Trao đổi   Hoạt động hội
Gắn kết hoạt động của các hội ngành trong Liên hiệp hội Việt Nam theo tinh thần Chỉ thị 42-CT/TW (14:01:40 Ngày 26/11/2010)

 Bất cứ hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam đều có dấu ấn đậm nét của các chuyên gia ở các hội ngành.
Theo Điều lệ của Liên hiệp hội Trung ương và tỉnh/thành phố thì các hội ngành là tổ chức rường cột, nhất thiết phải có của các Liên hiệp hội. Ở Trung ương, các hội ngành toàn quốc qui tụ trong Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam); ở địa phương, các hội ngành tập hợp trong Liên hiệp hội tỉnh/ thành. Như vậy, các hội ngành đương nhiên có nghĩa vụ thực hiện Điều lệ và Nghị quyết của Liên hiệp hội Việt Nam.

Các hội ngành là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, có điều lệ riêng, có quyền tự chủ, nhưng đã gia nhập Liên hiệp hội Việt Nam thì Điều lệ hội không thể không phù hợp với Điều lệ của Liên hiệp hội Việt Nam (tùy tính đặc thù của hội, có thể có khoản, điều riêng, nhưng không trái với điều lệ của Liên hiệp hội Việt Nam).

Liên hiệp hội là tổ chức chính trị - xã hội, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, thực hiện các nhiệm vụ do cấp ủy giao. Như vậy, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16 tháng 4 năm 2010 của Bộ Chính trị đối với Liên hiệp hội Việt Nam thực chất cũng là sự chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động của các hội thành viên trong Liên hiệp hội Việt Nam. Cần nhận thức rằng, sức mạnh của Liên hiệp hội (dù ở Trung ương hay địa phương) là sức mạnh của tổ chức chính trị - xã hội, có vị thế chính trị trong xã hội, đại diện cho đội ngũ trí thức KH&CN rộng lớn, được Nhà nước bảo đảm kinh phí và các điều kiện hoạt động. Sức mạnh của hội ngành là sức mạnh của đội ngũ trí thức chuyên ngành, có chuyên môn sâu, có nhiều người đã kinh qua công tác quản lí, hội có tiềm năng lớn trong hoạt động xã hội và nghề nghiệp. Cho nên muốn phát huy sức mạnh tổng hợp của Liên hiệp hội và hội ngành thì cần có phương thức hoạt động linh hoạt, gắn kết chặt chẽ giữa hội và Liên hiệp hội. Cán bộ Liên hiệp hội cần nâng cao năng lực để có khả năng phát hiện vấn đề, tổ chức thực hiện đề tài, dự án, sự kiện và quan trọng là thu hút các hội ngành, các nhà khoa học tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Liên hiệp hội. Thực hiện tốt Chỉ thị 42-CT/TW là trách nhiệm không chỉ của tổ chức Liên hiệp hội mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống hội chúng ta.

Vậy các hội ngành cần làm gì để thực hiện Chỉ thị này?

1/ Tiếp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trí thức, Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh tới vai trò, vị trí của Liên hiệp hội và các hội thành viên. Đây là một dịp để chúng ta củng cố, kiện toàn, phát triển các tổ chức hội ngành, nhất là ở các địa phương. Cần có những hình thức thích hợp để hội viên nhận thấy có lợi ích khi tham gia hội (nâng cao trình độ, công bố kết quả nghiên cứu; phổ biến kiến thức; tư vấn, phản biện, giám định; thảo luận, tranh luận khoa học và những vấn đề đang được xã hội quan tâm; trả tiền ở mức thấp hoặc không phải trả tiền khi được cấp phát tài liệu…). Các hội ngành cần thúc đẩy việc phát thẻ hội viên, nhưng không phải phát thẻ một cách tràn lan, mà nên có tiêu chí để người cầm thẻ thấy vinh dự và trách nhiệm của mình sau một thời gian hoạt động của hội viên. Muốn vậy, thẻ hội viên phải gắn liền với quyền lợi và trách nhiệm. Hội ngành cần có những hoạt động góp phần nâng cao trình độ nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, cùng với Liên hiệp hội tổ chức những hoạt động phù hợp nâng cao nhận thức chính trị cho hội viên.

2/ Sinh hoạt học thuật, theo tôi, là một hoạt động không thể thiếu đối với hội ngành. Sinh hoạt này sẽ tạo điều kiện cho hội viên nắm bắt thông tin, tạo không khí dân chủ trong hoạt động hội, nâng cao năng lực tư vấn, phản biện của các nhà khoa học.

