Thông tin KH&CN   Y-Dược học-Sức khỏe
Cỏ xước có thay được Ngưu tất ? (00:00:00 Ngày 28/09/2009)
Trong thuốc Bắc (Đông y) có vị Ngưu tất (Hoài ngưu tất), là rễ phơi khô của cây Achyranthes bidentata, có vị đắng, chua, tính bình. Tác dụng: dùng sống, tan huyết ứ, tiêu nhọt sưng; chế với rượu, bổ gan, dưỡng thận, mạnh gân cốt. Liều dùng 4,5 – 9g sắc uống, kỵ thai. Các lương y thấy cây Cỏ xước có hình dạng giống như Ngưu tất nên dùng để thay thế và gọi nó là Ngưu tất Nam. Vì thế có nhiều người phân vân không biết Ngưu tất Nam có tác dụng giống như Ngưu tất Bắc hay không? Sau đây chúng ta thử tìm hiểu hai cây thuốc có đoạn thân hơi gống đầu gối con trâu này.

Thật ra, theo sách Cây có vị thuốc ở Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ, chi Achyranthes (Cỏ xước), thuộc họ Dền Amanthaceae, ở nước ta có 3 loài:

Cỏ xước Achyranthes aspera
Cỏ xước Achyranthes aspera
Cỏ xước còn gọi là Cỏ Sướt (Achyranthes aspera). Thân thảo cứng, phân nhánh nhiều, cao 1 – 1,5 mét. Lá dài 3 - 10cm, phiến lá nguyên có nhiều lông dày như nhung (hoặc không long), đầu lá tròn bầu, thuôn nhọn về phía gốc lá. Phát hoa hình gié, dài 20 – 50cm ở ngọn cành. Hoa gần như không cuống, sau khi nở, thành quả thì cụp xuống sát cọng phát hoa, dễ móc vào quần áo hay da gây xước da nên có tên Cỏ xước. Mọc hoang dựa lộ, đất hoang.

Rễ chứa saponin, ecdisteron, achiranthin, thân giàu kali, hột chứa saponin. Hột gây nôn ói, lợi tiểu, chống co thắt cơ trơn, trị thấp khớp, ho, trị chứng sợ nước. Rễ lợi tiểu, kiện vị, nhuận trường, hạ huyết áp, trị sốt nóng, lậu. Thân, lá có tác dụng chống estrogen (antiestrogenic) không cho trứng phát triển và chống thụ thai, làm lạc thai (kỵ thai). Lá nhai đắp trị rắn, rít, bọ cạp cắn. Toàn cây Cỏ xước cũng chứa ecdistero, trị tê thấp, phù thũng do viêm thận. Theo Trung y, Cỏ xước được dùng trị nhức đầu, cảm nắng, sốt rét, sỏi niệu, viêm thận mạn tính. Liều dùng 12 - 48g phối hợp với các vị thuốc khác.

Ngưu tất Achyranthes bidentata
Ngưu tất Achyranthes bidentata
Ngưu tất còn gọi là Cỏ xước 2 răng (Achyranthes bidentata var. bidentata).

Thân thảo, cao 1 - 2 mét, thân hơi mềm, có 4 cạnh. Phiến lá nguyên, xoăn nhọn hai đầu, dài 5 - 15cm, có lông thưa hay không lông. Phát hoa hình gié ở ngọn cành. Hoa lưỡng phái, có cuống dài 4 - 5mm, tiền diệp thành gai móc. Mọc hoang dọc đường mòn ở rừng hoặc di thực trồng ở các tỉnh phía Bắc.

Rễ to, chứa saponin, axit oleanolic và các dẫn xuất bảo vệ gan, chống bướu; axit ursolic edisteron, inokosteron, achyranthes saponin làm lạc thai ở chuột thí nghiệm. Dùng làm thuốc bổ gan, thận, điều hòa kinh nguyệt (kỵ thai), trị lậu, tiểu ra máu, trị thấp khớp, đau mỏi, nặng chân.

Cỏ xước lá dài (Achyranthes bidentata var. longfolia).

Thân thảo, đa niên, thân và lá đều không lông, lá hẹp, dài, nhọn hai đầu 0,5 - 1,3 x 6 - 10cm. Gié ngắn và ít hoa. Mọc hoang ở rừng có cao độ 800 - 1.200 mét. Chưa thấy tài liệu về dược tính.

Cỏ xước và Ngưu tất đều có mọc hoang hoặc được trồng để làm thuốc ở nước ta từ lâu đời.

