Tin tức   Cơ quan TW
Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 45/2010/NĐ-CP: Vô lý và trái khoáy (00:00:00 Ngày 14/07/2010)

 Các hội cần môi trường pháp lý thông thoáng cho hoạt động. Ảnh: Đại hội lần thứ VI Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam.
Dự thảo (lần thứ 2) Thông tư hướng dẫn không bám sát nội dung thậm chí những người soạn thảo còn “sáng tạo” thêm nhiều nội dung không có trong Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (Nghị định 45) .

Nhận xét trên của ông Lý Văn Phúc (Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam) nhận được sự đồng tình của đại diện các hội tham dự hội thảo do Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 9/7/2010, tại Hà Nội. Các đại biểu đã chỉ ra nhiều điểm vô lý và trái khoáy trong dự thảo Thông tư do Bộ Nội vụ chủ trì biên soạn.

Nói về Nghị định 45, ông Trần Ngọc Hùng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), cho rằng so với Nghị định 88/2003/NĐ-CP ngoài chương về hội đặc thù thì không có gì mới và cố tình đưa ra những quy định mang tính chất quản lý nhà nước mà không tôn trọng quyền lập hội. Điều này tiếp tục được thể hiện trong dự thảo (lần thứ 2) Thông tư hướng dẫn Nghị định. Theo ông Hùng, khoản 2 Điều 2 (Tổ chức đại hội của hội) nên bỏ vì quá vô lý. Khoản này quy định việc tổ chức đại hội phải báo cáo. Ông Hùng cho rằng, Bộ Nội vụ không có quyền ra điều kiện là phải có văn bản đồng ý mới được tổ chức đại hội.

Tương tự nội dung khoản 2 và khoản 3 của Điều 4 – Phê duyệt điều lệ hội, cũng trái khoáy và vô lý. Khoản 2 quy định sau đại hội, hội phải gửi điều lệ đã được đại hội thông qua đến cơ quan quản lý nhà nước để phê duyệt, nếu nội dung điều lệ chưa phù hợp, trái với quy định của pháp luật thì cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn ban lãnh đạo hội hoàn chỉnh dự thảo điều lệ phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Theo các đại biểu, đại hội là thể thức cao nhất quyết định các vấn đề của hội. Nếu theo quy định trên, trong trường hợp điều lệ chưa phù hợp (chữ “phù hợp” theo nhiều ý kiến được dùng không đúng với ngôn ngữ luật pháp) thì sau khi cơ quan quản lý nhà nước có ý kiến, hội lại phải sửa điều lệ và tổ chức đại hội lần nữa để thông qua? Như vậy vừa phiền phức và tốn kém, đồng thời thể hiện sự can thiệp quá sâu của cơ quan nhà nước vào hoạt động hội. Trên thực tế, quy trình hiện nay là trước đại hội, hội gửi dự thảo báo cáo, điều lệ cho cơ quan quản lý nhà nước để cơ quan này có ý kiến, sau đó trình các văn bản này tại đại hội để đại hội thông qua. Việc phê duyệt điều lệ chỉ là khâu cuối cùng. Ông Nghiêm Quốc Bảo  (Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam) nói: Nếu Bộ Nội vụ cứ khăng khăng đưa quy định này vào thông tư thì đề nghị Bộ thêm nội dung: nếu trước đại hội  cơ quan quản lý nhà nước không có ý kiến gì về dự thảo điều lệ, nhưng sau đại hội lại có ý kiến đề nghị sửa đổi điều lệ đã được đại hội thông qua thì chi phí tổ chức đại hội lần thứ hai (để thông qua điều lệ đã được cơ quan quản lý nhà nước cho là phù hợp) do cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm.

