Phát triển khu công nghệ cao: Kinh nghiệm thế giới và một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam (10:53:32 Ngày 08/12/2010) |
![]()
Phát triển các khu công nghệ cao (CNC) đã và đang là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và nhiều địa phương ở nước ta. Một số khu CNC đã được xây dựng và đã có những đóng góp nhất định đối với tiến trình phát triển đất nước. Tham khảo kinh nghiệm thế giới và từ thực tế phát triển các khu CNC ở nước ta trong thời gian vừa qua, nghiên cứu này rút ra một số vấn đề lớn mà Việt Nam cần quan tâm nhằm phát triển các khu CNC.
|
I. Kinh nghiệm phát triển khu công nghệ cao trên thế giới Khu CNC được hình thành đầu tiên tại Mỹ (Silicon Valley) vào năm 1950 và sau đó xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Ở châu Á, khu CNC đầu tiên được xây dựng tại Nhật Bản vào đầu những năm 1970 với "Thành phố khoa học" Tsukuba, sau nữa là hàng loạt các khu khác như: Khu CNC Hsinchu (Đài Loan), Công viên khoa học thuộc Đại học Quốc gia (Singapore), Công viên khoa học Selangoge, Công viên công nghệ phần mềm Banglore và Công viên công nghệ quốc tế Bangalore (Ấn Độ)… Tính đến nay, trên thế giới đã có trên 800 khu CNC. Từ thực tiễn phát triển các khu CNC ở nhiều quốc gia trên thế giới trong thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm đáng chú ý. 1. Sự đa dạng của các mô hình khu CNC giữa các nền kinh tế khác nhau và mỗi nước cần xây dựng khu CNC phù hợp với đặc điểm của mình. Mô hình của các khu CNC trên thế giới rất đa dạng, phong phú, tuỳ thuộc loại hình sở hữu, nhiệm vụ, chức năng và lịch sử hoạt động… Theo G.Mitchell, Tổng giám đốc Công viên nghiên cứu Edmontion (Edmonton Research Park), nếu phân theo lại hình sở hữu và cơ cấu tổ chức thì có các mô hình sau: i) Mô hình Làng khoa học do Nhà nước lập kế hoạch và đầu tư xây dựng, cùng ban hành các cơ chế trợ giúp (thường thấy ở châu Âu, Đài Loan). ii) Mô hình Làng khoa học được xây dựng do sự "bành trướng" của các trường đại học đóng trên địa bàn (ví dụ Silicon Valey do trường Đại học Stanford xây dựng), sau đó được khuyến khích phát triển bởi chính sách của Nhà nước. iii) Mô hình Làng khoa học được xây dựng do sự kết hợp giữa các công ty lớn và trường đại học, các tổ chức nghiên cứu lớn, trong đó, các công ty đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc đầu tư còn các tổ chức nghiên cứu có vai trò quan trọng thứ hai. Nếu phân theo chức năng, nhiệm vụ của Làng khoa học thì có các mô hình sau: i) Mô hình thúc đẩy: Thực hiện vai trò là hạt nhân mới của nền công nghiệp trong hoàn cảnh cần đổi mới nền công nghệ. ii) Mô hình thu hút: Thực hiện các mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh của nền công nghiệp hơn là mục tiêu nâng cao chất lượng của nền khoa học. Đồng thời, cũng có sự khác nhau trong phát triển khu CNC giữa các nước phát triển và đang phát triển. Biểu hiện rõ là giữa các nước ở cùng châu Á. Tại một vài nước kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, các khu CNC được xây dựng sớm, bắt đầu từ thập niên 70 của thế kỷ XX, với số lượng nhiều, đa dạng về hình thức, về quy mô và mỗi khu có những nhiệm vụ chiến lược khác nhau. Tại Nhật Bản tính đến năm 1993 đã có trên 105 khu CNC (kể cả một vài khu đang trong giai đoạn lập kế hoạch và thiết kế), trong đó có 53 khu đang vận hành, được xây dựng theo các mô hình đa dạng từ Thành phố khoa học cho đến Công viên khoa học với quy mô khác nhau, từ 0,15 ha đến 2.700 ha. Ở các nước châu Á khác, do trình độ nghiên cứu - triển khai (R&D) thấp hơn, nền kinh tế chưa phát triển mạnh, nên chỉ xây dựng một hoặc vài khu CNC mang