Theo các nghiên cứu khoa học của Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Đỗ Kim Chi, Nguyễn Ninh Hải, Nguyễn Quang, Quách Mai Loan, Nguyễn Minh Khai, Đào Hồng Vân… Ngưu tất và Cỏ xước đều có chứa các hoạt chất tương tự như saponin triterpen mà phần genin chủ yếu là axit oleanolic, phần đường chủ yếu là glucose, galactose và rhamnose… có tác dụng kháng viêm, giảm đau ở các giai đoạn cấp tính và mãn tính, có tác dụng bổ gan, thận, hạ cholesterol và hạ huyết áp… Cỏ xước và Ngưu tất đều có tác dụng là thu teo tuyến ức, nghĩa là có tính ức chế hệ miễn dịch. Do đó cả 2 vị thuốc này đều thích hợp để hạn chế quá mẫn miễn dịch vầ trị viêm khớp trong chứng viêm khớp mãn tính tiến triển (rheumatoid arthritis).

Như cậy, có thể dùng một trong hai loài Cỏ xước và Ngưu tất hoăc dùng cả hai làm thuốc trị các chứng bệnh dưới đây. Bộ phận dùng, theo kinh nghiệm y học cổ truyền và các nghiên cứu hiện đại là rễ cả hai cây này, nhưng cũng có thể dùng cả cây. Liều dùng 12 – 48g, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.

Chữa thấp khớp

- Ngưu tất (hoặc Cỏ xước) 40g, Hy thiêm 30g, Thổ nhục linh 20g, Cỏ mực 20g, Ngải cứu 12g, quả Ké đầu ngựa 12g. Dược liệu khô, chặt nhỏ, thêm 4 chén nước, sắc còn 1 chén. Có thể sắc thêm nước nhì uống trong ngày.

- Rễ Ngưu tất 16g (hoặc Cỏ xước 30g), Hoàng bá 12g, Thương truật 12g. Sắc uống như trên.

- Viêm đa khớp dạng thấp: Rễ Ngưu tất hoặc Cỏ xước (tẩm rượu sao) 20g, Độc hoạt 12g, Tang ký sinh 16g, dây Đau xương 16g; Tục đoạn, Đương qui, Thục địa, Bạch thược, Đảng sâm, Tần giao, mỗi vị 12g, Quế chi 8g, Xuyên khung 8g, Cam thảo 6g, Tế tân 6g. Dược liệu khôm chặt nhỏ 1cm, sắc uống ngày 1 thang trong 10 ngày.

Chữa kinh nguyệt không đều, huyết ứ

Rễ Cỏ xước hoặc Ngưu tất sống (không sao) 20g, Cỏ cú (tứ chế), Ích mẫu, Nghệ xanh, mỗi vị 16g, rễ cây Gai (làm bánh) 30g. Sắc uống như trên. Dùng 3 - 5 ngày khi thấy trễ kinh. (Kỵ thai).

Chữa suy thận, phù thũng, nặng chân, vàng da

Rễ Cỏ xước hoặc rễ Ngưu tất tẩm rượu, sao 30g, Mã đề (cả cây) 30g, Cúc bánh nhật (cả cây) 30g, Cỏ mực 30g. Dược liệu khô chặt nhỏ 1cm, thêm 6 chén nước, sắc còn 2 chén. Chia làm 2 lần để uống. Có thể sắc thêm nước nhì uống trong ngày. Dùng 7 - 10 ngày liền.

Chữa mỡ, cholesterol máu cao, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, nhức đầu, chóng mặt, ù tai, mờ mắt

Cỏ Xước hoặc Ngưu tất 16g, hột Muồng ngủ (sao vàng) 12g, Xuyên khung 12g, Hy thiêm 12g, Nấm mèo 10g, Đương qui 16g, Cỏ mực 20g. Thêm 6 chén nước, sắc còn 2 chén, chia làm 2 lần để uống. Vớt Nấm mèo ra ăn, nhai kỹ. Xác còn lại sắc thêm nước nhì uống trong ngày. Dùng liên tục 20 ngày hay hơn.

DS Phan Đức Bình - Thuốc & Sức khỏe, số 371 - 372, 15 - 1 - 2009, tr 31
In bài viết   Gửi cho bạn bè
Từ khóa :




   Tìm bài viết theo thời gian :

Cafeo28 - Hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên (CAFEO) tại Hà Nội 12/2010 Trang web vusta.vn

Một số tỉnh cho nước ngoài thuê 50 năm đất rừng đầu nguồn vùng biên giới
Ý kiến khác
 

HỘI NGHỊ KHOA HỌC SỰ SỐNG HƯỚNG TỚI ĐẠI LỄ 1000 NĂM THĂNG LONG HÀ NỘI                     Bản tin phổ biến kiến thức số 39/2010   Trang web bảo vệ gấu  


LƯỢT TRUY CẬP

  9,034,846  lượt
(362 người Online )