Trao đổi   Đa chiều
Trí thức khoa học và công nghệ với các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng (12:43:50 Ngày 26/10/2010)

 Quang cảnh buổi hội thảo đóng góp ý kiến cho văn kiện Đại hội Đảng XI tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Văn Tân
Vừa qua, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) đã tổ chức hai cuộc hội thảo khoa học tại Hà Nội (6/10/2010) và Thành phố Hồ Chí Minh (15/10/2010) nhằm tập hợp những ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Tham dự hội thảo có các đại biểu thuộc Đảng đoàn Liên hiệp hội Việt Nam, Đảng ủy cơ quan Liên hiệp hội Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương, các nhà khoa học hàng đầu trên các lĩnh vực, đại diện lãnh đạo các hội khoa học – công nghệ ngành toàn quốc, đại diện lãnh đạo một số liên hiệp hội tỉnh, thành phố, đại diện lãnh đạo các ban chức năng của cơ quan Liên hiệp hội Việt Nam. Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng, hơn 30 lượt các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã hăng hái phát biểu ý kiến về nhiều vấn đề hệ trọng trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XI của Đảng. Sau đây là một số nội dung chủ yếu đã được đề cập trong các ý kiến phát biểu tại cuộc hội thảo.

Nhiều đại biểu bày tỏ sự nhất trí cơ bản với các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, cho rằng đây là một bộ tài liệu có quy mô lớn được biên soạn công phu và sẽ đặt cơ sở quan trọng để đại hội của Đảng thảo luận sôi nổi và đề ra những quyết sách đúng đắn. Bên cạnh đó, các nhà khoa học thuộc những lĩnh vực chuyên môn khác nhau cũng nêu lên một số vấn đề cần được tiếp tục xem xét và tìm ra những giải pháp thỏa đáng.

Các dự thảo văn kiện đều bắt đầu bằng việc đánh giá tình hình đất nước trong 20, 10 và 5 năm qua. Những sự đánh giá đó là rất lạc quan, có phần quá mức đối với những thành tựu đã đạt được. Cụm từ “có ý nghĩa lịch sử” (trang 67 dòng 9 dưới lên) nên được xem xét và cân nhắc thêm. Trong khi đó, các mặt yếu kém, tiêu cực lại được thể hiện rất sơ sài, chưa nêu được những nội dung cụ thể, những vấn đề bức xúc, nhức nhối, nhất là vấn nạn tham nhũng đang làm ly tán lòng dân, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng và tạo cơ hội thuận lợi cho các thế lực thù địch tuyên truyền chống phá cách mạng.

Trong số các mặt yếu kém cần phải kể đến công tác dự báo. Do những dự báo không đầy đủ hoặc thiếu chính xác về tình hình thế giới, nước ta đã bỏ lỡ một số cơ hội hoặc không phòng tránh được kịp thời những rủi ro trong phát triển kinh tế. Những dự báo  và phát biểu công khai không đúng về tình hình và xu thế phát triển trong nước đã ảnh hưởng xấu đến một số loại thị trường, trong đó có thị trường chứng khoán.

Hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, năng lực và phẩm chất cán bộ cấp cao cần được xem xét phân tích cặn kẽ, đầy đủ. Một số dự án đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, không đạt được sự đồng thuận xã hội rộng rãi hoặc gây thất thoát khủng khiếp cho nền kinh tế quốc dân. Tình trạng buông lỏng quản lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho quan chức một số địa phương lộng hành, lập dự án xây dựng hàng chục sân gôn trên đất trồng lúa, giao cho các đối tác nước ngoài hàng chục vạn ha đất, trong đó một phần quan trọng là đất quốc phòng hoặc đất đã giao cho các doanh nghiệp trong nước.

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước là mặt tích cực chủ yếu, không thể phủ nhận thì trong thời gian qua tệ nạn tham nhũng ngày càng trở thành một thứ “giặc nội xâm” cần phải phòng chống quyết liệt. Bên cạnh nạn tham nhũng ngân sách và tài sản của Nhà nước, tệ nạn tham nhũng quyền lực tỏ ra là cái gốc của đủ loại tham nhũng. Vũ khí quan trọng nhất của bọn tham nhũng quyền lực là nạn hối lộ. Những kẻ cam tâm đưa hối lộ hôm nay sẽ là những kẻ nhẫn tâm đòi hối lộ ngày mai. Bọn tham nhũng khai thác và lợi dụng triệt để mặt trái của cơ chế thị trường, đồng thời được tiếp tay bởi những người vô trách nhiệm trước vận mệnh của đất nước, trước cảnh đói khổ, lầm than của hàng chục triệu dân lành.