tính chất chiến lược. Các khu CNC ở những nước này được xây dựng theo các mô hình rất đa dạng, khác nhau về quy mô và rất khác nhau về nhiệm vụ. Các khu CNC có thể được xây dựng dưới dạng trung tâm công nghệ hoặc trung tâm đổi mới công nghệ chú trọng thương mại hóa kết quả nghiên cứu và tạo việc làm, như các khu CNC ở Singapore, Malaysia, Thái Lan. Trung Quốc xây dựng những khu thử nghiệm ở dạng mô hình "vườn ươm doanh nghiệp" chú trọng vào việc tạo việc làm, phát triển kinh doanh. Thái Lan ban đầu dự định xây dựng theo mô hình Công viên đổi mới công nghệ với mục đích phát triển vùng, tạo các Cực công nghệ (Technolopole), nhưng do tác động của khủng hoảng kinh tế nên đã dần chuyển sang mô hình Trung tâm đổi mới công nghệ. Các khu CNC phụ thuộc vào chiến lược phát triển, điều kiện và đặc điểm hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) và kinh tế của mỗi nước. Chẳng hạn: - Ở Nhật Bản, các hoạt động khoa học trình độ cao được tập trung tại các trường đại học, nhưng việc xây dựng các khu CNC dựa trên cơ sở các trường lại gặp khó khăn và phức tạp do vấn đề về sử dụng đất và quyền sở hữu sáng chế; vì vậy, người ta chú trọng đến trao đổi chuyển giao công nghệ khi thành lập các khu CNC, và xem các khu CNC là phương thức thúc đẩy phát triển vùng. - Trong khi các khu CNC ở Hàn Quốc chủ yếu để phục vụ cho R&D, thì các khu này ở Singapore và Đài Loan lại chú trọng chủ yếu vào ngành công nghiệp CNC. - Tại các khu CNC của các nước mới công nghiệp hóa (NICs) châu Á, các trường đại học đóng một vai trò tương đối yếu so với các khu CNC ở Mỹ và Châu Âu. Việc xác định khu CNC phù hợp với điều kiện của đất nước có ý nghĩa rất quan trọng, đồng thời cũng đòi hỏi nghiên cứu khá công phu. Tìm kiếm mô hình khu CNC mang bản sắc Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Ngay từ đầu, để tiến hành phát triển các khu CNC, Trung Quốc đã tiến hành đồng thời hai hoạt động là tiến hành các điều tra cơ bản và đi thăm quan học tập ở bên ngoài. Theo ý kiến của các nhà khoa học Trung Quốc, họ đã tổng hợp được kinh nghiệm phát triển khu CNC của thế giới và kết hợp được với đặc thù của Trung Quốc. Đặc trưng về bản sắc Trung Quốc đã được thể hiện ở khu Trung Quan Thôn, với chiến lược phát triển tự chủ, sáng tạo, mà hạt nhân chủ yếu là doanh nghiệp KH&CN cao và mới. 2. Sự đa dạng, phong phú của các khu CNC trong một nền kinh tế có tác dụng thúc đẩy sự phát triển chung. Có nhiều loại khu CNC khác nhau có thể cùng tồn tại và phát huy tác dụng trong một nền kinh tế. Có thể lấy trường hợp Trung Quốc làm ví dụ minh hoạ. Giữa các khu CNC ở Trung Quốc có sự cạnh tranh mạnh mẽ với nhau. Thông qua cạnh tranh, các khu CNC tìm ra được nét riêng của mình. Không nói đến các khu CNC cấp địa phương, ngay cả 53 khu CNC quốc gia, mỗi khu đều có những mầu sắc riêng. Các khía cạnh khác nhau là: i) khác nhau về ngành nghề; ii) khác nhau về mức độ ưu đãi; iii) khác nhau về chủ thể chính của KH&CN: KH&CN của Bắc Kinh chủ yếu nằm trong các trường đại học, KH&CN của Thượng Hải thuộc về doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, KH&CN của Thâm Quyến nằm ở doanh nghiệp trong nước; iv) khác nhau về cách thức thu hút nhân tài: Bắc Kinh thu hút từ các trường đại học và lưu học sinh từ bên ngoài, Thâm Quyến thu hút từ các địa phương khác và thành lập Đại học "ảo". Xin đưa ra một số so sánh giữa các khu CNC điển hình: + Khu CNC Trung Quan Thôn đã chú ý đến ba thế mạnh mà các khu khác không có được là: i) Nằm ở trung tâm Bắc Kinh là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, KH&CN của cả nước; ii) có nhiều người tài (trong khu có 39 