Khoản 3 Điều 2 quy định: “Trường hợp điều lệ đã được phê duyệt có nội dung chưa phù hợp, trái với quy định của pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu hội tổ chức đại hội bất thường để thông qua việc sửa đổi, bổ sung điều lệ…”. Nói về khoản này, ông Hùng cho biết: “Tôi đọc mà thấy giật mình, rồi bực mình. Nếu nhà nước ra điều luật mới, chẳng nhẽ lại bắt tất cả các hội phải sửa đổi điều lệ?”. Về nội dung khoản 2 và khoản 3, ông Lê Xuân Thảo (Hội Luật gia Việt Nam), thắc mắc: “Lẽ ra phải kỷ luật ông phê duyệt điều lệ (vì đã không có ý kiến vào dự thảo điều lệ trước khi phê duyệt) chứ sao lại bắt hội tổ chức đại hội lại?”. 

Ông Trương Duy Nghĩa (Hội KHKT Nhiệt Việt Nam) cho rằng mục b, khoản 2, Điều 2 quy định “Dự kiến nhân sự nhiệm kỳ sau do Ban lãnh đạo đương nhiệm giới thiệu để đại hội xem xét quyết định”, thực chất là Ban chấp hành cũ bầu Ban chấp hành mới. “Nếu ra đại hội người ta bác hết thì sao?” – ông Nghĩa chất vấn. Tương tự mục a, khoản 1, Điều 3 cho phép cơ quan quản lý nhà nước cử thành viên trong ban lãnh đạo hội trước khi hội tổ chức đại hội bầu lãnh đạo mới khi người đại diện hội và ban lãnh đạo (cũ) cố tình kéo dài thời hạn tổ chức đại hội, lại một lần nữa thể hiện sự can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động hội.

Theo ông Hùng điều 7 – chế độ chính sách với người làm công tác hội cũng không cần thiết vì nên để hội tự quy định. Chỉ cần bổ sung quy định: nếu hội sử dụng kinh phí nhà nước thì bắt buộc phải tổ chức kiểm toán.

Một điều khác cũng vô lý, không có trong Nghị định 45 mà được cơ quan soạn thảo thêm vào là Điều 9 – Về người đứng đầu hội, quy định về độ tuổi, tiêu chuẩn, giới thiệu, lựa chọn người đứng đầu hội. Theo ông Hùng, điều này hoàn toàn vi hiến. Người đứng đầu phải do điều lệ hội quy định. Hơn nữa, Nghị định 45 cũng không có quy định này. 80% lãnh đạo hội KHKT trên 65 tuổi, chưa kể hiện nay có Hội người cao tuổi, Hội cựu giáo chức… chủ yếu là nơi sinh hoạt của những người đã nghỉ hưu.

Ông Lương Đức Trụ (Liên hiệp hội Hải Dương) cho rằng “Chỉ nên quy định độ tuổi người đứng đầu với những tổ chức đặc thù do Nhà nước trả lương”.

Ông Lê Xuân Thảo nhận xét: Cũng giống như Nghị định 88, Nghị định 45 rồi cả dự thảo Thông tư hướng dẫn vẫn yêu cầu hội phải báo cáo rất nhiều, đã báo cáo cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ) còn phải báo cáo cả các bộ quản lý ngành. Các quy định này chỉ góp phần “hành chính hóa” việc quản lý hội. Từ lâu các hội đã đề nghị nên theo cơ chế 1 cửa, nghĩa là hội chỉ cần báo cáo cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Nội vụ), cơ quan này và cơ quan quản lý ngành thiết lập cơ chế trao đổi với nhau về quản lý hội.

