Ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo đại học (00:00:00 Ngày 07/01/2010) |
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong học tập và giảng dạy là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo đại học. Xây dựng hạ tầng mạng công nghệ thông tin; các phòng học thực hành chuyên đề công nghệ... là những giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng ứng dụng CNTT trong đào tạo đại học.
|
Xây dựng hạ tầng mạng CNTT
Xây dựng hạ tầng mạng công nghệ thông tin được coi là bước đi đầu tiên khai phá việc ứng dụng trong đào tạo. Hệ thống mạng của nhiều trường đại học hiện nay đã đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng máy tính, truy cập in-tơ-nét và một số dịch vụ thông tin cơ bản. Tuy nhiên, nếu so với nhu cầu, các trang thiết bị hiện tại mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của cán bộ, đối tượng tham gia giảng dạy mà chưa đáp ứng được nhu cầu của các sinh viên, đối tượng tham gia học tập. Tại các trường đại học, hầu như mới chỉ dừng lại ở việc đầu tư một số phòng máy tính truy cập in-tơ-nét mà chưa đáp ứng việc sử dụng CNTT cho việc học tập. Do vậy, nếu có nhu cầu, các sinh viên phải tự trang bị máy tính cũng như kết nối ADSL.
Việc nâng cao hơn nữa khả năng đáp ứng của mạng máy tính trong các trường đại học là điều cần thiết để hỗ trợ sinh viên sử dụng CNTT trong học tập. Ngoài giờ học trên giảng đường, sinh viên cũng cần được sử dụng một số phòng máy tính mà tại đó, họ có thể thực hiện các bài tập cũng như các hoạt động học tập theo nhóm.
Về đầu tư, ngoài việc mua các trang thiết bị phần cứng thì việc lựa chọn phần mềm có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm chi phí. Với các hệ điều hành (HÐH) dùng cho máy tính, có hai giải pháp: Sử dụng HÐH Windows có bản quyền (của Microsoft) hoặc HÐH Limux mã nguồn mở. Hiện nay, Microsoft đang có chính sách miễn phí quyền sử dụng Windows cho các trường đại học kỹ thuật. Các trường thuộc khối này cần cân nhắc việc sử dụng kết hợp cả hai HÐH. Tuy nhiên, điều cần quan tâm khi lựa chọn phương án triển khai là phải tính đến yếu tố lệ thuộc sau này khi sử dụng. Ðối với các trường đại học khối kỹ thuật, không nên để sinh viên hoàn toàn bị phụ thuộc vào một HÐH bản quyền như Windows. Ðối với các phần mềm ứng dụng được lựa chọn cài đặt trên các HÐH, cần ưu tiên các phương án sử dụng phần mềm mã nguồn mở vì chi phí này không quá lớn, chưa kể là nhiều phần mềm mã nguồn mở lại có chất lượng cao (như: Open, Office, Firefox, Thunderbird, Gimp...).
Trong môi trường đại học, các hệ thống dịch vụ CNTT đóng vai trò hết sức quan trọng để đưa các thông tin đến người dạy và người học một cách nhanh nhất, không tạo ra "thời gian chết" làm ảnh hưởng tới thời gian dành cho nghiên cứu, sáng tạo. Hiện nay, chúng ta mới chỉ triển khai được một số dịch vụ đơn giản như e-mail, tin tức nội bộ hoặc một số thông tin quản lý đào tạo dành cho sinh viên. Các trường đại học cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa để triển khai một số hệ thống dịch vụ thông tin quan trọng như: Hệ thống thông tin hành chính điện tử; hệ thống thông tin quản lý đào tạo; hệ thống thông tin trợ giúp học tập.
Giảng dạy kiến thức CNTT
Trang bị tốt kiến thức CNTT cho sinh viên là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy việc ứng dụng CNTT trong học tập. Trong chương trình đào tạo hiện nay đã có môn Tin học đại cương là một môn học trang bị kiến thức đại cương về ngành khoa học máy tính. Kiến thức này phù hợp làm kiến thức cơ sở đối với sinh viên các ngành kỹ thuật để sau này có điều kiện phát triển các lĩnh vực chuyên môn giao thoa với lĩnh vực CNTT, ngay cả khi không làm việc ở ngành CNTT. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hiện nay sinh viên vẫn thiếu kiến thức về mảng kỹ năng khai thác CNTT vào các công việc học tập và làm việc sau này. Cần có thêm môn học giúp sinh viên của tất cả các chuyên ngành (không chỉ chuyên ngành kỹ thuật) có thể tiếp xúc với môi trường CNTT ngay từ khi mới nhập học. Kết thúc môn học, các sinh viên được trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức để có thể sử dụng trong mọi hoạt động học tập ở trường đại học như: Sử dụng máy tính căn bản và khả năng viết báo cáo học tập bằng máy tính, truy cập, trao đổi thông tin thông qua các dịch vụ thông tin của trường, khai thác các dịch vụ trên in-tơ-nét để hỗ trợ học tập.
