Cần có sự tham gia của người dân vào sửa đổi Hiến pháp (00:00:00 Ngày 10/08/2010) |
![]() Toàn cảnh Hội thảo
Trong 2 ngày 3 và 4 tháng 8 năm 2010, tại TP. Đà Nẵng Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam (VUSTA) phối hợp Viện nghiên cứu lập pháp tập hợp các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam tại Hội thảo “Xây dựng tiêu chí, phương pháp tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992”.
|
Tham dự, phía Quốc hội có ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch; ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp. Phía Liên hiệp hội Việt Nam có PGS.TS Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch thường trực cùng đông đảo các nhà khoa học của cả hai bên. Ngoài ra, đến dự có các đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Trị, TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi. Khai mạc Hội thảo, ông Uông Chu Lưu cho rằng trong lúc toàn Đảng, toàn dân chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bổ sung phát triển Cương lĩnh 1991 về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và trong bối cảnh toàn cầu hóa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ... sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Hiến pháp 1992 trở thành nhu cầu tất yếu khách quan. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu dự Hội thảo làm rõ cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý của việc xây dựng tiêu chí và tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992. Phát biểu với Hội thảo, PGS.TS Hồ Uy Liêm đề nghị các nhà khoa học, trong bối cảnh cả nước học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu kỹ quá trình xây dựng Hiến pháp 1946 như một kinh nghiệm cho nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992. Diễn giả đầu tiên là nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, TS. Nguyễn Đình Lộc, cho rằng Việt Nam có truyền thống lập pháp, Tờ trình của Thái thú Tô Định với vua Hán về việc đánh Hai Bà Trưng có nói Luật Việt Nam khác Luật Hán. Trong lịch sử, Việt Nam đã có nhiều bộ luật nổi tiếng như Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long. Năm 1946, nước Việt Nam mới có Hiến pháp đầu tiên và thường được gọi là Hiến pháp 1946, sau đó là các Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992. Ông Lộc băn khoăn vì sao từ 1946 đến 1992, Việt Nam có tới 4 hiến pháp, không kể những lần thay đổi ? Nước Mỹ trong hơn 200 chỉ có 1 hiến pháp. Ông Lộc đặt câu hỏi khái niệm hiến pháp nên được hiểu như thế nào ? Nên sửa Hiến pháp như thế nào ? Tại sao nước Mỹ không sửa Hiến pháp mà chỉ bổ sung ? Nay chúng ta sửa Hiến pháp 1992 như thế nào ? Theo ông Lộc, dù lần thay đổi nào cũng có giải thích do tình hình đất nước phát triển đến giai đoạn mới nên phải có Hiến pháp mới, nhưng “ có thật do yếu tố thời đại hay yếu tố chủ quan của thế hệ lãnh đạo ?“. GS. Trần Ngọc Đường thì đi sâu vào phương pháp tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992. Theo ông Đường tổng kết việc thi hành hiến pháp là việc làm khó vì hiến pháp là đạo luật gốc và vì cần phải xem xét việc thi hành hiến pháp ở nhiều góc độ. Phải xem xét tính thống nhất và chỉ đạo của Hiến pháp 1992 với hệ thống pháp luật như thế nào nhằm đảm bảo tính chỉ đạo của một văn kiện gốc. Theo kinh nghiệm của các nước, Hiến pháp là đạo luật gốc, là khung pháp lý chung, là khế ước giữa một bên là nhân dân, chủ thể cao nhất của quyền lực nhà nước, còn bên kia là nhà nước được nhân dân giao những quyền cụ thể. Ông Đường đề nghị cần làm rõ sự kế thừa và phát triển của Hiến pháp 1992 đối với các hiến pháp trước đó; cần xem xét tính thống nhất chỉ đạo của Hiến pháp 1992 đối với các bộ luật; khi tổng kết cần xem xét cả nội dung và cách thể hiện của Hiến pháp làm sao để Hiến pháp có sức sống lâu dài. GS. Đào Trí Úc đưa ra nhận thức về Hiến pháp là văn bản mang tính xã hội, là khế ước xã hội. Hiến pháp thường ra đời tại những thời điểm mang tính bước ngoặt của đất nước, Hiến pháp là văn bản lập quốc. Theo ông, Hiến pháp là văn kiện có tính giai cấp nhưng phải dung hòa được các lợi ích, tạo cơ sở cho sự đồng thuận xã hội, phải thu hút người dân vào quá trình xây dựng hoặc sửa đổi hiến pháp. PGS Đinh Ngọc Vượng băn khoăn Hiến pháp do Quốc hội biểu quyết vậy người dân thể hiện một cách thực chất (không hình thức) quyền của mình như thế nào ? Phản bác lại một số ý kiến cho rằng do dân trí nước ta thấp, không nên trưng cầu dân ý Hiến pháp, ông Vượng bức xúc “chính người dân là cử tri đã sáng suốt bầu ra các đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân đó thôi. Tại sao khi bàn về Hiến pháp thì lại cho rằng người dân chưa đủ trình độ ?”