Đối với giai đoạn sắp tới, vấn đề cần được tiếp tục làm rõ là khái niệm chủ nghĩa xã hội, sự khác nhau giữa chủ nghĩa xã hội và các chế độ xã hội hiện hành khác. Trong dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) (Cương lĩnh 2011) có đoạn: “Xã hội xã hội chủ nghĩa dựa trên chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” (trang 7 dòng 6 trên xuống). “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” (trang 9 dòng 7 trên xuống). Trong khi đó, thực tiễn những thập kỷ vừa qua nhiều lần cho thấy các cơ sở kinh tế nhà nước hoạt động kém hiệu quả, trở thành nơi dung dưỡng tệ vô trách nhiệm và nạn tham nhũng tràn lan, gây thất thoát khủng khiếp cho nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tập thể thì manh mún, yếu kém. Đây là một mâu thuẫn lớn, cần được nghiên cứu lý giải và từng bước khắc phục.

Dưới ánh sáng của đường lối đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã xóa bỏ chế độ tập trung, quan liêu, bao cấp và chuyển sang nền kinh tế thị trường. Chủ nghĩa xã hội và nền kinh tế thị trường vốn đã từng được coi là xa lạ và khác biệt, thậm chí có những yếu tố đối lập. Một trong những định hướng lớn được khẳng định trong Cương lĩnh 2011 là “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (trang 9 dòng 1 trên xuống). Sự kết hợp giữa hai phạm trù chủ nghĩa xã hội và nền kinh tế thị trường là một hiện tượng mới lạ, chưa hề có tiền lệ. Một mặt, nó đòi hỏi phải thời sự hóa quan niệm về chủ nghĩa xã hội, làm cho nó phù hợp với tình hình thực tiễn ngày nay đã biến đổi. Mặt khác, nền kinh tế thị trường cũng cần được xem xét, nghiên cứu và phát triển, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực, sao cho nó đáp ứng được những yêu cầu của thời đại, đồng thời không để cho bọn tham nhũng lợi dụng. Đó là một công việc cực kỳ phức tạp và khó khăn, cả trong công tác lý luận cũng như trong hoạt động thực tiễn và sẽ còn là một quá trình học tập, thể nghiệm, đúc kết, vận dụng lâu dài. Trong quá trình đó, mỗi một bước đi, mỗi một lĩnh vực hoạt động, ở từng địa phương và trong cả nước đều phải phấn đấu theo hướng thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước manh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 (Chiến lược 2011 – 2020), vấn đề “hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” được đề cập trùng lặp nhiều lần tại các mục “Mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường” (mục III, 2, a, tr 27, dòng 4 dưới lên), “Các khâu đột phá” (mục III, 3, 1, trang 29 dòng 7 dưới lên), “Định hướng phát triển, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế” (mục IV, 1, trang 30, dòng 3 trên xuống). Tuy nhiên, dự thảo văn kiện chưa trình bày được tường minh yếu tố “định hướng xã hội chủ nghĩa”, chưa thể hiện được mặt tích cực của chủ nghĩa xã hội có thể làm cơ sở cho sự định hướng nền kinh tế thị trường và mặt tiêu cực của mô hình cũ của chủ nghĩa xã hội mà hiện nay không còn phù hợp nữa.

Dự thảo Chiến lược 2011 – 2020 và Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (Báo cáo chính trị) đã nêu ra được nhiều chỉ tiêu chủ yếu. Tuy nhiên một số chỉ tiêu như tổng sản phẩm trong nước (GDP), vốn đầu tư, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước… là quá cao. Các chỉ tiêu về thay đổi cơ cấu kinh tế chưa chính xác, cần được tiếp tục cân nhắc thêm. Vấn đề phát triển dịch vụ cần được trình bày chi tiết hơn, nhất là về loại hình và chất lượng dịch vụ, trong đó có dịch vụ truyền thống và dịch vụ hiện đại.

