Tin KH&CN   Khoa học XH&NV
Danh tướng Nghiêm Kế đời Trần tại làng Quan Độ (11:45:12 Ngày 30/07/2010)

Làng Quan Độ và dòng họ Nghiêm

Làng Quan Độ (hay còn gọi là Kẻ Đọ, nay là thôn Quan Độ, xã Văn Môn (1), huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) vốn là một làng quê văn hiến với nhiều giá trị văn hoá, lịch sử quý giá vẫn được giữ gìn qua nhiều thế hệ. Ngày nay, Quan Độ trở thành một làng quê năng động trong thời kỳ đổi mới kinh tế, trở nên giàu có và nổi tiếng bởi các ngành nghề thủ công như: ủ men, nấu rượu, đúc xoong nồi, buôn bán phế liệu. Dòng họ Nghiêm với di tích lịch sử là đền thờ - nhà thờ họ đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá đã và đang góp phần vào việc gìn giữ những giá trị văn hoá của làng Quan Độ.

Về vị trí địa lý, Quan Độ phía Bắc giáp với làng Quan Đình; phía Nam giáp với sông Ngũ Huyện và làng Hương Mạc (làng Me); phía Đông giáp làng Tiền Thôn; phía Tây giáp huyện Đông Anh, Hà Nội. Làng nằm cách Hà Nội khoảng 50 km về phía Tây Bắc và có nhiều tuyến đường có thể đến Quan Độ: tuyến chạy qua huyện Gia Lâm, tới thị trấn Từ Sơn, rẽ trái theo đường 295 là có thể tới làng Quan Độ; tuyến đi qua huyện Sóc Sơn, theo đường 286 cũng có thể tới làng Quan Độ.

Ngày nay, dân làng Quan Độ còn truyền tụng những câu chuyện lịch sử về xuất xứ của tên làng. Tên Nôm làng thường gọi là Kẻ Đọ, một tên gọi của dân gian mà ta vẫn thường gặp ở nhiều làng cổ ở Đồng bằng Bắc bộ xung quanh Kẻ Đọ như Kẻ Me (Hương Mạc), Kẻ Đóm *Vân Điềm), Kẻ Cời (Đồng Kỵ), Kẻ Báng (Đình Bảng)… Ngoài ra, làng Quan Độ còn có tên chữ là Đỗ Xá. Trước đây, làng Đỗ Xá thuộc xã Lan Đình. Sau đó, Đỗ Xá tách thành một xã riêng với tên Lan Độ. Theo tích truyện còn truyền lại, tên gọi này bắt nguồn từ tên gọi của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Truyện kể rằng, một lần Hoàng Thái hậu đii thăm chiến tuyến sông Cầu, bà có nghỉ chân tại làng. Từ đó, dân làng đổi tên làng mình thành Lan Độ, ghi nhớ dấu tích của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Năm Gia Long thứ nhất (1802), vì tên Lan phạm huý của bà Hoàng hậu của vua là Tống Thị Lan (Thừ Thiên Cao Hoàng hậu) nên đổi thành Quan Độ.

Làng Quan Độ trước kia có nhiều dòng họ cùng sinh sống. Theo lời các cụ cao niên kể lại thì trước đây làng có tới 12 dòng họ, song nay chỉ còn lại một số họ chính như họ Nghiêm, họ Đặng, họ Nguyễn Vương, họ Vũ, họ Tiến. Các dòng họ lớn trước đây, còn các họ nhỏ hơn thì hợp thành giáp tả. Điều này cho thấy, tổ chức tộc họ của làng Quan Độ không chỉ chặt chẽ mà còn có tiếng nói quan trọng trong cơ cấu làng xã.

Họ Nghiêm được coi là một trong những dòng họ lớn nhất của làng Quan Độ từ xưa tới nay. Hiện nay, họ Nghiêm có khoảng 400 suất đinh (2). Dòng họ này không chỉ gìn giữ và tôn tạo được một ngôi đền thờ - nhà thờ họ khang trang mà còn lưu giữ được những tài liệu quý giá ghi chép về lịch sử dòng họ: Nghiêm thị thế phả, Nghiêm thị gia kê, Lịch đại sự tích, Gia phả lược biên, Thế phả giản yếu…

Trong tay chúng tôi hiện có được bản Nghiêm tính gia phả, ký hiệu: A.3061, gồm 50 trang chữ Hán, khổ giấy 21 cm x 14 cm. Qua bản gia phả này ta được biết thêm nhiều thông tin về dòng họ Nghiêm ở làng Quan Độ.

