Trao đổi   Đa chiều
Quốc hội rất yêu Chính phủ ... (trích) (16:50:18 Ngày 23/07/2010)

 Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K'sor Phước, Ảnh VNN
Trong bài này, Trực Ngôn điểm lại một vài câu chuyện thuộc phạm trù văn hóa ứng xử; về những câu chuyện vừa được thảo luận trong các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội…

Quốc hội rất yêu Chính phủ:

Ngày 20/7, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đánh giá kết quả kỳ họp thứ 7. Một trong những điều mà UBTVQH bàn đến là vấn đề đường sắt cao tốc.

Trong phiên họp này, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói như phân bua:  "Không phải QH bác bỏ dự án này như một số ý kiến cá nhân mà QH chưa thông qua trong điều kiện hiện nay. Chính phủ sẽ tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh để trình trong thời gian thích hợp. Qua trao đổi thì thấy một số đại biểu có lời lẽ nặng nề, gây tâm tư cho một vài thành viên Chính phủ".

Tôi nghĩ, nếu QH bác bỏ một dự án nào đó của Chính phủ thì cũng là chuyện thường tình. Nó chỉ cho thấy sự tiến bộ trong đời sống dân chủ và một lối sống văn minh của chúng ta chứ có gì đâu mà phải.... Mà đâu có chuyện cứ là Chính phủ (của tất cả các quốc gia trên thế giới) thì không bao giờ sai. Cải cách ruộng đất ở Việt Nam là một sai lầm và chính Bác Hồ đã phải xin lỗi nhân dân cơ mà.

Thiết nghĩ, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng không cần phải phân bua như thế. Và vô tình lời phân bua ấy lại gợi cho tôi thấy lâu nay chúng ta vẫn sống theo kiểu "dĩ hòa vi quí". Khi phê bình ai, phản biện ai xong thì lại lo người đó giận mình. Hoặc nếu trong gia đình, trong cơ quan... có những tranh luận hay chưa thống nhất ý kiến thì lại phải tìm cách nói thế này, thế nọ cho "người ngoài" hiểu là chúng tôi không bao giờ khác ý nhau, chúng tôi không bao giờ phủ quyết nhau, chúng tôi lúc nào cũng hòa thuận...

Thế nhưng cuộc sống này làm gì có chuyện đó. Tranh luận, phản biện, phủ quyết, bất đồng... mới là điều bình thường của cuộc sống này ở trong mọi lĩnh vực.

Vì những hành động đó chỉ là con đường giúp chúng ta đi đến sự thật và lẽ phải. Còn nếu chỉ có đồng ý, đồng ý và đồng ý thì đó mới là điều bất thường. Điều bất thường ấy cho thấy một thái độ sống "yên thân", lợi người lợi ta và ít nhiều chứa đựng sự giả dối.

Khả năng phản biện của QH trong kỳ họp vừa qua cho thấy sự trưởng thành của QH. Tôi có quen biết vài ba đại biểu QH trong những năm tháng trước kia. Họ thực sự là những người chân thành và không có lòng tham gì cả. Nhưng họ được (hoặc bị) cơ cấu vào QH. Thế là đi họp họ chỉ biết gật đầu. Vì nói ra ngộ sai thì người ta cười chết. Bởi lẽ đó nên mới có danh từ "nghị gật" ở nước ta.

Giờ thì mọi chuyện đang thay đổi và phải thay đổi. QH không còn con đường nào khác là người đại diện cho trí tuệ và khát vọng của nhân dân. Nếu người đại diện của nhân dân ở bất cứ vị trí nào chỉ có trí tuệ mà không mang theo khát vọng của nhân dân thì trí tuệ đó sẽ biến thành phương tiện để người đại diện đó kiếm tìm lợi ích cho cá nhân họ mà thôi. Và người đại diện của nhân dân chỉ mang khát vọng của nhân dân mà không có trí tuệ thì chẳng làm sao biến khát vọng của nhân dân thành hiện thực được.

