Doanh nghiệp Việt Nam hướng đến nền kinh tế xanh và bền vững (11:43:36 Ngày 09/12/2010) |
![]()
Những năm gần đây, để hướng đến nền kinh tế xanh và bền vững, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Ngày càng có nhiều "hàng rào" kỹ thuật buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ, chấp hành nếu không sẽ bị loại ra khỏi "sân chơi" phát triển chung của đất nước.
|
Thách thức và rào cản Ông Nguyễn Quang Vinh - Đại diện Mạng lưới Hiệp ước toàn cầu Việt Nam (GCNV), Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (SD4B), Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết: "Bảo vệ môi trường là một trong những mục tiêu nóng mà Mạng lưới Hiệp ước toàn cầu Việt Nam hướng đến. Các doanh nghiệp trong thời đại phát triển mạnh mẽ hiện nay, ngoài nghĩ đến việc tối đa hoá lợi nhuận cần phải tìm ra một lối đi mới nhằm thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, trong đó những cam kết bảo vệ môi trường hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị của mình, có được lòng tin trên thị trường, hướng tới sự phát triển mang tính bền vững cho cả doanh nghiệp và cộng đồng". Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra hết sức phức tạp, trong đó một nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cộng đồng phần lớn là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trực tiếp là các doanh nghiệp. Theo TS. Đỗ Nam Thắng, Viện Khoa học quản lý môi trường, Tổng cục Môi trường nhận định: Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Thứ nhất, hàng loạt các quy định về chính sách pháp luật mà các doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ trong quá trình xây dựng và hoạt động sản xuất kinh doanh như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), tiêu chuẩn môi trường, thực hiện thuế, phí bảo vệ môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ quan chuyên ngành và xử lý vi phạm theo Nghị định số 117/2009/NĐ-CP của chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại. Thứ hai, các doanh nghiệp chịu nhiều áp lực từ cộng đồng bởi nhận thức và yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng cao, trong đó số lượng khiếu kiện về môi trường ngày càng tăng. Đặc biệt yêu cầu về sản phẩm thân thiện môi trường và những yêu cầu gắt gao của quá trình hội nhập. Thứ ba, các doanh nghiệp nhận thức về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ. nhiều doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư cho môi trường, thiếu thông tin về khoa học công nghệ môi trường. Đó chính là bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp giữa lợi nhuận và trách nhiệm xã hội. Theo PGS.TS. Nguyễn Đắc Hy, Viện trưởng Viện sinh thái và môi trường: "Xu thế hội nhập kinh tế thế giới mang lại điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cũng như những thách thức về môi trường. Để thành công, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ những quy định quốc tế về môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng". Ông Hy cho biết: Trong các hiệp định thương mại và môi trường, doanh nghiệp phải thực hiện các cam kết chung về môi trường như: An toàn môi trường sức khoẻ cho con người, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, sinh quyển; bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững các hệ sinh thái. Các doanh nghiệp cũng gặp những rào cản về: Đảm bảo nhãn sinh thái, tiêu chuẩn yêu cầu về bao gói, tái chế, vệ sinh kiểm dịch, dịch vụ môi trường… Mạng lưới Hiệp nước toàn cầu Việt Nam đưa ra mười nguyên tắc, yêu cầu các công ty trong phạm vi ảnh hưởng của mình phải bao quát, hỗ trợ và ban hành một bộ các giá trị cơ bản về quyền con người, tiêu chuẩn lao động, môi trường và chống tham nhũng. Trong đó, về môi trường các doanh nghiệp phải ủng hộ phương án phòng ngừa đối với các thách thức của môi trường. Đồng thời thực hiện các sáng kiến để nâng cao trách nhiệm đối với môi trường và khuyến khích phát triển, phổ biến công nghệ thân thiện với môi trường. Cơ hội cho doanh nghiệp Hội thảo với chủ đề "Môi trường và Phát triển bền vững" do Mạng lưới Hiệp ước toàn cầu Việt Nam (GCNV) phối hợp với Liên minh các tổ chức Phi Chính phủ Việt Nam (VNGOA) tổ chức tại Hà Nội, nhằm thúc đẩy sự giao lưu và đối thoại giữa các tổ chức và doanh nghiệp trong và nước ngoài tăng cường cơ hội kết nối, chia sẻ và hợp tác, tạo ra những sáng kiến bảo vệ môi trường hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam. Tại hội thảo, các chuyên gia đã nêu ra thách thức về môi trường và ảnh hưởng tới khu vực tư nhân ở Việt Nam và các mục tiêu tiến tới chính sách thương mại bền vững. PGS.TS. Nguyễn Đắc Hy đề cập các chính sách thương mại bền vững bao gồm: Mục tiêu phát triển bền vững trong thương mại và môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Trong đó chú trọng cải thiện môi trường đầu tư: Tăng giá trị các dòng tài nguyên, trợ cấp sản phẩm thân thiện môi trường, dịch vụ môi trường, xử lý nước thải, rác thải, khí thải; giáo dục ý thức cộng đồng; phát triển doanh nghiệp thân thiện môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo lập môi trường pháp lý có chính sách trợ cấp môi trường, hợp tác quốc tế. Theo TS. Đỗ Nam Thắng, để hướng đến nền kinh tế xanh và bền vững, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội, có thể kể đến việc tham gia nền "kinh tế xanh" như: Cung cấp dịch vụ môi trường, công nghệ, sản phẩm thân thiện môi trường; tăng lợi nhuận thông qua các giải pháp môi trường: Sản xuất sạch hơn, nhãn môi trường, sản phẩm xuất khẩu đạt tiêu chuẩn về môi trường; tận dụng các chính sách ưu đãi của nhà nước: Quỹ bảo vệ môi trường, Nghị định 04/2009/NĐ-CP về khuyến khích hoạt động BVMT; quảng bá thông qua các hoạt động môi trường; tăng lợi thế cạnh tranh; lĩnh vực kinh doanh mới như: Ngân hàng môi trường, bảo hiểm môi trường… Thông điệp đưa ra cho các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập là: "Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên biến thách thức thành cơ hội và hãy bắt đầu từ những công việc cụ thể ngay từ hôm nay". |
Thuý Vân - T/c Tài nguyên và Môi trường, số 15, 2010, tr.29 |
![]() ![]() |
Từ khóa : Ô nhiễm môi trường ; Doanh nghiệp ; Nền kinh tế xanh ; |