Với những thành tựu thu được trong thời gian qua, nền kinh tế nước ta đã đạt tới giới hạn trên của sự phát triển theo chiều rộng. Sắp tới đây, con đường tất yếu của nền kinh tế, từ khu vực công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ, từ các thành phố và khu công nghiệp đến các vùng nông thôn và cả một số địa bàn miền núi là phải từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu kết hợp hợp lý với những yếu tố phát triển theo chiều rộng vẫn còn cần thiết hoặc chưa đủ điều kiện thay thế. Đó là sự phát triển bằng khoa học và công nghệ là chủ yếu, từng bước phát triển những yếu tố của kinh tế thị trường phù hợp với hoàn cảnh của nước ta, coi trọng phát triển xanh.

Trong dự thảo Chiến lược 2011 – 2020, khái niệm kinh tế tri thức lại được đề cập ở vị trí trang trọng. Đó là một điều đúng đắn và đáng mừng vì nó phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, tạo điều kiện phát huy lợi thế và thúc đẩy sự phát triển của nước ta. Tuy nhiên, khái niệm đó còn mới mẻ với số đông đảng viên và nhân dân, sẽ được nhận thức thống nhất hơn và có sức thuyết phục cao hơn, nếu như dự thảo văn kiện xác định rõ nội hàm, nêu ra được các giải pháp, các điều kiện và lộ trình tiến tới trình độ phát triển đó. Trong quá trình xây dựng nền kinh tế tri thức, sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ giữ vị trí then chốt, cần được đặc biệt quan tâm. Một trong những giải pháp chủ yếu là đầu tư thích đáng cho việc phát hiện, bồi dưỡng, tin tưởng và trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện cho họ có đủ sức tiếp thu và sáng tạo công nghệ, giải quyết thành công các vấn đề trong nước và trao đổi công nghệ với nước ngoài. Một khi đã thực sự quý trọng trí thức thì liệu chúng ta đã sẵn sàng nhường chỗ và dành những điều kiện thuận lợi đặc biệt cho các bậc hiền tài mà ông cha ta đã từng suy tôn là nguyên khí của quốc gia hay chưa?

Hiện nay, nước ta đã trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản và cả một số khoáng sản, trong đó có những sản phẩm độc đáo, đặc trưng cho vùng nhiệt đới. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng của ta chỉ mới được xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô, chưa qua chế biến, giá trị gia tăng thấp,  sức cạnh tranh hạn chế. Trong đó, về một số phương diện, nước ta được thiên nhiên ưu đãi, nhân công dồi dào, tiềm năng trí tuệ phong phú. Tình hình đó đòi hỏi và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nước ta chuyển mạnh sang công nghiệp chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ sinh học, tạo ra những sản phẩm mới với chất lượng cao và mẫu mã cải tiến, nâng cao sức cạnh tranh ngay tại sân nhà và vươn ra thế giới. Việc lựa chọn hợp lý, tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống còn tiềm năng, mở mang các thị trường mới nhiều triển vọng nên được coi là một trong những khâu chủ yếu trong chiến lược phát triển của nước ta trong những năm tới. Cuối trang 36 (dòng 5 dưới lên) có ghi: “Xây dựng hồ chứa nước và phát triển thủy lợi nhỏ kết hợp thủy điện”. Đây là một chủ trương đúng đắn với điều kiện là không được để cho dân lành vô tội phải bị chết đuối oan uổng do các hồ chứa nước, từng cái một, thi nhau đồng loạt thả sức “xả lũ đúng quy trình”!. Đồng thời các công trình đó phải đảm bảo an toàn môi trường sống cho các thế hệ mai sau.

