó, tiếng nói của Hội, đại diện cho giới sử học là tiếng nói được dư luận đồng tình, ủng hộ và được các cơ quan chức năng có thẩm quyền coi trọng.
Các Hội thành viên cũng đã phát huy vai trò tư vấn, giám định, phản biện về các dự án liên quan đến lịch sử, văn hóa trong phạm vi địa phương và được đánh giá tích cực. Có những Hội đã chủ động đề xuất các ý kiến tư vấn, phản biện đối với một số dự án vi phạm Luật di sản văn hóa hay thiếu tính khoa học, chưa tuân thủ những nguyên tắc cơ bản về bảo tồn, bảo tàng. Các Hội địa phương hay chuyên ngành đều được mời tham gia vào các hoạt động tư vấn cho những vấn đề do thực tiễn đề ra...
Về giảng dạy lịch sử trong trường phổ thông và trường đại học, từ chương trình đến sách giáo khoa, Hội đã tổ chức những buổi trao đổi hay hội thảo, diễn đàn để thu thập ý kiến của giới sử học, nhất là các nhà giáo, để đóng góp ý kiến cho Bộ giáo dúc và đào tạo. Gần đây, Hội đã thành lập một Hội đồng khoa học để nghiên cứu thẩm định lại chương trình và sách giáo khoa lớp 6, 7, 8, đề xuất những kiến nghị cụ thể nhằm bước đầu sửa đổi chương trình, chỉnh lý sách giáo khoa, chuẩn bị tiến tới một cuộc cải cách trong giảng dạy môn lịch sử nói chung, đặc biệt môn lịch sử Việt Nam với vai trò quốc sử, trong giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ.
Về mặt đối ngoại, Hội KHLSVN đã tham gia Uỷ ban quốc tế các khoa học lịch sử, tham gia Đại hội đồng và Hội thảo quốc tế của tổ chức này. Cơ quan TW Hội tổ chức nhiều sinh hoạt tiếp xúc, trao đổi với giới sử học nước ngoài và cùng với các cơ quan khoa học, cử nhiều nhà khoa học tham dự các hội thảo quốc tế, góp phần tạo dựng một nhận thức đúng đắn về con người, lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Qua 40 năm hoạt động, Hội KHLSVN đã xác lập được vị thế phù hợp với chức năng của mình trong đời sống sử học của cả nước, xác lập được mối quan hệ và sự phối hợp trong giới sử học cũng như đối với các cơ quan khoa học trong hệ thống chính trị và xã hội. Hội đã góp phần vào nhiều hoạt động nghề nghiệp và xã hội của giới sử học cũng như đáp ứng những nhu cầu của xã hội, ảnh hưởng và uy tín của Hội không ngừng được củng cố. Đó là kết quả của nỗ lực chung của Trung ương Hội cũng như các tổ chức thành viên, kết hợp với sự tham gia, ủng hộ của cả giới sử học, những người yêu thích lịch sử và sự quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo của các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước.
GS. Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)
|