trường đại học, 200 đơn vị nghiên cứu, 40 vạn giáo sư và phó giáo sư); iii) tính tự chủ, sáng tạo cao. Khai thác các thế mạnh này, Trung Quan Thôn đã có các biện pháp như vừa chú ý thu hút, vừa chú ý đào tạo nhân tài, học sinh ở đây được đào tạo cả về mặt kiến thức và về mặt lập nghiệp; tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến đây có thể sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao với giá rẻ; liên kết chặt chẽ giữa trường đại học với doanh nghiệp; không ngừng đổi mới về văn hóa, về cơ chế hoạt động R&D, phát triển các ngành nghề mới. + Thâm Quyến không có nhiều cơ sở KH&CN (hiện tại cả Thành phố mới có một trường đại học đạt tầm quốc gia), do đó muốn thúc đẩy KH&CN thành phố này phải tận dụng nguồn lực KH&CN từ bên ngoài. Cũng vì thiếu cơ sở nghiên cứu nên Thâm Quyến đã quan tâm phát triển KH&CN trong doanh nghiệp. Trên địa bàn thành phố đang có khá nhiều doanh nghiệp trẻ vừa thành đạt về kinh tế vừa có tiềm lực KH&CN mạnh. Một trong các điển hình là Công ty trách nhiệm hữu hạn Shenzhen Mindray Bio - Medical Electronis mới thành lập từ năm 1992 nhưng đã có các sản phẩm được cả thế giới biết đến; công ty này hiện có 37% số nhân lực làm việc trong lĩnh vực R&D, đầu tư cho R&D chiếm tới 10% doanh thu… + Có thể nêu lên nhận định khái quát: KH&CN phục vụ phát triển CNC của Bắc Kinh chủ yếu nằm trong các trường đại học, của Thượng Hải thuộc về doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, của Thâm Quyến nằm ở doanh nghiệp trong nước. Sự đa dạng, phong phú của các khu CNC trong một nền kinh tế có tác dụng thúc đẩy sự phát triển chung: đa dạng là cần thiết để phát huy sáng kiến và gắn với điều kiện đặc thù của từng vùng, từng khu; đa dạng là cơ sở để mở rộng quan hệ phối hợp với nhau; đa dạng còn là cần thiết khi chưa tìm ra và xác định được mô hình phát triển chung. Thông qua từng trường hợp mà Trung Quốc phát hiện ra những tiềm năng phát triển khu CNC. Nếu như Bắc Kinh chỉ ra tiềm năng liên kết của các trường đại học với doanh nghiệp, thì Thâm Quyến chỉ ra tiềm năng của doanh nghiệp trong phát triển CNC… 3. Đề cao vai trò của Nhà nước và sự phối hợp giữa các cấp. Phát triển khu CNC đòi hỏi phải có sự quyết tâm của cấp cao nhất. Sự quyết tâm này dựa trên nhận thức về ý nghĩa và tính cấp bách tiến hành xây dựng khu CNC nhằm phát triển đất nước. Trên thực tế, trong bất kỳ trường hợp nào trên thế giới, sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước vào chương trình xây dựng cũng như hoạt động của khu CNC là yếu tố/điều kiện quyết định thành công của khu. Trong trường hợp gián tiếp, nhà nước (trung ương hoặc địa phương) ban hành các quy định ưu tiên cho khu CNC, hỗ trợ việc điều hành và tác nghiệp. Trong trường hợp trực tiếp, nhà nước tiến hành hầu như toàn bộ các khâu từ khảo sát thị trường cho tới lập kế hoạch xây dựng, điều hành cụ thể các hoạt động của khu CNC. Có thể nêu ra nhiều dẫn chứng về vai trò của nhà nước trong hình thành và phát triển khu CNC như: - Khu CNC Tân Trúc (Đài Loan): Trong giai đoạn thành lập khu, Nhà nước ta đã tiến hành hàng loạt các hoạt động đầu tư với mục đích mua đất, xây dựng hạ tầng cơ sở, xây dựng sẵn nhà xưởng cho thuê, cung cấp nhà cho chuyên gia hoặc người Hoa về nước, xây dựng trường đại học tiếng Trung và song ngữ, xây dựng khu giải trí. Vốn ban đầu Nhà nước bỏ ra (vào khoản đất và xây lắp) là 500 triệu USD. Sau gần 20 năm hoạt động, tổng đầu tư cho Khu Tân Trúc lên tới 7 tỷ USD, trong đó Chính phủ Đài Loan đã đầu tư đến 1 tỷ USD (chiếm 15%). Các khoản chi cho R&D trong Khu một phần do Chính phủ tài trợ, một phần do dịch vụ của các