Đất đai là tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên để lại, là nguồn lực vô giá của sự trường tồn và phát triển của quốc gia. Đặc biệt, đất châu thổ các con sông, trước hết là sông Hồng và sông Cửu Long, là cái nôi của nền sản xuất và nền văn minh lúa nước, là nơi cư trú, sinh sống và phát triển của dân tộc Việt Nam từ hàng nghìn năm, hàng vạn năm nay. Chính nơi đây đang tạo ra mỗi năm hàng chục triệu tấn lương thực, đảm bảo nuôi sống hơn 85 triệu người con Lạc, cháu Hồng và đưa nước ta lên hàng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo. Trước hiểm họa do biến đổi khí hậu và nước biển dâng mang lại, diện tích đất lúa sẽ ngày càng bị thu hẹp và càng trở nên quý hiếm. Nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực cho gần 100 triệu miệng ăn và tranh thủ lợi thế xuất khẩu đòi hỏi vấn đề sử dụng đất lúa cần được hết sức coi trọng, cần được nhân dân thảo luận rộng rãi và Quốc hội xem xét thấu đáo. Việc lạm dụng chức quyền để đưa ra các chủ trương, kế hoạch, dự án xâm hại đất lúa một cách phung phí, vô trách nhiệm, trong đó có hàng chục sân gôn, cần bị phê phán, lên án nghiêm khắc và xử lý nghiêm minh.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước, góp phần chủ yếu vào việc đảm bảo an ninh lương thực và đưa nước ta lên vị trí thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo. Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ồ ạt đã biến nhiều vùng đất trồng lúa và cây công nghiệp thành các khu công nghiệp và cả các sân chơi gôn (!). Trong khi đó, dân số không ngừng tăng cao và nạn di dân vô tổ chức còn khá phổ biến. Các hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang thu hẹp dần diện tích canh tác, đặc biệt là đất lúa. Diện tích canh tác giảm, dân số lại tăng làm cho mật độ dân năm sau cao hơn năm trước. Nước biển dâng cao và xâm nhập sâu vào đồng ruộng, trong khi nước thượng nguồn sông Cửu Long lại bị ngăn chặn, cho nên chất lượng nước ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ thay đổi bất lợi cho cây lúa. Ngay từ bây giờ, chiến lược 2011 – 2020 đã phải tính đến khả năng tới một lúc nào đó, nước ta không còn dư thừa, mà có thể thiếu lương thực. Trước hết, cần quản lý chặt chẽ và sử dụng hợp lý quỹ đất, hạn chế sử dụng đất canh tác, đặc biệt là đất lúa vào các mục đích phi nông nghiệp. Thứ hai, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu cải tạo giống, chọn lọc và đưa vào sử dụng các giống lúa thích nghi dần với môi trường nước đã thay đổi thành phần và chất lượng. Thứ ba, cần chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cây trồng sao cho phù hợp với những điều kiện mới. Thứ tư, cần nghiên cứu phát triển nuôi trồng thủy sản bằng các biện pháp tận dụng chất lượng của môi trường nước, đồng thời đảm bảo được an toàn cho các cơ sở sản xuất – Thứ năm, cần chú trọng phát triển các cơ sở hạ tầng kỹ thuật các công trình xây dựng thích hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Sau nữa, cần lập quy hoạch và từng bước xây dựng các công trình chứa nước phục vụ cho đời sống và sản xuất.

Với quy mô rộng lớn cũng như đặc điểm và tiềm năng phong phú, đa dạng, các vùng biển đảo của nước ta có vị trí chiến lược và ý nghĩa to lớn về kinh tế, an ninh và quốc phòng. Vì vậy, phát triển kinh tế - xã hội các vùng biển đảo cần được đặc biệt quan tâm. Vừa qua, Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ra Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Nhưng các nguồn lực đầu tư chưa tương xứng và hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết còn rất hạn chế. Trong dự thảo Chiến lược 2011 – 2020, vấn đề này được đề cập một cách dàn trải. Vị trí và ý nghĩa của các vùng biển, đảo, kinh tế duyên hải và kinh tế địa phương, đòi hỏi cần có một mục riêng với những nội dung tập trung và đậm nét hơn.

Trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng, ví dụ như Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ Hai khóa VIII (24 – 12 – 1996), khoa học và công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu, là then chốt, là nền tảng và động lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong khi khẳng định vị trí, vai trò của khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, trong dự thảo chiến lược 2011 – 2020 chưa chú trọng đầu tư các lĩnh vực khoa học xã hội. Với nhiệm vụ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, dự báo tình hình, cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách, các lĩnh vực khoa học xã hội cần đi trước, đón đầu. Cần coi trọng các công trình nghiên cứu cơ bản gắn với nghiên cứu ứng dụng, trong đó nổi bật lên là việc làm rõ khái niệm chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta…

Đảng ta nhiều lần khẳng định rằng giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thế nhưng, hiện nay sự nghiệp giáo dục đang bộc lộ quá nhiều mặt yếu kém, bất cập, trong đó nổi bật lên là các hiện tượng thương mại hóa giáo dục phổ biến tràn lan. Thậm chí có cả quan chức giáo dục cấp cao, núp bóng cơ chế thị trường, đã phát biểu coi giáo dục là hàng hóa. Tình hình đó đòi hỏi không chỉ “đổi mới toàn diện và mạnh mẽ giáo dục và đào tạo” (trang 11, từ dòng 7 trên xuống) mà phải tiến hành một cuộc cải cách giáo dục toàn diện, sâu sắc và triệt để, như đã được khẳng định trong nghị quyết các kỳ Đại hội gần đây của Đảng. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu là cần phải nghiên cứu sâu sắc hơn về triết lý giáo dục Việt Nam, mục tiêu đào tạo, hệ thống giáo dục, nội dung và phương pháp giáo dục, chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, thiết bị dạy học và đặc biệt là công tác quản lý giáo dục các cấp. Đã nói đến mục tiêu “phát triển toàn diện” thì không nên và không cần phải liệt kê “về trí tuệ, đạo đức, thể chất” (trang 29 dòng 8 trên xuống), vì vừa thừa lại vừa thiếu. Nhà nước nên miễn học phí cho các cháu ở nhà trẻ và mẫu giáo. Bậc học trung học phổ thông cần được quan tâm đầy đủ hơn nữa. Ở đây nổi lên hai điều thiết yếu là nghiên cứu vấn đề phân ban kết hợp với hướng học để chuẩn bị cho học sinh đi vào các trường đại học, cao đẳng và nghiên cứu vấn đề kết hợp giáo dục trung học phổ thông với hướng nghiệp và dạy nghề để chuẩn bị cho thanh niên đi vào lao động sản xuất. Tình trạng lạm phát đại học, ganh đua giữa các địa phương, chạy theo số lượng, bất kể đội ngũ cán bộ giảng dạy vừa yếu, vừa thiếu, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn đã dẫn đến chất lượng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của xã hội và thị trường lao động. Đây là nguy cơ hạn chế sự phát triển của đất nước ta cũng như làm giảm khả năng cạnh tranh và hội nhập của nền kinh tế nước ta trong thời gian tới.

Dân chủ là khát vọng của nhân dân ta từ bao đời nay và là xu thế không thể cưỡng nổi, cả trên trường quốc tế và ở trong nước. Vì vậy, việc chuyển dịch nội dung “dân chủ” lên phía trước là đúng đắn. Tuy nhiên cần xem xét thêm vấn đề “không tổ chức hội đồng nhân dân ở huyện, quận, phường”. Đây là một vấn đề lớn, làm thay đổi hẳn tập quán đã có từ mấy chục năm nay và có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền dân chủ của công dân ở địa phương. Việc khẳng định chủ trương này cần dựa trên cơ sở phân tích toàn diện và sâu sắc tình hình thực tế, đánh giá kết quả của cuộc thử nghiệm đã tiến hành trong thời gian qua, nhưng chưa tổng kết, và ý kiến của đông đảo cán bộ và nhân dân các địa phương trong cả nước. Trước mắt chỉ nên “tiếp tục thực hiện thí điểm việc không tổ chức hội đồng nhân dân ở huyện, quận, phường”.