. Ông Vượng đề nghị nên nghiên cứu kỹ cả nội dung, hình thức trình bày và quá trình xây dựng Hiến pháp 1946 như một kinh nghiệm tốt cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992, “cần ban hành một hiến pháp hiện thực trong cuộc sống chứ không phải ra một hiến pháp “đẹp” về mặt văn bản”. Hiến pháp là đạo luật gốc nên chỉ quy định những gì mang tính nguyên tắc, không nên dàn trải. “Hiến pháp phải ổn định, cái gì mang tính nhất thời, nhiệm kỳ thì nên bỏ ra, những gì chưa chín muồi thì không nên thể hiện”. Hiến pháp phải mang tính nhân văn, phải “thể hiện được những giá trị lớn mà tất cả mọi người, mọi tổ chức, mọi thiết chế đều hướng tới công bằng, bình đẳng, dân chủ, bác ái, tiến bộ, tự do. Không thể lấy quyền lực chế ngự những giá trị đó, để hạn chế tự do của con người” GS. Lê Minh Tâm đề nghị. Ông cũng đề nghị khi tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 phải trả lời được 5 câu hỏi là Trúng chưa ? Đúng chưa ? Đầy đủ chưa ? Hợp lý chưa ? Có dễ tiếp cận không ? Hiến pháp phải bao quát hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. TS. Nguyễn Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì cho rằng, Hiến pháp hiện hành còn chưa thể hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền của Đảng. “Hiến pháp quy định quyền lực nhà nước là thống nhất, có phân công và phối hợp trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp...nhưng cơ quan nào là lập pháp, cơ quan nào là hành pháp và cơ quan nào là tư pháp thì Hiến pháp vẫn chưa quy định”. Nhớ lại lần bổ sung, sửa đổi năm 2001, nhiều điểm bất cập trong Hiến pháp 1992 trong việc tổ chức các cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp đã được chỉ rõ, nhưng “tiếc là bị gác lại, vì tại thời điểm đó chỉ tập trung những vấn đề đã đạt sự đồng thuận”. Ông Khiển băn khoăn không biết bao giờ những vấn đề cốt lõi về thể chế nhà nước, về tổ chức Chính phủ mới được xem xét sửa đổi, bởi dường như lần sửa đổi tới đây chỉ giới hạn ở hai điều 112 và 114 liên quan đến việc tổ chức bầu ĐBQH và HĐND cùng một ngày, cũng như việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Theo Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu, do liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nên Hiến pháp sửa đổi cần phát triển đầy đủ nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước trong Hiến pháp 1992 theo hướng quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ việc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước theo nguyên lý Quốc hội là cơ quan lập pháp, Chính phủ là cơ quan hành pháp và Tòa án là cơ quan tư pháp. Tất cả các cơ quan này đều là cơ quan trực tiếp thực hiện quyền lực Nhà nước do nhân dân giao phó, ủy quyền trực tiếp qua Hiến pháp. PGS. Trương Đắc Linh viện dẫn hàng loạt hiến pháp của các nước trên thế giới và đề nghị sẽ sửa đổi cả lời nói đầu của Hiến pháp, bởi chẳng hiến pháp nào có lời nói đầu dài như của ta. Về việc bỏ HĐND quận, huyện, phường, PGS Linh cho rằng phải bàn vấn đề cốt lõi với chính quyền địa phương, "về lâu dài, phải nghiên cứu chuyển sang tự quản địa phương, bởi trước đây ta theo mô hình Xôviết nhưng mô hình này đã không còn tồn tại trên chính quê hương của nó. Nga theo mô hình tự quản địa phương, Trung Quốc cũng đã chuyển sang mô hình tự quản địa phương, thí điểm ở cấp xã rồi. Ngay Liên hợp quốc cũng đang dự thảo Hiến chương về vấn đề này, không lẽ ta không tham gia Hiến chương LHQ?". Theo PGS Linh, nhà nước phong kiến của ta đã thực hiện tự quản địa phương ở cấp làng, và trên làng chỉ có nhà nước. "Người dân khi có oan ức thì sẽ kêu ối làng nước ơi, chứ không ai kêu quận, huyện, phường... cả". GS Trần Ngọc Đường lại có cách đặt vấn đề khác khi thẳng thắn đặt câu hỏi "Nếu sắp tới chỉ sửa vài điều phục vụ việc bầu cử rồi lại để QH khóa 13 sửa tiếp những phần còn lại thì quá vội vàng, gấp gáp, trong khi bây giờ còn chưa có nghị quyết trung ương. Rồi việc sửa đổi vài điều này có làm chậm quá trình sửa đổi Hiến pháp cơ bản hơn của QH khóa 13 không? Không lẽ việc sửa Hiến pháp lai bị tầm thường hóa như thế?". Với lập luận không thể chỉ thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường ở 10 tỉnh, thành trong 1 năm rồi rút ra ngay kết luận, GS Đường đề xuất hoặc tiếp tục kéo dài việc làm thử, hoặc cứ bầu như cũ, dành thời gian để tổng kết kỹ càng, rút ra được mô hình địa phương "chuẩn", có phương pháp luận đàng hoàng thì hãy sửa Hiến pháp. Cùng với quan điểm của các nhà khoa học, các đại biểu quốc hội từ các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đều có ý kiến cần thận trọng khi quyết định bỏ HĐND cấp quận/huyện, xã/phường bởi vì các cấp chính quyền rất cần có sự giám sát của HĐND. Bỏ HĐND tức là bỏ diễn đàn kinh tế-xã hội tại địa phương. Phát biết kết luận hội thảo, ông Nguyễn Văn Thuận đánh giá cao Liên hiệp hội Việt Nam và Viện nghiên cứu lập pháp đã đề xuất và tổ chức thành công hội thảo quan trọng. Hội thảo thực sự là diễn đàn của các nhà khoa học thể hiện trí tuệ, trách nhiệm của mình đối với quốc gia, dân tộc đưa ra cơ sở lý luận cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Ông Thuận đề nghị khi tiến hành tổng kết Hiến pháp 1992 cần thiết phải khách quan, sát với thực tế; cần nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới; tránh những hạn chế của những lần sửa đổi trước đây, làm sao hiến pháp sửa đổi phù hợp với văn hóa Việt Nam, mang tính thời đại và làm sao để người dân thể hiện được quyền lực nhà nước. |
Tổng hợp: P.Nam; Ảnh: Đ.Thịnh |
![]() ![]() |
Từ khóa : |