công ty. Có những dự án Chính phủ hỗ trợ tới 50% kinh phí (như dự án chế tạo CPU máy tính 486 với tổng kinh phí là 11 triệu USD). Ngoài ra, còn có các hỗ trợ khác từ Nhà nước như công ty trong Khu có thể xin hỗ trợ về vốn cho R&D từ Hội đồng Khoa học Quốc gia; Chính phủ mua công nghệ nước ngoài để chuyển giao cho các doanh nghiệp trong Khu. Trực tiếp chỉ đạo Khu là Uỷ ban khoa học kỹ thuật Nhà nước Đài Loan. Để đảm bảo cho hoạt động của Khu được thuận lợi, Đài Loan đã lập Cục Quản lý khu để điều hành và hỗ trợ các công ty trong Khu hoạt động theo đúng các mục tiêu và định hướng đã được vạch ra đối với Khu… Để hoạt động của Khu được thuận lợi, hàng loạt các vấn đề pháp lý đã được xem xét, giải quyết là: Điều lệ thành lập và quản lý Khu; các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định tiêu chuẩn để cho phép một công ty tham gia vào Khu; Khu chỉ tiếp nhận những doanh nghiệp thuộc một số ngành có sự lựa chọn theo từng thời kỳ… - Khu CNC Kulim (Malaysia): Mặc dù điều hành hoạt động trong Khu là một công ty phụ (theo kiểu công ty tư nhân) do Tổng công ty Phát triển Bang Kedah thành lập để khai thác điều hành khu, nhưng Chính quyền bang Kedah cũng thành lập Hội đồng quản lý Khu CNC thực hiện theo cơ chế một cửa để giải quyết yêu cầu của các nhà đầu tư trong khu. Hội đồng này còn là cơ quan thực hiện chức năng đối ngoại, liên kết các cơ quan cũng như hoạch định phương hướng phát triển của Khu. - Khu CNC Tsukuba (Nhật Bản): Việc xây dựng ở thành phố Tsukuba một Technopolis được Thủ tướng Nhật Bản khi đó là K.Ikeda quyết định. Công việc xây dựng đã kéo dài gần hai thập niên và Nhà nước đã bỏ ra 5,5 tỷ USD. Một trong điểm đáng chú ý là Tsukuba được xác định chủ yếu là nhằm vào nghiên cứu cơ bản nên Chính phủ lúc đầu đã không kêu gọi tư nhân đầu tư. - Công viên khoa học Singapore: Hội đồng khoa học Quốc gia được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thành lập và phát triển Công viên khoa học. Hội đồng này đã thay mặt Nhà nước đứng ra thành lập Hội đồng quản trị của Công viên khoa học. Hội đồng quản trị bao gồm một mạng lưới phi hình thức các đại diện của các cơ quan chính phủ và của những thành viên chủ chốt của Công viên khoa học. Hội đồng quản trị có trách nhiệm soạn thảo và thực hiện các quy chế áp dụng trong Công viên. Các thành viên nhất thiết phải có các hoạt động liên quan tới lĩnh vực nghiên cứu của Công viên. Phân cấp và phối hợp giữa cấp trung ương và địa phương trong phát triển khu CNC được các nước chú ý trên nhiều khía cạnh. Có thể thấy rõ điều này qua trường hợp điển hình là Trung Quốc. Ở Trung Quốc, các khu CNC cấp địa phương do các địa phương quyết định (kể cả tiêu chí xét duyệt doanh nghiệp vào khu CNC). Đối với 53 khu CNC quốc gia (vốn do Quốc vụ viện Trung ương quyết định công nhận), chính quyền trung ương có chính sách chung. Tuy nhiên, từng địa phương lại có những sự cụ thể hoá trên cơ sở vận dụng quy định chung vào hoàn cảnh đặc thù của mình. Ví dụ, quy định chung đối với các doanh nghiệp mới thành lập ở các khu CNC quốc gia là "3 miễn - 3 giảm" (3 năm đầu được miễn thuế, 3 năm tiếp theo được giảm thuế), nhưng giảm bao nhiêu phần trăm là do các địa phương quy định… để có thể thu hút được nhiều doanh nghiệp vào khu CNC trên địa bàn của mình. Có thể đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với các khu CNC, kể cả các khu đã được xếp vào cấp quốc gia, bởi vì các khu CNC này đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của địa phương (Trung Quan Thôn đang đóng góp 60% vào phát triển kinh tế của thành phố Bắc Kinh). Một khi khu CNC đã góp phần phát triển