Bản gia phả này cho biết, cụ tổ của họ Nghiêm Yết, đến Quan Độ vào thời Lý. Trong quá khứ, dòng họ này đã có những danh nhân làm rạng danh dòng họ không chỉ ở văn nghiệp mà còn ở võ nghiệp.

Truyền thống của dòng họ Nghiêm không chỉ được tiếp nối ở con đường võ nghiệp mà còn ở cả sự nghiệp khoa cử, đỗ đạt. Cụ thuỷ tổ của dòng họ là Đại tư mã Nghiêm Tĩnh đã mở đầu truyền thống tốt đẹp của dòng họ với những công trạng hiển hách được đời đời lưu truyền. Gia phả họ Nghiêm chép rằng, cụ là người văn võ kiêm toàn, sống thẳng thắn và chân thực với mọi người. Thuở nhỏ cụ có theo học chữ Nho, sau chuyển sang học võ nghệ và binh pháp. Năm 25 tuổi, dưới thời vua Lý Cao Tông, cụ làm quan võ, lên tới chức Đại tư mã kiêm Thị trung, sau được vua phong tước Quận Công.

Danh tướng Nghiêm Kế

Gia phả họ Nghiêm làng Quang Độ còn ghi chép khá đầy đủ về thân thế và công trạng hiển hách của vị tướng tài trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ nhất là Nghiêm Kế.

Theo Gia phả, Nghiêm Kế thuỵ là Thuần Công, là con trai duy nhất của thuỷ tổ Đại tư mã Nghiêm Tĩnh và phu nhân Từ Tiên. Không thấy ghi năm sinh cụ thể mà chỉ biết ông sinh vào cuối đời Lý Huệ Tông (1211 – 1224). Một điều đặc biệt là Gia phả ghi ông mất tại kinh thành, táng tại xã Xuân Lôi, huyện yên Phong (nay thuộc xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) và tại nơi này, trước có một mẫu ruộng tự điền lo việc cúng tế ông. Tại sao ông lại được táng tại mảnh đất này? Đến nay vẫn chưa có cơ sở nào có thể giải thích được điều này. Như vậy là hiện nay, ông được táng ở một nơi và thờ ở một nơi, hai nơi này cách xa nhau hàng chục km.

Công trạng hiển hách nhất của ông phải kể đến là chiến công phò giúp vua Trần đánh tan cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên – Mông (1257 – 1258). Sự thực, các bộ chính sử, sử biên niên đều không thấy nhắc tới công trạng của Tướng quân Nghiêm Kế trong cuộc kháng chiến này. Tuy nhiên, trong một cuộc chiến lớn như vậy, những vị tướng có đóng góp công sức cho một thắng lợi vẻ vang ắt phải rất nhiều. Những bộ chính sử với tư cách là những bộ sử chép hành trạng của nhà vua và triều đình thì không thể ghi chép đầy đủ tới từng vị tướng. Vì thế, việc không thấy ghi tên tướng quân Nghiêm Kế trong các bộ chính sử là điều dễ hiểu.

Song thật may mắn, nguồn sử liệu Gia phả họ Nghiêm đã bổ khuyết những thiếu sót ấy. Công trạng của vị tướng Nghiêm Kế đã được Gia phả họ Nghiêm ghi lại khá chi tiết và cụ thể. Một hạn chế của nguồn sử liệu này như sự thêu dệt những sự kiện, chi tiết lịch sử cho phù hợp với mục đích là một cuốn sử của một gia tộc, thì hành trạng của tướng quân Nghiêm Kế trong Gia phả đã cho chúng ta biết khá đầy đủ về vị tướng tài danh này.

Chỉ với mấy dòng ngắn gọn ghi trong Gia phả, ta có thể thấy rõ được công lao của ông đối với cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông của nhà Trần. Gia phả ghi ông hưng binh với 700 quân, lập được chiến công và được phong làm Quốc Bình Hàn. Từ điển Hán - Việt cho biết, Bình Hàn là chức mà thiên tử thường phong cho các công thần làm chư hầu để che chở cho nhà vua. Vậy có thể thấy, nếu Nghiêm Kế được phong chức này thì chứng tỏ ông là người có công lớn trong công cuộc giúp rập nhà Trần qua cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.