Các hội ngành, cũng như Liên hiệp hội, còn cần phải có ý thức trách nhiệm đối với xã hội như tinh thần của Chỉ thị 42-CT/TW. Cho nên, gắn sinh hoạt học thuật với những vấn đề thực tiễn nóng bỏng cũng là một nội dung hấp dẫn trong hoạt động hội.

3/ Trong Chỉ thị 42-CT/TW, Bộ Chính trị có nêu lên nhiều nội dung quan trọng, giao cho Liên hiệp hội. Nhưng thực chất Liên hiệp hội muốn làm tốt được các nhiệm vụ đó thì phải gắn kết với các hội thành viên. Đó là:

- Đề xuất tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn như đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước… Đây là vấn đề cực kỳ lớn mà ít tổ chức có đủ điều kiện thực hiện. Bộ Chính trị đã tạo điều kiện cho Liên hiệp hội và các hội ngành chủ động tham mưu cho Đảng và Nhà nước.

- Một nội dung khác mà Bộ Chính trị trao quyền chủ động cho Liên hiệp hội và các hội thành viên: “Chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong quá trình xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các chương trình, dự án, đề án lớn về…”. Thực hiện việc tư vấn, phản biện, giám định xã hội với vai trò chủ động (chứ không chỉ theo đơn đặt hàng) có ý nghĩa nâng cao tinh thần trách nhiệm của hội đối với Đảng, Nhà nước và xã hội.

- Đi đầu trong truyền bá kiến thức KH&CN; tổ chức phong trào nhân dân sáng tạo, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Trong khi thế giới đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, với các phương tiện hiện đại, mà Liên hiệp hội và các hội ngành lại phải đi đầu trong truyền bá tri thức, thực là một vấn đề không đơn giản. Cần phải có hội thảo, trao đổi tìm ra hướng đi và biện pháp thực hiện.

- Phát huy dân chủ, tôn trọng do sáng tạo trong hoạt động KH&CN. Nhiều người tưởng rằng vấn đề này đơn giản đối với các hội. Nhưng không phải vậy, vì nhận thức về vấn đề này còn có khoảng cách, nhất là đối với các hội hay gặp phải những vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, nếu chúng ta thống nhất về nhận thức, về cách làm và tạo được bầu không khí dân chủ, có trí tuệ, có văn hóa trong sinh hoạt hội, chắc chắn sẽ có những đóng góp tích cực đối với cộng đồng và xã hội.

4/ Những vấn đề nêu trong Chỉ thị 42-CT/TW đều là những việc lớn đối với Liên hiệp hội và hội ngành. Thực hiện được các nội dung đó phải có sự nỗ lực lớn của chúng ta và có thời gian, có điều kiện, phương tiện… Chỉ thị cũng đã nêu rõ, cần sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật, các cơ chế, chính sách và Nhà nước nhằm bảo đảm kinh phí, điều kiện hoạt động cho Liên hiệp hội Việt Nam ở Trung ương và địa phương. Như vậy, có những việc các hội ngành không có khả năng thực hiện vì thiếu kinh phí và điều kiện, nhưng dưới mái nhà chung Liên hiệp hội thì lại có khả năng làm được. Cái khó là chúng ta phải phát hiện ra các việc cần làm, từ đó cần phải có báo cáo thuyết phục các cơ quan chức năng của Nhà nước để đưa vào kế hoạch, dự trù kinh phí thực hiện.

Thời gian qua, Liên hiệp hội ở Trung ương và địa phương đã có nhiều hoạt động phối hợp với các hội ngành. Chỉ thị 42-CT/TW ra đời, thúc đẩy chúng ta cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để hoạt động hội ngành càng có hiệu quả, có tiếng vang trong xã hội và Liên hiệp hội, các hội ngành ngày càng vững mạnh.

Nguyễn Hữu Tăng
In bài viết   Gửi cho bạn bè
Từ khóa :




   Tìm bài viết theo thời gian :

Cafeo28 - Hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên (CAFEO) tại Hà Nội 12/2010 Trang web vusta.vn

Một số tỉnh cho nước ngoài thuê 50 năm đất rừng đầu nguồn vùng biên giới
Ý kiến khác
 

HỘI NGHỊ KHOA HỌC SỰ SỐNG HƯỚNG TỚI ĐẠI LỄ 1000 NĂM THĂNG LONG HÀ NỘI                     Bản tin phổ biến kiến thức số 38/2010   Trang web bảo vệ gấu  


LƯỢT TRUY CẬP

  8,994,569  lượt
(284 người Online )