Vi tính   Kinh nghiệm
Xin-ga-po: Những đột phá về chính phủ điiện tử (12:30:31 Ngày 13/09/2010)
Đứng trước những thách thức trên phạm vi toàn cầu về vấn đề cạnh tranh quốc tế và kinh tế tri thức, chính phủ của nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới đều coi chính phủ điện tử là chiến lược phát triển được ưu tiên hàng đầu. Xin-ga-po là một trong những nước điển hình trong số đó, và quốc gia này đã thực sự gặt hái được những thành tựu lớn lao…

Xin-ga-po bắt đầu xây dựng chính phủ điện tử từ những năm 80 của thế kỷ trước, trải qua rất nhiều giai đoạn, đến nay đã có những thành công vượt bậc. Trong Bản báo cáo kỹ thuật IT toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số chính phủ điện tử của Xin-ga-po liên tục 5 năm liền (từ năm 2002 đến năm 2006) được sắp xếp ở vị trí đầu tiên.

Quá trình phát triển chính phủ điện tử

Đầu thập kỷ 80 thế kỷ XX, Xin-ga-po bắt đầu phát triển chính phủ điện tử. Trải qua gần 30 năm phát triển, chính phủ điện tử ở Xin-ga-po đã gặt hái được nhiều thành tựu lớn lao. Vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX, Chính phủ Xin-ga-po bắt đầu hình thành tổ chức quản lý ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) có tên là Ủy ban máy tính quốc gia, đây là cơ quan chính phủ được giao nhiệm vụ đẩy mạnh mọi hoạt động ứng dụng CNTT trong chính phủ. Chặng đường xây dựng chính phủ điện tử ở Xin-ga-po có thể chia ra làm ba giai đoạn :

Giai đoạn cất bước (1992-1999)

Lấy “kế hoạch IT 2000” làm mục tiêu, xây dựng Xin-ga-po thành một “hòn đảo thông minh”. Năm 1996, Xin-ga-po đã đầu tư 82 triệu USD để xây dựng mạng lưới băng thông rộng quốc gia đầu tiên trên thế giới mang tên Xin-ga-po One (mạng lưới của mọi người dân). Mạng lưới như một dây thần kinh xương sống của quốc đảo, cấu trúc bao gồm 7 tầng: mạng NII và tầng trạm, cung cấp máy tính và quản lý, tầng dịch vụ cơ bản, tầng các dịch vụ công cộng, tầng các dịch vụ ứng dụng, tầng quản lý hệ thống và an ninh, tầng giao diện con người và môi trường.

Giai đoạn liên kết (2000-2006)

Xin-ga-po chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp và người dân, tạo ra một kết nối gần gũi và thân thiết hơn giữa họ với chính phủ để cung cấp cho họ nhiều dịch vụ thích hợp hơn. Thông qua việc thực hiện các chương trình như Chương trình thông tin thế kỷ XXI (2003-2006), Xin-ga-po đã mở cửa hoàn toàn thị trường thông tin, coi phát triển thông tin là động lực chủ yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao tố chất người dân. Mục tiêu của Xin-ga-po đến năm 2006 là 90% người sử dụng hài lòng với chất lượng các dịch vụ điện tử. Thông qua giai đoạn này, Xin-ga-po đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để có thể tiến hành được nhiều cải tiến tốt hơn và người dân Xin-ga-po sẽ có được nhiều dịch vụ được riêng biệt hoá để phù hợp với nhu cầu riêng của mỗi cá nhân.

Giai đoạn phát triển

Trong giai đoạn 2007-2015, Xin-ga-po triển khai Chương trình IN2015 ( Quốc gia thông minh 2015 – Intelligent Nation 2015). IN2015 được thực hiện bởi sự điều hành chung của Cơ quan Phát triển công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT) Xin-ga-po cùng với những nỗ lực thực hiện kết hợp giữa các khu vực tư nhân, nhà nước và cá nhân. IN2015 là kế hoạch chi tiết nhằm định hướng cho Xin-ga-po chuyển mình thành một thành phố toàn cầu, để cả thế giới biết đến như là một thành phố tập hợp của công nghệ, hạ tầng, doanh nghiệp và nhân lực.

Qua quá trình phát triển trên có thể thấy, chính phủ điện tử ở Xin-ga-po đã đạt được sự phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, pháp luật, kỹ thuật. Hiện nay, công tác xây dựng các website chính phủ điện tử của Xin-ga-po đã khá hoàn thiện. Hệ thống chính phủ điện tử của Xin-ga-po hoàn toàn do nhà nước kiểm soát, theo thông kê, mỗi năm chính phủ điện tử có thể giúp chính phủ Xin-ga-po tiết kiệm 23 triệu USD chi phí hành chính; Không những tiết kiệm được sức người, sức của, mà còn nâng cao tính minh bạch cho công tác của chính phủ.