 

Bản chất đúng của việc phản biện dự án đường tàu cao tốc là QH làm cho Chính phủ nhận ra việc gì nên làm, việc gì không nên làm hoặc chưa nên làm. Như thế, phản biện có thiện chí và có khoa học sẽ làm cho Chính phủ mạnh lên mà thôi. Ai là người Việt Nam mà chẳng nắm chắc chân lý của ông cha: "yêu cho vọt, ghét cho chơi". Còn khi ghét thì ta mặc cho ngươi cứ lao vào con đường sai để cho ngươi không bao giờ đi đến nơi ngươi cần đến.

Xét theo lý ấy, thì QH, người đại diện của nhân dân rất yêu Chính phủ nên mới nói thẳng, nói thật với Chính phủ. Mà QH yêu Chính phủ nghĩa là nhân dân yêu Chính phủ đấy. Ngẫm cho kỹ, cho sâu thì đó là điều đáng mừng chứ sao lại phải lo, phải không bạn đọc?

Xin các đồng chí lãnh đạo hãy... thận trọng!

Cho đến bây giờ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vẫn "giằng co" việc có nên để công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam được dự tuyển làm viên chức hay không.

Theo ngu ý của Trực Ngôn thì việc này là một việc lớn của đất nước. Vậy QH cần tư duy thật kỹ về mọi vấn đề liên quan đến các công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài nhưng vẫn có quốc tịch Việt Nam về nước làm công chức.Tôi hoàn toàn nhất trí với ông Trần Thế Vượng khi ông cho rằng chẳng ai đang sống ở Mỹ, ở Pháp lại về nước làm viên chức lâu dài. Họ về ngắn hạn thì ký hợp đồng là hợp lý.

Trước khi có những ý kiến phản đối việc này, chúng ta thử phác thảo nhân sự sẽ về nước làm công chức là ai?

1. Những người làm ăn, buôn bán nhỏ sẽ không về làm công chức vì họ không được đào tạo để làm công việc này và quy chế của Chính quyền Việt Nam cũng sẽ không chấp nhận.

2. Những doanh nhân thành đạt cũng không về để làm công chức. Nếu họ về cũng chỉ là để đầu tư, liên doanh... mà thôi.

3. Những người về Việt Nam làm công chức chắc chắn là những trí thức có bằng cấp cao.

Một câu hỏi nữa chúng ta cần phải đặt ra và trả lời: Họ về Việt Nam làm công chức với mục đích gì?

1. Hầu hết những người về Việt Nam làm công chức là những người muốn đem tài năng của mình giúp cho đất nước.

2. Họ về Việt Nam làm công chức bởi xúc động và cảm kích trước sự trọng thị của Chính quyền trong nước.

3. Hầu hết họ không về Việt Nam làm công chức vì tiền hay vì quyền chức vì họ hiểu rất rõ rằng: Việt Nam chưa đủ các yếu tố (trong đó có cả yếu tố bản lĩnh) để trả lương thật cao hay sắp xếp những vị trí quan trọng cho họ trong Chính quyền. Hơn nữa, mức thu nhập của những người có bằng cấp, có trình độ ở nước ngoài được đảm bảo cùng với nhiều điều kiện sống ưu việt hơn Việt Nam rất nhiều.

Tôi chỉ đưa ra một vài lý do đơn giản như trên đã có thể kết luận rằng: hầu hết (khoảng 97%) những người muốn về Việt Nam làm công chức là vì lòng yêu nước và vì cách đối xử (không phải là vật chất) của Chính quyền.

Tôi thật ái ngại khi nghe ông Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K'sor Phước cho rằng nếu Việt kiều được dự tuyển viên chức sẽ có tình trạng "cài cấy người" vào các đơn vị sự nghiệp công lập.

Liệu có việc "cài cấy người" không? Tôi xin trả lời là có thể có. Đây là chuyện ai cũng hiểu. Nhưng cho dù người ta cấy người một cách dày đặc như các nước đối thủ trong chiến tranh lạnh trước kia cấy tình báo, gián điệp vào các nước kẻ thù thì cũng chỉ cấy đến 2% là cùng.