Một lần nữa, dự thảo Chiến lược 2011 – 2020 lại nêu lên vấn đề “Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” (trang 48 dòng 13 dưới lên) như là một “bài ca truyền thống” khó thấy hồi kết. Đến nay không gì có thể che đậy được những tội ác và tác hại ghê gớm mà bọn tham nhũng đã gây ra cho đất nước mới vừa thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, mới đạt được mức phát triển trung bình, đang còn hàng ngày, hàng giờ phải gồng mình lên chống chọi với thiên tai, địch họa. Có người đặt vấn đề đối tượng cách mạng là ai? Phải chăng trong giai đoạn hiện nay, một trong những đối tượng của cách mạng là bè lũ tham nhũng, những kẻ đang tìm cách lợi dụng cách mạng để làm hại cách mạng. Chúng len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, ở mọi cấp, tại mọi địa phương, từ trong Đảng ra xã hội. Hầu như ở bất cứ đâu có ngân sách và tài sản nhà nước là ở đó có tham nhũng, lãng phí với những mức độ khác nhau. Các đại biểu đều khẳng định là phải có chức, có quyền thì mới tham nhũng được. Quyền càng cao, chức càng trọng thì bọn tham nhũng gây ra những thiệt hại càng lớn cho dân, cho nước, kể cả ở những nơi đồng bào phải chịu cảnh màn trời, chiếu đất do lũ lụt, thiên tai gây ra. Trước hết nạn tham nhũng xẩy ra là do một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, thoái hóa, biến chất, chạy theo lối sống thực dụng, sa đọa. Nó cũng là hệ quả của mặt trái của kinh tế thị trường mà bọn tham nhũng tìm mọi cách lợi dụng. Tham nhũng còn phản ánh thói vô trách nhiệm hay đồng lõa của một số cán bộ lãnh đạo các cấp. Cơ chế, chính sách còn nhiều khe hở, mức lương quá thấp, không đủ nuôi sống người lao động cũng là những cái cớ được bọn tham nhũng viện dẫn để biện bạch cho tội lỗi của chúng. Trong dự thảo Chiến lược 2011 – 2020, nội dung cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí còn sơ sài, chưa kiên quyết đúng mức. Cần phải vạch mặt, chỉ tên những kẻ tham nhũng là bọn sâu mọt đục khoét của công. Chúng cần bị coi là “thù trong” nguy hiểm không kém “giặc ngoài” và cần bị xử lý nghiêm minh. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần được tiến hành quyết liệt, triệt để, nghiêm túc, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Trước hết các quan chức giữ cương vị càng cao thì càng phải có tinh thần trách nhiệm đối với tài sản quốc gia, càng phải gương mẫu trong việc minh bạch hóa thu nhập và tài sản cá nhân, trong việc phòng chống tệ nạn tham nhũng quyền lực. Những kẻ tham nhũng, dù ở cấp bậc nào, đều cần bị trừng trị nghiêm minh bằng những hình phạt phù hợp với tội ác do chúng gây ra, giống như những tên giặc ngoại xâm. Đất nước tiếp tục phát triển ra sao, đời sống vật chất và tinh thần của con Lạc cháu Hồng sẽ thế nào, điều đó tùy thuộc một phần quan trọng vào thành công của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Kết quả tích cực của cuộc đấu tranh đó sẽ là tiền đề cho sự khôi phục uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho sự công bằng và đồng thuận xã hội, cho sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và cho tiền đồ của cách mạng Việt Nam.

Trên đây là những ý kiến về một số vấn đề chính yếu được nêu lên trong thời gian hạn hẹp. Phần lớn các đại biểu đề xuất kiến nghị nên tổ chức các buổi thảo luận hẹp về một số chuyên đề để có thể tập hợp được những ý kiến đầy đủ hơn, chi tiết và sâu sắc hơn. Các đại biểu cũng mong muốn các tác giả của bộ dự thảo văn kiện tham dự các cuộc hội thảo đó để có thể trực tiếp chứng kiến, ghi nhận tâm huyết, tinh thần và lời văn ý kiến của các nhà khoa học và công nghệ, không cần phải phản ánh gián tiếp qua trung gian hoặc các bản tổng hợp ý kiến.

Thanh Tùng (tổng hợp)
In bài viết   Gửi cho bạn bè
Từ khóa :




   Tìm bài viết theo thời gian :

Cafeo28 - Hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên (CAFEO) tại Hà Nội 12/2010 Trang web vusta.vn

Một số tỉnh cho nước ngoài thuê 50 năm đất rừng đầu nguồn vùng biên giới
Ý kiến khác
 

HỘI NGHỊ KHOA HỌC SỰ SỐNG HƯỚNG TỚI ĐẠI LỄ 1000 NĂM THĂNG LONG HÀ NỘI                     Bản tin phổ biến kiến thức số 38/2010   Trang web bảo vệ gấu  


LƯỢT TRUY CẬP

  8,994,329  lượt
(266 người Online )