Hiện nay, người dân Xin-ga-po đã có thể tiếp cận được với khoảng 1.600 dịch vụ công cơ bản mà chỉ cần thông qua 1 cổng duy nhất và sử dụng một mật khẩu và ID duy nhất chung cho tất cả các dịch vụ. Điều này đã khiến quốc đảo sư tử trở thành một trong những quốc gia đứng ở tốp đầu thế giới về xếp hạng chính phủ điện tử…

Những thành tựu quan trọng

Các website của Chính phủ Xin-ga-po có chức năng rất lớn, bao hàm những nội dung phong phú. Thông qua cổng giao tiếp Công dân điện tử của Chính phủ Xin-ga-po (www.ecitizen.gov.sg), người dân Xin-ga-po có thể truy cập tới 1.600 dịch vụ bao gồm kinh doanh, y tế, giáo dục, giải trí, việc làm và gia đình… Trong đó, 1.300 dịch vụ điện tử đã được giao dich trực tuyến giữa người dân với chính phủ. Cổng giao tiếp Công dân điện tử được chia theo từng danh mục dựa trên nhu cầu thực tế cuộc sống của từng cá nhân, trong đó các Bộ và Ủy ban cung cấp dịch vụ điện tử thông qua cùng một cổng. Qua đó, người dân Xin-ga-po có thể truy cập một cửa đến các dịch vụ của chính phủ, giúp cho họ không phải qua nhiều thủ tục hành chính. Một vài dịch vụ điện tử thông dụng nhất thường được cung cấp là: nộp đơn xin mua nhà, tìm kiếm thông tin về các trường học, tìm kiếm việc làm, phát triển nghề nghiệp và đăng ký bầu cử. Người dân Xin-ga-po có thể giao tiếp với chính phủ của mình vào bất kỳ thời điểm nào và bất kỳ địa điểm nào trên thế giới.

Lấy nhu cầu làm định hướng

Đối với ba nhóm đối tượng chính: Doanh nghiệp, công dân và người nước ngoài, các website của Chính phủ Xin-ga-po luôn mở ba cổng chính, cung cấp các dịch vụ theo từng đối tượng.

Cổng dành cho doanh nghiệp: Thông qua cổng này, các doanh nghiệp Xin-ga-po có thể nắm bắt được các thông tin như đăng ký thành lập công ty, tuyển dụng, nộp thuế, xuất khẩu, bỏ thầu qua mạng, đăng ký nhãn hiệu độc quyền, thống kê…

Cổng dành cho Công dân Xin-ga-po: Thông qua cổng công dân, công dân Xin-ga-po có thế nhanh chóng nắm bắt được các thông tin và dịch vụ gần gũi với đời sống của mình, như sức khỏe, việc làm, bảo vệ quyền lợi, nộp thuế qua mạng, du lịch, cư trú…

Cổng dành cho người nước ngoài: Tại đây, người nước ngoài sinh sống tại Xin-ga-po như du học sinh, thương nhân, khách du lịch, công nhân… có thề tìm kiếm được các thông tin cần thiết. Cổng này không những cung cấp các dịch vụ thông tin nhanh chóng cho người nước ngoài, mà còn là con đường quan trọng để tuyên truyền các chính sách ưu đãi, các thế mạnh của Xin-ga-po, tăng sức cạnh tranh quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và nhân tài người nước ngoài… vào Xin-ga-po.

Thành lập cơ quan chuyên trách, quy hoạch thống nhất

Chính phủ Xin-ga-po đã thành lập Cục Quản lý phát triển thông tin tư vấn chuyên trách, phục trách phát triển, điều hành tổng thể chính phủ điện tử. Ngoài ra, Chính phủ Xin-ga-po còn thành lập Ủy ban hành động điện tử thương mại quốc gia liên ngành do các Cục, các Ban ngành cùng tham gia, phụ trách điều hành và thúc đẩy thực hiện các mục tiêu kinh tế điện tử, chính phủ điện tử và xã hội điện tử.

Nâng cao tố chất cho người dân

Chính phủ Xin-ga-po rất chú trọng công tác giáo dục tố chất cho công dân, đầu tư cho hoạt động giáo dục, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao trình độ và kỹ năng tin học cho người dân. Điều này đã đặt nền tảng vững chắc cho công tác phát triển chính phủ điện tử ở quốc gia này.

Chú trọng bảo vệ về mặt pháp lý

Năm 1998, Chính phủ Xin-ga-po đã tiến hành bổ sung cho Luật lạm dụng máy vi tính ban hành năm 1993, tăng thêm ba tội danh mới là “hành vi can thiệp hoặc gây trở ngại cho việc sử dụng hợp pháp”, “xâm nhập vào hệ thống máy vi tính để gây án trong cả hai tình huống được giao quyền và không được giao quyền”, và “làm lộ password truy cập, kiếm lời phi pháp gây thiệt hại cho người khác”. Song song với đó, Chính phủ Xin-ga-po còn ban hành các cuốn sách như Hướng dẫn an toàn thông tin, Hướng dẫn an toàn chứng nhận điện tử, đảm bảo về mặt pháp lý cho sự phát triển của chính phủ điện tử và thương mại điện tử.

Trần Quốc Dũng - Hồ sơ sự kiện , số 59/2009, tr. 30-32
In bài viết   Gửi cho bạn bè
Từ khóa : Singapo ; Công nghệ thông tin ; Dịch vụ điện tử ; Chính phủ điện tử ;




   Tìm bài viết theo thời gian :

Cafeo28 - Hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên (CAFEO) tại Hà Nội 12/2010 Trang web vusta.vn

Một số tỉnh cho nước ngoài thuê 50 năm đất rừng đầu nguồn vùng biên giới
Ý kiến khác
 

HỘI NGHỊ KHOA HỌC SỰ SỐNG HƯỚNG TỚI ĐẠI LỄ 1000 NĂM THĂNG LONG HÀ NỘI                     Bản tin phổ biến kiến thức số 39/2010   Trang web bảo vệ gấu  


LƯỢT TRUY CẬP

  9,036,042  lượt
(360 người Online )