Vậy, chúng ta sợ 2% người kia mà đánh mất sức mạnh tinh thần và sức mạnh trí tuệ của 98% người yêu nước sao? Cách tư duy này theo các cụ ta nói là: bắt con săn sắt bỏ con cá rô. Nghĩa là quá lo việc nhỏ mà quên đi việc lớn. Sử dụng được chất xám của những Việt Kiều này cũng chưa phải là việc lớn nhất. Việc lớn nhất chính là việc làm cho tất cả những người mang dòng máu Việt hướng về đất nước của mình.

Hòa giải và hòa hợp dân tộc là một chiến lược vô cùng lớn của Nhà nước đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết thì sự nghi ngại "quá mức cần thiết" của những người như ông K'sor Phước có làm cho chiến lược kia "chùng" lại không? Sẽ có bao nhiêu người đang chuẩn bị rời bỏ những điều kiện sống và điều kiện làm việc rất tốt ở nước ngoài trong mấy chục năm nay cũng như có thể phải sống xa gia đình họ để về giúp đất nước có đủ can đảm và tinh thần để vượt qua sự "nghi ngại" hay nói cách khác là sự "nghi ngờ" đó từ phía Chính quyền sở tại?

Cách đây mấy chục thập kỷ, người Mỹ đã cảnh báo những dòng lưu học sinh ồ ạt của Trung Quốc vào Mỹ (khoảng 80.000 lưu học sinh/năm vào Mỹ ở thời điểm đó). Rất nhiều người Trung Quốc đến Mỹ du học rồi ở lại và làm việc ở Mỹ. Nhưng không vì thế mà Chính quyền Mỹ cấm học sinh Trung Quốc du học. Điều quan trọng và có hiệu quả nhất là Chính quyền Mỹ dựng lên một hành lang pháp lý đủ sức ngăn cản những cuộc "cài cấy người" hay "xâm lược mềm" của những người nước ngoài trong chính sách du học và nhập cư của họ có từ khi lập nước.

Và với Việt Nam, không gì đảm bảo cho "an ninh quốc gia" bằng một hành lang pháp lý chặt chẽ không chỉ đối với những người Việt Nam trở về nước làm công chức mà đối với tất cả các thành phần nhập cảnh, nhập cư khác như các chuyên gia, các doanh nhân, các tổ chức nước ngoài, khách du lịch, lưu học sinh, những người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam...Và sâu xa hơn nữa, tình yêu đất nước của 98% sẽ là bức tường thành vững mạnh nhất "đánh bại" sự thù địch của 2% "cài cấy" kia. Chắc chắn là như vậy. Nếu đó không phải là chân lý thì đó là một sự vô cùng đúng.

Tôi biết, ý thức của ông K' sor Phước là ý thức bảo vệ "an ninh quốc gia". Nhưng sau lời phát biểu đó, tôi tin chắc có rất nhiều người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài bắt đầu bàn luận và thấy "yêu nước cũng đâu là điều dễ dàng". Còn lúc này, tôi lại nghĩ đến bóng đá: phòng thủ là chiến lược "hạ sách" nhất để bảo vệ lưới nhà.

Đất nước đã thống nhất được 35 năm rồi, câu chuyện hòa giải và hòa hợp của chúng ta chậm quá. Chính vì vậy, xin các đồng chí lãnh đạo hãy... thận trọng. Vì đó là việc quốc gia đại sự.

tuanvietnam.net
In bài viết   Gửi cho bạn bè
Từ khóa :




   Tìm bài viết theo thời gian :
Một số tỉnh cho nước ngoài thuê 50 năm đất rừng đầu nguồn vùng biên giới
Ý kiến khác
 

HỘI NGHỊ KHOA HỌC SỰ SỐNG HƯỚNG TỚI ĐẠI LỄ 1000 NĂM THĂNG LONG HÀ NỘI                     Bản tin phổ biến kiến thức số 18/2010   Trang web Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên  


LƯỢT TRUY CẬP

  6,117,670  lượt
(78 người Online )