địa phương thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm đầu tư vốn hỗ trợ cho các khu CNC trên địa bàn phát triển. Ở Trung Quốc người ta cho rằng quan hệ giữa khu CNC và địa phương đã trở nên chặt chẽ, nếu địa phương hỗ trợ khu CNC phát triển tốt sẽ được hưởng lợi, ngược lại thì phải trả giá. Chính vì vậy, gần đây Chính phủ không còn là nguồn cung cấp tài chính cho các khu CNC và thay vào đó là xu hướng các chính quyền địa phương đảm nhiệm hầu hết các hỗ trợ tài chính (dưới nhiều hình thức khác nhau). Đây được coi là một bước điều chỉnh quan trọng phù hợp với trình độ phát triển mới của kinh tế và KH&CN. Đồng thời, nhấn mạnh các cấp địa phương không có nghĩa là chính phủ trung ương từ bỏ vai trò cuả mình. Trái lại, những gì có thể và cần thiết phải quản lý cụ thể thì chính phủ Trung Quốc đề cố gắng thực hiện - ví dụ như đưa ra danh mục hơn 2.000 sản phẩm thuộc lĩnh vực CNC; đưa ra tiêu chí đánh giá doanh nghiệp CNC; đưa ra tiêu chí đánh giá các khu CNC quốc gia; trong một số trường hợp, Chính phủ Trung Quốc có những can thiệp cụ thể như đầu tư xây dựng cơ sở KH&CN ở khu Trung Quan thôn, hỗ trợ kinh phí cho phòng thí nghiệm của một số doanh nghiệp trong khu CNC… 4. Phát triển khu CNC được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với chiến lược phát triển CNC, các chương trình phát triển CNC nói chung Tại Nhật Bản, khu CNC đầu tiên là "Thành phố khoa học" Tsukuba đã được thành lập như một mô hình của Chương trình "Các đô thị công nghệ" của Nhật Bản và nối tiếp bởi những cố gắng khác, như Dự án Cực công nghệ, Chiến lược "Các trung tâm nghiên cứu vùng" của những thập niên 1980 và 1990. Ở Hàn Quốc, cách tiếp cận phát triển công nghệ theo giai đoạn đã được chấp nhận áp dụng cho hoạt động phát triển công nghệ và phát triển tiêu điểm công nghệ từ những năm 1970. Tiêu điểm công nghệ bao gồm công viên KH&CN và công viên KH&CN công nghiệp. Quá trình phát triển tiêu điểm công nghệ được chia thành ba giai đoạn riêng biệt: i) xây dựng thành phố khoa học quốc gia tại Taedok những năm 1970 và 1980; ii) các chương trình tiêu điểm công nghệ từ năm 1898; và iii) các công viên công nghiệp CNC địa phương từ đầu những năm 1990. Trong đó thành phố khoa học Taedok (TST) - giai đoạn I được thành lập năm 1970 với các mục tiêu chính: tạo nền tảng cho việc gia nhập hàng ngũ các nước tiên tiến vào thế kỷ XXI dựa trên cơ sở phát triển KH&CN; nuôi dưỡng các mối liên kết gần gũi hơn giữa các tổ chức nghiên cứu và công nghiệp thông qua việc sắp xếp công việc một cách hợp lý cho các trường đại học và viện nghiên cứu nhà nước và tư nhân; thành lập một Công viên khoa học không ô nhiễm, có các cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu về văn hóa. 5. Cân nhắc thấu đáo các điều kiện ảnh hưởng tới hình thành và phát triển khu CNC Các điều kiện ảnh hưởng tới hình thành và phát triển khu CNC có thể quy về ba nhóm: - Điều kiện hình thành và phát triển khu CNC có liên quan tới CNC, sản phẩm CNC, doanh nghiệp CNC và công nghiệp CNC. Yêu cầu phát triển, quyết tâm phát triển và mức độ phát triển của CNC, sản phẩm CNC, doanh nghiệp CNC và công nghiệp CNC trong nền kinh tế nói chung là điều kiện quan trọng đối với việc hình thành và phát triển khu CNC. - Hình thành và phát triển một khu CNC cụ thể phụ thuộc vào các yếu tố như lựa chọn địa điểm, thị trường đầu ra cho sản phẩm, nguồn lực kinh tế và KH&CN đủ để xây dựng và phát triển khu CNC, mối quan hệ với quốc tế. - Do hướng tới những mục tiêu lâu dài (thay vì mục tiêu trước mắt), liên quan tới lợi ích chung, tổng thể (thay vì lợi ích trực tiếp với từng chủ thể hoạt động