Thị trường sữa ở Việt Nam và những vấn đề liên quan đến phát triển chăn nuôi bò sữa (11:45:12 Ngày 30/07/2010) |
![]() Người chăn nuôi mong muốn có một cơ quan trung gian đứng ra làm trọng tài kiểm tra chất lượng sữa tươi khi giao cho các nhà máy. Ảnh minh hoạ:
Việt Nam phát triển ngành sữa từ những năm 1970 nhưng tốc độ phát triển chậm. Đến năm 1980 mức tiêu thụ sữa chỉ đạt 0,3kg/người, năm 1990 đạt 0,5kg và năm 2007 ước đạt 7 kg. Sữa tươi trong nước hiện mới chỉ đáp ứng 25% nhu cầu.
|
Trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu tăng đàn bò sữa từ 104 ngàn con năm 2005 lên 200 ngàn con vào năm 2010. Sản lượng sữa từ 200 ngàn tấn tăng lên 377 ngàn tấn. Tốc độ tăng đàn dự kiến từ năm 2005-2010 là 13%; đến năm 2015 sẽ có 350 ngàn bò sữa sản xuất ra 700 ngàn tấn sữa, nâng lượng sữa tươi sản xuất trong nước lên 7,5kg/người/năm. Đây là mục tiêu không quá lớn, tuy vậy đang tồn tại nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ phát triển ngành sữa ở Việt nam cần được phân tích, đánh giá để có giải pháp thích hợp. 1/ Mức sống của người dân Theo số liệu thống kê, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2006 là 7,6 triệu đồng. Người thành thị thu nhập bình quân cao hơn người nông thôn 2,04 lần. Chênh lệch giữa nhóm 10% người giàu nhất với nhóm 10% người nghèo nhất là 13,5 lần (2004) và ngày càng tăng. Thu nhập bình quân của đồng bào thiểu số chỉ bằng 40% so với trung bình cả nước. Con số này cho thấy đại bộ phận người Việt Nam có mức sống thấp. Giá 1kg sữa tươi tiệt trùng bằng 3kg gạo, vì vậy người dân nghèo chưa có tiền uống sữa. Trong tình hình lạm phát ngày càng tăng như hiện nay, chỉ một nhóm ít người đủ tiềm lực kinh tế mua sản phẩm sữa. Thực tế cho thấy người Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tiêu thụ 80% lượng sữa cả nước. Nâng cao mức sống người dân sẽ tăng thêm lượng khách hàng tiêu thụ sữa. Vinamilk đang có “chương trình 1 triệu ly sữa cho trẻ em nghèo”. Nhưng đây không phải là việc của một công ty hay các tổ chức từ thiện. Chính phủ phải làm. Dự án cải thiện dinh dưỡng người Việt Nam cần dành một khoản kinh phí thích đáng cho người nghèo được tiếp cận với sản phẩm sữa. 2/ Thói quen uống sữa Việt Nam không phải là nước có truyền thống sản xuất sữa, vì vậy đại bộ phận dân chúng chưa có thói quen tiêu thụ sữa. Trẻ em giai đoạn bú sữa mẹ trong cơ thể có men tiêu hoá đường sữa (đường lactose). Khi thôi bú mẹ, nếu không được uống sữa tiếp thì cơ thể mất dần khả năng sản xuất men này. Khi đó đường sữa không được tiêu hoá gây hiện tượng tiêu chảy nhất thời sau khi uống sữa. Chính vì vậy nhiều người lớn không thể uống sữa tươi (sữa chua thì không xảy ra hiện tượng này, vì đường sữa đã chuyển thành axit lactic). Tập cho trẻ em uống sữa đều đặn từ nhỏ, giúp duy trì sự sản sinh men tiêu hoá đường sữa, sẽ tránh được hiện tượng tiêu chảy nói trên. Những nước có điều kiện kinh tế khá đã xây dựng chương trình sữa học đường, cung cấp miễn phí hoặc giá rất rẻ cho các cháu mẫu giáo và học sinh tiểu học. Điều này không chỉ giúp các cháu phát triển thể chất, còn giúp các cháu có thói