Ðể nâng cao chất lượng giảng dạy, việc khuyến khích các giảng viên trong trường chia sẻ bài giảng là hết sức cần thiết. Ðây có thể coi như một "diễn đàn" trao đổi chuyên môn giảng dạy để mọi người cùng xây dựng một giáo trình mang dấu ấn về chất lượng thay vì mỗi người phải bỏ công sức ra cho những công việc giống nhau.
Về công nghệ, việc xây dựng một kho học liệu như vậy không quá khó, có thể sử dụng công nghệ sẵn có như Wifi hay e-learning với Moodle và Exe để tạo một môi trường chia sẻ như thế. Tuy nhiên, việc tổ chức và tạo một cơ chế khuyến khích các giảng viên cùng tham gia đóng góp vào một môi trường chia sẻ là công việc cần được quan tâm thích đáng. Về lâu dài, kho học liệu điện tử chính là tạo môi trường tiền đề giúp hình thành các loại hình đào tạo mới như học từ xa, học liên tục. Kho học liệu điện tử cũng có thể giúp tạo ngân hàng các câu hỏi kiểm tra trắc nghiệm.
Các phòng học thực hành chuyên đề công nghệ
Từ trước đến nay, khi nói đến trang bị CNTT, chúng ta mới chỉ nghĩ đến đó là một phòng máy tính với các phần mềm chuyên dụng mà ít ai nghĩ tới việc trang bị CNTT phải gắn với các thiết bị và phần mềm theo một chuẩn công nghệ đặc thù, phục vụ một số thí nghiệm thực hành cụ thể nào đó. Do đó, sinh viên thường thiếu các kiến thức gắn với thực tế trong quá trình học tập tại trường đại học.
Ðể nâng cao chất lượng đào tạo, cần phải có thêm các phòng thực hành chuyên đề theo các công nghệ chuyên sâu. Các phòng thực hành, thí nghiệm như thế thường có chi phí tốn kém vì nó sử dụng công nghệ của một hãng sản xuất lớn nào đó. Chúng ta cần có những lựa chọn khác nhau cũng như tìm được các đối tác sẵn sàng hỗ trợ về tài chính, công nghệ khi đào tạo công nghệ của họ. Trong lĩnh vực CNTT, có nhiều đối tác lớn đã có kế hoạch hợp tác với các trường đại học để thực hiện quảng bá công nghệ của họ. Thí dụ, hãng Microsoft với chương trình sử dụng phần mềm miễn phí tại các trường kỹ thuật thông qua hỗ trợ các chương trình học tập công nghệ: Chương trình MSDN Academic Alliance trên website: www.msdmaa.net miễn phí cho phép các sinh viên khoa CNTT tham gia sử dụng các công nghệ mới nhất có bản quyền của Microsoft trong học tập. Các khoa CNTT của các trường đại học đều có thể đăng ký tham gia chương trình này và sinh viên có thể tải về các công cụ để thực hành. Ðặc biệt, từ năm học 2008-2009, Microsoft còn hỗ trợ các khoa CNTT tham gia sử dụng 2009 Standard Vitual LAB để thực hành các môn học cơ bản như hệ điều hành, hệ thống nhúng... Chương trình Microsoft Tech Net (trên http://technet.microsoft.com) hỗ trợ phòng thực hành ảo cho tất cả các công cụ thông dụng của Microsoft. Tương tự, Hãng IBM cũng tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo đại học của IBM trên mạng http://www.ibm.com/university/ academicinitiative...
Ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập không thể chỉ được hiểu theo nghĩa đơn giản là dùng máy tính vào các công việc như biên soạn rồi trình chiếu bài giảng điện tử ở trên lớp. Cần phải hiểu ứng dụng CNTT là một giải pháp trong mọi hoạt động liên quan đến đào tạo. Với hiện trạng của các trường đại học ở nước ta hiện nay, để việc ứng dụng CNTT mang lại hiệu quả cao, đòi hỏi một nỗ lực rất lớn trong cả đầu tư tài chính lẫn công sức.
|
TS TẠ TUẤN ANH và PGS, TS HUỲNH QUYẾT THẮNG - nhandan.com.vn |
![]() ![]() |
Từ khóa : |