Soi chiếu lại Nghị định 45, ông Lý Văn Phúc (Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam) chỉ ra những điểm bất hợp lý của dự thảo thông tư. Đó là sai về nội dung so với Nghị định 45 và không bám sát nghị định. Chẳng hạn như, Điều 42 Nghị định 45 cho phép Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn nghị định, vậy tại sao dự thảo thông tư chỉ hướng dẫn một số điều của nghị định. Ngay cả khi hướng dẫn, người soạn thảo cũng phải nói rõ trong thông tư là hướng dẫn điều gì trong nghị định. Hơn nữa, dự thảo thông tư tự đặt ra những điều không có trong nghị định như vấn đề độ tuổi của lãnh đạo hội, trong khi không có điều nào hướng dẫn thực hiện chương VI – Chương về hội đặc thù. Một ví dụ khác nữa cho thấy sự vượt quá quyền hạn chính là Điều 17 quy định trách nhiệm thi hành thông tư cho các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW… “Luật pháp có cho phép một thông tư vượt quá Nghị định không? Tại sao bộ trưởng Bộ Nội vụ lại có quyền thay Thủ tướng quy định trách nhiệm cho những người đồng nhiệm?” – ông Phúc đặt câu hỏi.

Ông Trương Duy Nghĩa cho rằng Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có văn bản chỉ đạo riêng cho từng loại hội, thế nên Chính phủ cũng nên có văn bản riêng như thế.

Các đại biểu cũng chỉ ra rằng Chương IV – Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trên thực tế lại toàn nói đến quyền hạn của cơ quan này mà không hề đề cập đến trách nhiệm.

Đại diện Văn phòng Chính phủ - ông Trần Đức Chính cho biết dù không sinh hoạt ở hội nào nhưng ông cũng thấy Nghị định 45 bổ sung thêm Nghị định 88 về nội dung hội đặc thù nhưng cũng không nêu rõ hội nào là hội đặc thù và vẫn không tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hội. Theo ông Chính, dự thảo Thông tư không hướng dẫn mà lại bổ sung thêm Nghị định 45 là trái luật. Tư tưởng của dự thảo thì “cửa quyền, áp đặt” bởi còn nhiều những từ như hội phải “xin gia hạn”, “xin đăng ký”… “Nghị định 45 có tới 13 điểm cần được hướng dẫn nhưng không thấy nêu trong dự thảo Thông tư” – ông Chính cho biết.

Còn ông Bùi Tường Anh (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) thì nói: “Từ ngày Bộ Nội vụ xướng lên dự thảo Luật về hội, tôi đã dự tới 18 cuộc họp góp ý cho dự thảo Luật về hội, Nghị định 88. Liên hiệp hội Việt Nam cần xem lại sau bằng ấy cuộc họp, chúng ta nhận được gì. Chúng ta tư vấn, phản biện các vấn đề của đất nước nhưng chính chúng ta lại tư vấn, phản biện vấn đề của mình không xong”. Ông Tường Anh ví việc ra quy định hội đặc thù giống như “hoàng đế ra đặc quyền cho hội đặc thù, thích cho hội nào làm đặc thù cũng được”. Nghị định đã trái với Sắc lệnh 102/SL/L004 ngày 20/5/1057 về quyền lập Hội, rồi dự thảo Thông tư lại trái Nghị định và “mỗi lần Bộ Nội vụ ra một mớ giấy lộn, chúng lại phải họp để phản đối” – ông Tường Anh bức xúc.

Tin, ảnh: HN
In bài viết   Gửi cho bạn bè
Từ khóa :

1 - Minh Hòa , hoam@yahoo.com.vn (17:53:09 Ngày 14/07/2010)
Tôi không hiểu vì sao Bộ Nội vụ thường đưa ra các văn bản cản trở hoạt động của các hội trái với tinh thần của Sắc lệnh 102/SL/L004 năm 1957, các văn bản của Đảng ???





   Tìm bài viết theo thời gian :
Một số tỉnh cho nước ngoài thuê 50 năm đất rừng đầu nguồn vùng biên giới
Ý kiến khác
 

HỘI NGHỊ KHOA HỌC SỰ SỐNG HƯỚNG TỚI ĐẠI LỄ 1000 NĂM THĂNG LONG HÀ NỘI                     Bản tin phổ biến kiến thức số 18/2010  


LƯỢT TRUY CẬP

  6,107,532  lượt
(49 người Online )