kinh tế), phụ thuộc vào sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và sản xuất (thay vì chỉ tiến hành sản xuất kinh doanh), khu CNC cần có sự tham gia tích cực của nhà nước cùng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đủ mạnh. II. Một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam trong phát triển các khu công nghệ cao Phát triển các khu CNC đã và đang là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và nhiều địa phương ở nước ta. Trên thực tế, một số khu CNC đã được xây dựng nhằm mục tiêu góp phần phát triển đất nước. Về khu CNC đa chức năng có Khu CNC Hoà Lạc và Khu CNC Thành phố Hồ Chí Minh. Về khu (công viên, trung tâm) phần mềm, hiện có hơn 10 khu đang hoạt động, tập trung ở một số thành phố lớn như Công viên phần mềm Quang Trung, Trung tâm Công nghệ phần mềm Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm công nghệ phần mềm Cần Thơ, Trung tâm công nghệ phần mềm Hải Phòng, Khu công nghệ phần mềm Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm công nghệ phần mềm Hà Nội. Về khu Nông nghiệp ứng dụng CNC có hơn 10 khu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Nguyên, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Lạt, Ninh Thuận… Từ thực tế phát triển khu CNC ở nước ta trong thời gian vừa qua, tham khảo kinh nghiệm thế giới, có thể rút ra một số vấn đề lớn mà Việt Nam cần quan tâm sau đây: 1. Cần nghiên cứu, tìm kiếm mô hình khu công nghệ cao phù hợp Quá trình tiến hành xây dựng khu CNC ở nước ta vừa qua cho thấy cần phải giải quyết những vấn đề cơ bản, nhất là việc xây dựng mô hình khu CNC phù hợp. Với khu CNC Hoà Lạc (mặc dù được sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ chuyên gia quốc tế trong quá trình xây dựng đề án) sau một thời gian triển khai trên thực tế đã bộc lộ các vướng mắc về mô hình xây dựng khu CNC, cơ chế quản lý khu CNC, quy hoạch các bước phát triển khu CNC… Trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tuổi trẻ Chủ nhật, ông Nguyễn Văn Lạng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban quản lý Khu CNC Hoà Lạc đã nhấn mạnh: một trong những lý do khiến nhiều năm qua khu Hoà Lạc trì trệ, không "lên" được là do "…chúng ta chưa có mô hình nào về khu CNC. Làm khu công nghiệp thì đơn giản, chỉ san lấp mặt bằng, làm đường sá, hạ tầng xong rồi mời người ta vào, cứ công nghiệp thì cho vào. Còn khu CNC thì phải làm thật bài bản. Chúng ta chọn mô hình cho Hoà Lạc là đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu triển khai, công viên phần mềm, khu công nghiệp CNC và các khu dịch vụ đáp ứng yêu cầu CNC, khu vui chơi, giải trí…". Ví du khác là trong số 20 vấn đề được Hội đồng thẩm định Nhà nước về Quy hoạch tổng thể và Báo cáo nghiên cứu khả thi Khu CNC Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra, có các vấn đề như: - Trong hoàn cảnh các nhà đầu tư nước ngoài là chủ sở hữu công nghệ, dây chuyền công nghệ đang vận hành sản xuất, thì bằng cách nào, cơ chế nào và tổ chức thực hiện như thế nào để các nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam làm chủ, thích nghi, cải tiến để phát triển, sáng tạo CNC. - Mối liên hệ cụ thể giữa công nghiệp CNC và đào tạo trong khu CNC. - Quan hệ giữa đầu ra và đầu vào của Khu CNC mang tính chất là mối quan hệ mở, tạo điều kiện thuận lợi thu hút CNC từ bên ngoài và lan toả CNC ra ngoài. - Song song với việc thu hút FDI trong thời gian đầu, cần chú trọng ươm tạo các doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở các kết quả nghiên cứu trong Khu CNC được thương mại hóa. - Việc hình thành và phát triển CNC cần có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế thông qua các phương thức đầu tư khác nhau "gây mầm" ban đầu và thúc đẩy phát triển bằng cách đưa ra các chính sách phù hợp. - Mối quan hệ hợp tác và liên kết với các khu CNC khác trong và ngoài nước. Đồng thời, cũng giống như kinh nghiệm của Trung Quốc và nhiều nước khác, tình hình ở nước ta vừa qua cho thấy các nội dung cơ bản của mô hình khu CNC phù hợp sẽ dần sáng tỏ thông qua một quá trình gắn với những hoạt động thực tế. 2. Cần chú trọng vấn đề lựa chọn địa điểm Khi phân tích về tình trạng chậm tiến độ trong triển khai khu CNC Hoà Lạc, một nguyên nhân thường được nhắc tới là xét về các điều kiện cần và đủ để xây dựng Khu CNC Hoà Lạc thì vị trị /địa điểm xây dựng khu này là một bất lợi (trong những điều kiện quan trọng là khu CNC cần được xây dựng gần các thành phố lớn, tập trung nhiều tổ chức nghiên cứu - phát triển, đào tạo và doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNC). Đó cũng hợp với ý kiến trước đây của nhiều chuyên gia đã cảnh báo về những khó khăn khi thực hiện phương án này. Trái với Khu CNC Hoà Lạc, nhiều phân tích đã gắn việc triển khai có phần thuận lợi hơn của Khu CNC Tp. hồ Chí Minh với sự lựa chọn vị trí chỉ cách trung tâm thành phố, cảng Sài Gòn và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 15 km, nằm ở giữa 43 khu công nghiệp và khu chế xuất, gần Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh và các viện nghiên cứu công nghệ. Thậm chí, trong quá trình xem xét Dự án xây dựng Khu CNC Tp. Hồ Chí Minh, các chuyên gia nước ngoài (Mỹ, Thuỵ Điển và Nhật Bản) có nhiều kinh nghiệm về thành công và thất bại của một số khu đặc thù loại này, đã nhất trí khuyến nghị Tp. Hồ Chí Minh chọn địa điểm Khu CNC Tp. Hồ Chí Minh tại Quận 9, nằm kề bên khu các trường đại học, bất chấp chi phí đền bù giải toả tương đối cao. 3. Vai trò của chính quyền địa phương Vai trò của cấp địa phương đã được khẳng định trong kinh nghiệm quốc tế. Ở Việt Nam, điều này cũng đáng được coi là một bài học. Quá trình triển khai xây dựng dự án Khu CNC Hoà Lạc đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt liên quan đến giải phóng mặt bằng và phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp thực hiện giữa các cơ quan liên quan. So với Khu CNC Hoà Lạc, ở Khu CNC Tp. Hồ Chí Minh, sự cam kết của chính quyền địa phương rõ ràng hơn. Uỷ ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực trong việc phân công các cơ quan ban, ngành hỗ trợ giải quyết phân bổ ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng và kêu gọi đầu tư vào Khu CNC. Mặc dù vậy, khi kiểm điểm tình hình và trước yêu cầu phải thúc đẩy nhanh tiến độ của Khu CNC, vai trò của địa phương vẫn được đặc biệt chú trọng. Điển hình là trong buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với đại diện lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân và Ban Quản lý Khu CNC Tp. Hồ Chí Minh (ngày 25 tháng 4 năm 2007, tại Khu CNC Tp. Hồ Chí Minh) để nghe báo cáo về tình hình và bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu công CNC Tp. Hồ Chí Minh, Thủ tướng đã nhấn mạnh: "Lãnh đạo thành phố cần xác định rõ việc xây dựng khu CNC là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời gian tới của Tp. Hồ Chí Minh, có thể tiến hành chỉ định thầu thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong Khu CNC có tính chất quan trọng, cấp bách. Việc chỉ định thầu phải thực hiện theo đúng các quy định pháp luật hiện hành; đồng ý uỷ quyền Uỷ ban Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh phê duyệt nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu CNC Tp. Hồ Chí