quen tiêu thụ sữa khi lớn lên. Chúng ta đã bàn đến chương trình này nhưng chưa thực hiện được. Bà Rịa Vũng Tàu đang thưc hiện “chương trình sữa hoc đường” với ngân sách của nhà nước là một điểm sáng cần nghiên cứu nhân rộng cho cả nước. 3/ Chính sách về xuất nhập khẩu sữa Chính sách của nhà nước về sữa nhập khẩu trong những năm qua chưa thúc đẩy được phát triển sữa nội địa. Cần có chính sách thích đáng khuyến khích các công ty chế biến sữa Việt Nam giảm dần lượng sữa bột nhập khẩu tái chế, tăng dần tỷ trọng sữa tươi sản xuất trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam đã gia nhập WTO, từ 2010 nếu dùng chính sách thuế để khuyến khích hay hạn chế nhập sữa bột sẽ không khả thi, vì vậy cần có những chính sách thích hợp cho lộ trình đến năm 2015 trở đi nguồn nguyên liệu từ sữa tươi sản xuất trong nước tối thiểu phải đáp ứng được trên 40% nhu cầu sữa nguyên liệu. Hơn một năm qua giá sữa bột trên thị trường thế giới tăng gấp 2 lần và luôn biến động. Các Công ty chế biến sữa như Vinamilk, Dutchlady đã quan tâm hơn đến phát triển nguồn sữa nguyên liệu tại chỗ. Tuy vậy vẫn chưa có gì đảm bảo chắc chắn chương trình tăng tỷ lệ sữa nội địa của họ cho những năm tiếp theo. 4/ Thu mua sữa tươi nguyên liệu Hệ thống thu mua sữa tươi hiện nay do các nhà máy tổ chức thông qua các đại lý trung chuyển sữa. Vì mục đích lợi nhuận, các điểm thu mua chỉ được thiết lập khi có đủ số lượng bò, đủ lượng sữa để đặt bồn và không quá xa nhà máy để giảm chi phí vận chuyển và an toàn vệ sinh sữa. Đây là khó khăn để mở rộng địa bàn chăn nuôi đến những vùng có tiềm năng đất đai và lao động. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có đàn bò sữa trên 66 ngàn con, chiếm hơn 50% tổng đàn bò sữa cả nước. Trong vòng 3 năm qua, tốc độ tăng đàn bò sữa ở đây chỉ đạt 7% mỗi năm, những năm tới, tốc độ tăng chậm hơn hoặc không tăng do quá trình đô thị hoá. Củ Chi, Lâm Đồng, Mộc Châu là những nơi có tiềm năng quyết định đến tốc độ tăng đàn bò cho cả nước, hiện nay người chăn nuôi đang muốn bán bò đi vì nuôi không có lời. Để đạt 350 ngàn bò sữa vào năm 2015 chúng ta phải cần đến 35.000 ha cỏ trồng (tính 10 con bò/ha). Nhà nước cần có chính sách thật cụ thể về quy hoạch vùng chăn nuôi, đất trồng cỏ. Làm gì để đàn bò sữa, nhà máy chế biến sữa chuyển dần đến những vùng chăn nuôi có tiềm năng như Lâm đồng, Mộc Châu và một vài nơi trong cả nước? 5/ Mối quan hệ giữa nhà máy chế biến và người chăn nuôi bò sữa Việt Nam có 2 công ty thu mua và chế biến sữa chủ yếu là Vinamilk trên 50% và Dutchlady khoảng 25% lượng sữa sản xuất trong nước. Có rất ít nhà máy chế biến nhỏ công nghệ thấp và thị phần cũng không đáng kể. Vì vậy các công ty lớn rất dễ độc quyền quyết định giá mua vào và sản phẩm bán ra. Phương thức thu mua sữa giữa các Công ty với người chăn nuôi chưa thật bình đẳng và rõ ràng, khiến người chăn nuôi luôn có cảm giác phần thiệt thuộc về mình. Tiêu chuẩn chất lượng sữa mua vào do các nhà máy đưa ra không cao (chất khô 12%; chất béo 3,5%; thời gian mất màu xanh methylen 4giờ). Mặc dầu vậy vẫn có từ 20-50% số sữa không đạt một trong các tiêu