Thư giãn   Tranh/ảnh vui
Vịnh trâu già (00:00:00 Ngày 15/05/2009)
Năm 1902, Thành Thái, vua triều Nguyễn ra Hà Nội khánh thành cầu Pôn Đu me (cầu Long Biên sau này). Lệnh các quan chức từ cấp tỉnh trở lên và các bậc khoa bảng phải ra bái yết. Cụ Nguyễn Khuyến cũng phải ra.

Cùng đi với Thành Thái có vợ ông ta là con gái của Nguyễn Trọng Hợp, trước kia nếu không bị Nguyễn Hoa là con trai cả của Nguyễn Khuyến chê thì đã thành con dâu của Nguyễn Khuyến. Nay bà ta đã là vợ Vua. Điều này làm cụ Nguyễn Khuyến khó chịu nên khi làm lễ bái yết chỉ riêng Nguyễn Khuyến chần chừ, bị Thành Thái quở. Cụ Nguyễn Khuyến lấy lý do tuổi tác già nua, mắt mờ chân chậm. Lúc này Thành Thái mới nhận ra ông già lọm khọm chậm chạp như con trâu già này là Tam Nguyên Yên Đổ vừa là nhà thơ lừng danh vừa là bậc khoa bảng đại tài. Bấy giờ Thành Thái mới lấy làm nể nhưng lại bắt cụ Nguyễn Khuyến phải làm một bài thơ tạ lỗi, lấy đề tài là: “Vịnh trâu già” là hình ảnh cụ Nguyễn Khuyến vừa nảy ra trong đầu óc chủ quan của Thành Thái. Suy nghĩ chốc lát, Nguyễn Khuyến đọc:

“Một nắm xương gày một nắm da

Bao nhiêu cái ách đã từng qua

Đuôi cùn biếng vẩy Điền Đan hỏa (1)

Tai nặng buồn nghe Ninh Thích ca (2)

Sớm thả vườn đào chơi đủng đỉnh (3)

Tối về thôn Hạnh thở nghi nga

Có người toan giết tô chuông mới

Ơn đức vua Tề, lại được tha!” (4)

Bài thơ vịnh hay, sát đề, nói về trâu già mà lại nói được cả tâm trạng của mình già yếu gày còm vì đời nhiều tai cách, chán ngán những điều xảo trá như chuyện lửa Điền Đan, như nịnh hót của những kẻ vụ lợi theo đóm ăn tàn, người ta chỉ chực giết ta như giết trâu, ông có tha cho ta như vua Tề kia đã tha trâu thì tha.

Thành Thái hiểu ý của tác giả, rất khen câu cuốn “ơn đức vua Tề…” rồi tha và còn thưởng cho cụ Nguyễn Khuyến.

Chú Thích:

1. Điền Đan tướng nước Tề, khi bị quân Yên vây hãm, Điền Đan cho chọn hàng vạn con trâu mộng, cho buộc giáo mác vào sừng trâu, buộc rơm rạ tẩm dầu vào đuôi trâu rồi châm lửa, thúc trâu xông bừa vào đại quân Yên khiến chúng hoảng loạn bỏ chạy. Quân Tề phá được vòng vây và thu lại được hơn 70 thành từ tay quân Yên chiếm trước kia. Xưa kia người ta xem đây là phép nghi binh, xảo trá đánh lừa giặc.

2. Ninh Tử tức Ninh Thích có tài nhưng không ai biết đến. Ông làm nghề chăn trâu mướn, thường gõ vào sừng trâu mà hát tỏ ý chí của mình. Sau đó Quản Trọng dùng ông làm Tể tướng nước Tề. Tác giả dùng chữ Ninh Tứ là có ý ẩn: Kẻ xu nịnh.

3. Vườn Đào, thôn Hạnh: Vũ Vương đánh quân Trụ, dùng trâu bò vào việc vận tải rất đắc lực. Diệt xong quân Trụ ông ra lệnh 3 năm chưa giết trâu bò, sớm cho ăn ở vườn Đào, tối cho về ngủ ở thôn Hạnh.

4. Ơn đức Vua Tề. Tề Nguyên Vương trông thấy lính dắt trâu đi giết thịt qua cửa, con trâu run rẩy sợ hãi, bèn ra lệnh không giết nữa.

Lâm Thị Lan - T/c Chăn nuôi, 1/2009, tr 47
In bài viết   Gửi cho bạn bè
Từ khóa :




   Tìm bài viết theo thời gian :
Một số tỉnh cho nước ngoài thuê 50 năm đất rừng đầu nguồn vùng biên giới
Ý kiến khác
 

HỘI NGHỊ KHOA HỌC SỰ SỐNG HƯỚNG TỚI ĐẠI LỄ 1000 NĂM THĂNG LONG HÀ NỘI                     Bản tin phổ biến kiến thức số 18/2010   Trang web Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên  


LƯỢT TRUY CẬP

  6,118,022  lượt
(73 người Online )