Minh tỷ lệ 1/5000 trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng theo quy định; căn cứ vào tình hình thực tế triển khai xây dựng Khu CNC, Uỷ ban Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh được quyền chủ động quyết định, điều chỉnh nội dung thực hiện trong giai đoạn I và II, quyết định các hạng mục ưu tiên đầu tư và tiến hành tổ chức triển khai thực hiện ngay các dự án đầu tư giai đoạn II". Bài học thực tế về vai trò của chính quyền địa phương cũng trùng với khuyến cáo của nhóm chuyên gia quốc tế IDRC về phát triển khu CNC ở Việt Nam: "Cần phối hợp thực hiện của cả nhà nước trung ương và địa phương. Cơ hội thành công của việc phát triển một khu CNC sẽ dễ dàng đạt được nếu như có sự nhất trí rõ ràng giữa những người ra quyết định ở cấp trung ương và cấp địa phương về những gì cần đạt được và cách thức để đạt các mục tiêu". 4. Vấn đề thu hút FDI Thành công của Khu CNC Tp. Hồ Chí Minh có liên quan chặt chẽ với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Triển vọng thu hút đầu tư CNC vào Khu CNC được đánh giá rất cao, đặc biệt sau khi Tập đoàn Intel quyết định đầu tư vào Khu CNC. Qua 5 năm hoạt động, Khu CNC Tp. Hồ Chí Minh đã cấp giấy phép cho 27 nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.403 triệu USD, bao gồm 14 dự án FDI (với 1.287 tỷ USD) và 13 dự án đầu tư trong nước (với vốn tương đương 116 triệu USD). Các dự án trong nước thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin của các tập đoàn lớn VTC, FPT… Các dự án đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, linh kiện điện tử, công nghệ sinh học với một số thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực CNC như Intel, Jabil của Mỹ; Sonion (Đan Mạch); Nidec (Nhật Bản)… Trong đó, năm 2006 thu hút 1,045 tỷ USD (44% tổng thu hút của Tp. Hồ Chí Minh); hơn 3 tháng đầu năm 2007 thu hút 100 triệu USD (chiếm 24%). Giá trị xuất khẩu năm 2006 của một số nhà máy đã hoạt động gần 28 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho 3.000 lao động. Ngoài việc thu hút các dự án sản xuất công nghiệp CNC, một số tập đoàn, công ty lớn cũng có ý định đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ CNC trong Khu CNC. Liên quan tới điều này là vai trò của các công ty đa quốc gia trong bối cảnh toàn quốc tế hóa về R&D hiện nay. Trước hết, các công ty đa quốc gia đang chiếm một tỷ trọng áp đảo trong R&D toàn cầu. Chi cho R&D của một số tập đoàn lớn còn cao hơn so với chi phí cho R&D của nhiều nước. Năm 2003, có đến bốn công ty đa quốc gia chi cho R&D trên 6 tỷ USD (Ford Motor, Pfizer, DaimlerChrysler và Siemens). Mặt khác, R&D do các công ty đa quốc gia thực hiện đang có xu hướng quốc tế hoá. Một khảo sát do UNTAD (Diễn đàn Thương mại và Phát triển của Liên hiệp quốc) thực hiện từ tháng 11 năm 2004 đến tháng 3 năm 2005 về các nhà đầu tư R&D lớn nhất thế giới cho thấy, tốc độ quốc tế hoá R&D đang tăng dần lên. Một công ty ở mức trung bình trong khảo sát của UNTAD chi tiêu 28% ngân sách R&D của mình ở nước ngoài, bao gồm chi tiêu của các chi nhánh ở nước ngoài và các chi tiêu ký hợp đồng R&D với các nước khác. Năm 1993, chi tiêu R&D của các chi nhánh nước ngoài của các công ty đa quốc gia tại các nước tiếp nhận trên phạm vi toàn thế giới là 29 tỷ USD, bằng 10% chi tiêu của khu vực doanh nghiệp toàn cầu cho R&D. Sau đó một thập kỷ, tức là vào năm 2002, chi tiêu này là tăng hơn gấp đôi lên 67 tỷ USD, chiếm 16% R&D của khu vực doanh nghiệp toàn cầu.
|
TS. Chu Đức Dũng - - Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 6, 2010, tr.34 |
![]() ![]() |
Từ khóa : Việt Nam ; Mô hình ; Khu công nghệ cao ; |