Hiện nay, trong hậu cung đền thờ còn truyền ghi câu đối về công trạng của ông:

Phiên âm:

Sát Thát trừ hung an xã tắc

Phù Trần tá quốc cứu lê dân

Dịch nghĩa:

Giết giặc trừ hung an xã tắc

Phù Trần giúp nước cứu lương dân.

Hay câu Phiên âm:

Vĩ tích bình Nguyên vạn cổ phương danh thuỳ Bắc địa

Huân cao tá quốc thiên niên sự nghiệp chấn Nam thiên

Dịch nghĩa:

Thành tích Bình Nguyên muôn thuở tiếng thơm lừng đất Bắc

Công lao giúp nước ngàn thu sự nghiệp dậy trời Nam.

Đền thờ Nghiêm Kế

Đền thờ danh tướng Nghiêm Kế hiện nay nằm phía Bắc làng Quan Độ đồng thời cũng là nhà thờ chung của dòng họ Nghiêm. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ kỵ thuỷ tổ và ngày xuân tế (mồng 10 tháng 3 Âm lịch), con cháu dòng họ từ khắp mọi miền Tổ quốc quy tụ về đền thờ để tưởng nhớ tổ tiên.

Cổng đền được xây theo lối tam quan với 4 đôi câu đố khắc nổi phía trong và phía ngoài cổng. Phía trên cổng có ghi 4 chữ: Nghiêm Tướng công từ (Đền thờ Nghiêm Tướng công).

Theo lối đi nhỏ từ cổng tam quan vào là ngôi đền khang trang với 5 gian nhà ngoài và 3 gian hậu cung. Gian chính giữa hậu cung thờ Tướng công Nghiêm Kế, hai gian hai bên thờ các vị tổ của họ Nghiêm.

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, trước đây ngôi đền này là một cụm kiến túc cổ, có quy mô lớn. Toàn bộ khu di tích trước đây được xây dựng trên 1 mẫu Bắc bộ với hai toà nhà chính là đền thượng và đền hạ. Mỗi toà đều có 3 gian, khung nhà bằng gỗ lim với những chạm khắc tinh xảo, mái ngói, tường gạch. Ngoài ra, khu di tích còn có sân vườn rộng rãi, bao quanh là tường đất kiên cố, một mặt trồng tre, một mặt trồng nhãn. Con cháu họ Nghiêm không còn nhớ rõ khu đền này được xây dựng từ khi nào, chỉ biết trong thời gian kháng chiến chống Pháp, ngôi đền bị phá huỷ gần như hoàn toàn. Sau này, gia tộc họ Nghiêm đã huy động con cháu công đức, tôn tạo lại khu đền để có chỗ thờ tự tổ tiên tươm tất.

Năm 2005, khu đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Ngôi đền vì thế được Nhà nước hỗ trợ trùng tu lại với vẻ khang trang như chúng ta thấy ngày nay.

1/ Xã Văn Môn nay gồm 5 thôn (làng): Quan Độ, Quan Đình, Phù Xá, Mẫn Xá và Tiền Thôn.

2/ Theo lời kể của ông Nghiêm Xuân Khoái, cháu 20 đời của Nghiêm Kế. Theo số liệu năm 1995 thì họ có 351 suất đinh và 611 khẩu.

Võ Thị Phương Thuý - Xưa & Nay, số 345, 12 – 2009, tr XXI
In bài viết   Gửi cho bạn bè
Từ khóa :




   Tìm bài viết theo thời gian :
Một số tỉnh cho nước ngoài thuê 50 năm đất rừng đầu nguồn vùng biên giới
Ý kiến khác
 

HỘI NGHỊ KHOA HỌC SỰ SỐNG HƯỚNG TỚI ĐẠI LỄ 1000 NĂM THĂNG LONG HÀ NỘI                     Bản tin phổ biến kiến thức số 18/2010  


LƯỢT TRUY CẬP

  6,107,402  lượt
(46 người Online )