chuẩn chất lượng (theo thống kê của vinamilk 6 tháng đầu năm 2008). Người chăn nuôi hoài nghi kết quả đánh giá sữa của họ vì nhà máy thu mua tự kiểm tra chất lượng không có sự chứng kiến của họ. Thật ra đây là “mâu thuẫn tiềm tàng” giữa bên mua và bên bán. Người chăn nuôi nhỏ cần được tổ chức lại, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình cùng với nhà máy sản xuất ra sữa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm cho xã hội. Cải thiện và nâng cao sự hiểu biết, đồng thuận với nhau giữa người chăn nuôi và nhà máy chế biến. 6/ Lợi nhuận từ chăn nuôi bò sữa Lợi nhuận từ chăn nuôi bò sữa thấp bởi vì giá thức ăn cao. Hiếm thấy nước nào giá 1kg bắp hạt (5000-5500đ) cao gần bằng một lít sữa (6000-6500đ) như ở nước ta. Tại Thái Lan người dân bán 1 lít sữa mua được 2kg bắp hạt. Tại Mỹ 4,6 kg; Hà Lan 2,6kg; Úc 2,0. Người chăn nuôi bò sữa Việt Nam bán 1 lít sữa (trung bình thực nhận 6000đ) chỉ mua được 1,1kg thức ăn tinh (tỷ giá là 1,1). Tại Thái Lan tỷ giá này là 1,5; Mỹ 3,3 Hà Lan 2,1; Úc 1,6 (nguồn IFCN, 2007). Giá bò giống, công lao động và mọi chi phí khác đều tăng cao. Thời gian khai thác ngắn, bò bị loại thải sớm do bệnh tật, những rối loạn sinh sản, viêm vú… làm cho tổng lượng sữa trong một đời bò thấp dẫn đến khấu hao giống tính trên kg sữa rất cao, làm giảm lợi nhuận. Theo tính toán của chúng tôi, với giá thức ăn như hiện nay và giá sữa 6000đ/lít thì chỉ những con bò nào có năng suất từ 4000kg/năm hay 4500kg/chu kì mới không bị lỗ. Số bò cái đạt năng suất sữa này không nhiều. Năng suất bình quân đàn bò cả nước năm 2007 chỉ đạt 3800kg/năm (nguồn Tổng Cục thống kê, 2007). Số liệu này cho thấy nhiều người chăn nuôi đang bị lỗ. Họ ráng giữ đàn bò vì đó là công việc, là nguồn sống, họ chờ đợi và hy vọng vào thiện chí của các Công ty chế biến thức ăn, Công ty thu mua sữa và sự quan tâm sắp tới của nhà nước. Mặt khác người chăn nuôi phải chủ động nâng cao kiến thức và kỹ năng chăn nuôi để sản xuất ra sữa chất lượng cao với chi phí thấp nhất. 7/ Lợi nhuận và phân bố lợi nhuận trong quá trình sản xuất sữa Người chăn nuôi bò sữa nếu tính đủ chi phí thì lợi nhuận rất thấp 3-4% hoặc không có lời, chủ yếu là lấy công làm lãi. Người chăn nuôi mua thức ăn tinh của các công ty lớn và cũng bán sữa tươi cho các công ty lớn, sự phụ thuộc này càng làm giảm đi lợi nhuận của họ. Nhà máy mua vào sữa tươi với giá ước 7.500đ/kg sau khi tiệt trùng giá bán 20000đ/kg, có thể thấy tỷ suất lợi nhuận của khâu chế biến cao hơn nhiều so với người chăn nuôi. Làm thế nào để một phần nhỏ lợi nhuận của các công ty sản xuất thức ăn tinh, công ty chế biến sữa hỗ trợ người chăn nuôi dưới hình thức này hoặc hình thức khác? Nhà nước có thể giảm thuế hay trích một phần thuế từ các Công ty chế biến thức ăn, Công ty chế biến sữa hàng năm để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân nuôi bò sữa. Kế hoạch 2006-2010 đã đi được nửa chặng đường, có quá nhiều việc phải làm để đến năm 2010 cả nước đạt được mục tiêu 200 ngàn con bò sữa và 377 ngàn tấn sữa. |
Đinh Văn Cải - T/c Chăn nuôi, số 8 - 2009, tr 11 |
![]() ![]() |
Từ khóa : |