Cần sử dụng nguồn nước tưới hợp lý trong sản xuất nông nghiệp (11:43:36 Ngày 09/12/2010) |
![]()
Nước là điều kiện cần thiết đầu tiên của sự sống, là yếu tố của sự sống, là một trong những tài nguyên cơ bản của môi trường. Người ta cũng chưa tìm ra được gì có thể thay thế nước trong sự sống. Trong nông nghiệp, ông bà ta đã có câu: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, từ giống", đúng vậy, nước là yếu tố cần thiết hàng đầu trong nông nghiệp. Không thể có an toàn lương thực nếu không chủ động về nguồn nước. Những năm gần đây, thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, hạn hán kéo dài, khan hiếm nước do nguồn sinh thuỷ cạn kiệt và ô nhiễm các nguồn nước đã xuất hiện ở nhiều vùng. Không phải chỉ có nước thải công nghiệp, mà chính lĩnh vực nông nghiệp hiện đang sử dụng gần 70% tổng lượng nước sử dụng cũng phải chịu trách nhiệm về sự ô nhiễm gây ra cho cả nước sẽ còn gay gắt hơn trong những năm tiếp theo.
|
Tỉnh ta có khí hậu đặc thù, nằm trong khu vực khô ráo nhất cả nước, nền khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với đặc trưng là khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh, không có mùa đông. Nhiệt độ trung bình năm 26-270C. Lượng mưa trung bình 700-800 mm ở Phan Rang và tăng dần theo độ cao trên 1100 mm ở miền núi. Độ ẩm không khí từ 75-77%. Thời tiết có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 9-11; mùa khô từ tháng 12-8 năm sau. Vũng lãnh thổ được bao bọc giữa 3 mặt là núi và một mặt là biển, có 3 dạng địa hình: đồi núi (63,2% diện tích), đồi gò bán sơn địa (chiếm 14,4% diện tích), đồng bằng ven biển (chiếm 22,4% diện tích) có nhiều lợi thế đặc thù bổ sung cho nhau cùng phát triển. Khí hậu đặc thù đã sản sinh ra những nông sản có giá trị kinh tế cao (nho, mía, thuốc lá, hành tỏi, bò, dê, cừu), sản xuất một số hạt giống cây trồng, sản xuất muối công nghiệp trên quy mô lớn mà không ở nơi nào có được, làm tăng nguồn thu nhập cho bà con nông - ngư dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Diện tích sản xuất nông nghiệp ở tỉnh đều tăng thêm qua hằng năm là nhờ sự quan tâm của Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự cố gắng của ngành nông nghiệp đã nghiên cứu đề xuất các giải pháp thiết thực, kịp thời xây dựng nhiều hồ đập để tích trữ nước, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất. Nhưng do tập quán sản xuất và sự khó khăn về kinh tế, hiện nay đại đa số bà con nông dân đều áp dụng phương pháp tưới rãnh, tưới tràn cho các cây trồng, gây lãng phí, thất thoát nguồn nước rất lớn, tạo điều kiện cho các dịch bệnh phát triển gây hại. Thực tế, tuy tỷ lệ chiếm trong tổng lượng nước sử dụng hàng năm có thể giảm đi theo đà công nghiệp hoá đang phát triển nhưng yêu cầu lượng nước sử dụng trong nông nghiệp còn rất lớn và sẽ tăng lên nhiều trong những năm tới. Theo số liệu kết quả điều tra thì hiệu suất sử dụng nước trong nông nghiệp hiện nay là thấp, và có ít nhất 40% lượng nước bị lãng phí do thấm sâu hoặc do chảy tràn lan trên mặt đất (xét trên quy mô toàn vùng, thì sự thất thoát này không phải là hoàn toàn "mất đi" theo đúng nghĩa đen của nó). Trước tình hình đó, sản xuất nông nghiệp hiện tại và trong tương lai không có cách lựa chọn nào khác là phải có một chiến lược dự phòng, quản lý và hướng mọi nỗ lực vào việc nâng cao hiệu suất sử dụng các nguồn nước hiện có là cực kỳ quan trọng và cần thiết. Trong những năm qua, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ các dự án, Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư đã xây dựng được một số mô hình tưới nước tiết kiệm trên các cây trồng chủ lực của tỉnh như Nho, Xoài, Mãng cầu, Rau mầu… cho kết quả rất khả quan, giúp bà con nông dân giảm được chi phí công lao động, tiết kiệm được lượng nước tưới trên 40% không gây xói mòn, rửa trôi, các cây trồng sinh trưởng phát tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, để quản lý và sử dụng nguồn nước tưới cho các cây trồng hợp lý, hiệu quả, về lâu dài cần chú ý các biện pháp nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn nước tưới như: - Cần nâng cấp chất lượng các công trình tưới để giảm tổn thất nước. - Mở rộng việc áp dụng các phương pháp và kỹ thuật tưới tiết kiệm nước. - Quy hoạch, cải tạo và xây dựng đồng ruộng. - Đổi mới và tăng cường công tác quản lý tưới từ nguồn nước cho đến mặt ruộng. Tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật về sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả cho đông đảo bà con nông dân. Đưa vào sản xuất một số giống cây trồng có khả năng thích nghi tốt hơn với điều kiện thiếu nước, mà năng suất và chất lượng sản phẩm không bị giảm đáng kể, như các giống lúa chịu hạn, giống lúa lai siêu năng suất có khả năng chịu hạn tốt, chất lượng tốt, các cây trồng cạn (đậu xanh, bắp lai, đậu phụng…), các cây rau màu có thời gian sinh trưởng ngắn, cho hiệu quả kinh tế cao, áp dụng các mô hình xen canh, luân canh tăng vụ. |
KS. Phạm Dũng - Thông tin KHCN Ninh Thuận, số 4, 2010, tr.26 |
![]() ![]() |
Từ khóa : nguồn nước ; Nông nghiệp ; Tiết kiệm ; Hiệu suất sử dụng ; Nước tưới ; |