GIỚI THIỆU CHUNG VỀ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM (16:05:18 Ngày 05/02/2010)

 Trụ sở Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam

Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) được thành lập theo Quyết định số 121/HĐBT ngày 29/7/1983 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Nếu khi thành lập Liên hiệp hội Việt Nam mới có 15 hội thành viên, thì hiện nay con số đó đã lên đến 125 trong đó có 70 hội ngành toàn quốc và 55 Liên hiệp hội địa phương. Có thể khẳng định rằng hệ thống tổ chức của Liên hiệp hội Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh. Ngoài ra, trong hệ thống của Liên hiệp hội Việt Nam còn có hơn 500 đơn vị nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo được thành lập theo Nghị định 81; 197 tờ báo, tạp chí, bản tin, đặc san, trang tin, báo điện tử.

Các hội thành viên hoạt động theo điều lệ hoặc quy chế của hội mình, có quyền tự chủ, tự quản rộng rãi trong mọi hoạt động, nhưng phải tôn trọng điều lệ của Liên hiệp hội Việt Nam và chịu sự chỉ đạo và kiểm tra của Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên hiệp hội có nhiệm kỳ là 5 năm. Cho đến nay Liên hiệp hội Việt Nam đã qua 6 kỳ đại hội.

GS.Viện sĩ Anh hùng Lao động Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa là Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp hội Việt Nam (1983-1988).

GS.TS Hà Học Trạc đã làm Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam trong khoá II và khoá III (1988-1999).

GS.Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam các khóa IV (1999-2004), khóa V (2004-2009).

PGS.TS Hồ Uy Liêm, Quyền Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam khóa V (2008-2010).

GS.VS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam khóa VI (2010-2015)

Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam được Đại hội bầu ra để lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của Đại hội.

Thành viên của Hội đồng Trung ương bao gồm đại diện của tất cả các hội thành viên và một số nhà khoa học, nhà quản lí do Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương khoá trước giới thiệu và được đại hội chấp thuận. Để điều hành hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam giữa hai kỳ họp của mình, Hội đồng Trung ương đã bầu ra Đoàn chủ tịch. Đoàn chủ tịch Hội đồng Trung ương khoá VI có 23 thành viên do GS.VS.TSKH Đặng Vũ Minh làm Chủ tịch.

Liên hiệp hội Việt Nam có chức năng:

o        Tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong nước, trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài, điều hoà, phối hợp hoạt động của các hội thành viên.

o        Làm đầu mối giữa các hội thành viên và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức khác nhằm giải quyết những vấn đề chung trong hoạt động hội.

o        Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội thành viên, của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam.

Liên hiệp hội Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ chính sau đây:

o        Củng cố, phát triển tổ chức, đẩy mạnh hoạt động của các hội thành viên.

o        Góp phần xã hội hoá các hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

o        Phát triển công tác vận động trí thức khoa học và công nghệ.

o        Thực hiện vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

o        Tăng cường hợp tác với các hội, các tổ chức phi chính phủ các nước, tham gia các tổ chức khoa học và công nghệ của khu vực và quốc tế.

Để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ nêu trên Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên tiếp tục củng cố tổ chức của mình, thường xuyên tổ chức các hoạt động phổ biến kiến thức; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tư vấn, phản biện và giám định xã hội; thông tin; đào tạo; thành lập Quỹ hỗ trợ sáng tạo kĩ thuật Việt Nam (VIFOTEC). Trong nhiều năm qua, nhằm khuyến khích các hoạt động KH&CN, cải tiến kĩ thuật, Liên hiệp hội Việt Nam cùng với Bộ KH&CN, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hằng năm tổ chức Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam và 2 năm một lần Hội thi sáng tạo kĩ thuật toàn quốc.

Song song với những hoạt động trên, Liên hiệp hội Việt Nam cũng rất quan tâm đến hoạt động phát triển cộng đồng, xoá đói giảm nghèo v.v...

Đảng và Chính phủ rất quan tâm và đánh giá cao hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam thể hiện cụ thể qua Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị Trung ương Đảng "Về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam"; Chỉ thị 14/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ "Về việc triển khai thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam"; Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; Kết luận của Ban Bí thư số 145-TB/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW đối với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 và gần đây là Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Đóng góp của Liên hiệp hội và các hội thành viên vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được Nhà nước đánh giá cao bằng Huân Chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc Lập hạng Nhất và nhiều huân chương cao quý khác mà Chủ tịch Nước đã trao tặng cho Liên hiệp hội Việt Nam.

Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên sẽ tiếp tục phấn đấu, đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động để cống hiến nhiều hơn và có hiệu quả hơn cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà.

In bài viết   Gửi cho bạn bè
Từ khóa :
Điều lệ Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Nhiệm kỳ V năm 2004 - 2009) (15:30:32 Ngày 05/02/2010)

Chương I: Tôn chỉ - Mục đích và các quy định chung

Điều 1. Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp hội Việt Nam) là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam. Liên hiệp hội Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và đoàn kết.
Liên hiệp hội Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điều 2. Mục đích của Liên hiệp hội Việt Nam là phát huy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Điều 3. Liên hiệp hội Việt Nam hoạt động theo Điều lệ do Đại hội đại biểu toàn quốc thông qua. Điều lệ của Liên hiệp hội Việt Nam tuân thủ pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 4. Liên hiệp hội Việt Nam hoạt động trên phạm vi cả nước, có trụ sở tại Hà Nội và có thể thành lập cơ quan thường trú tại một số địa phương theo quy định của pháp luật.

Liên hiệp hội Việt Nam có tư cách pháp nhân, biên chế, con dấu, tài sản, tài chính, cơ quan ngôn luận và nhà xuất bản riêng. Việc thành lập cơ quan ngôn luận và nhà xuất bản thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương II : Chức năng và Nhiệm vụ

Điều 5. Liên hiệp hội Việt Nam có các chức năng sau đây:

1. Tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ ở trong nước, trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài; điều hoà, phối hợp hoạt động của các hội thành viên.

2. Làm đầu mối giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức khác nhằm giải quyết những vấn đề chung trong hoạt động Liên hiệp hội Việt Nam.

3. Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, hội thành viên, của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam.

Điều 6. Liên hiệp hội Việt Nam có các nhiệm vụ sau đây:

1. Củng cố, phát triển tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của các hội thành viên.

2. Tham gia thực hiện xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng, xoá đói giảm nghèo:

a) Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ tham gia hoạt động hội; phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ trong nhân dân; tổ chức và hướng dẫn phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học và công nghệ.

b) Tổ chức hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chương trình, kế hoạch, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, xây dựng pháp luật, tăng cường củng cố an ninh - quốc phòng; tham gia giám sát độc lập đối với các đề án, công trình quan trọng.

c) Tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường.

d) Tham gia tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo và dạy nghề, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

đ) Tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng, xoá đói giảm nghèo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

3. Thực hiện công tác vận động trí thức khoa học và công nghệ:

a) Phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân, tinh thần hợp tác, tính cộng đồng, tính trung thực và đạo đức nghề nghiệp.

b) Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước.

c) Vận động trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

d) Tạo điều kiện nâng cao trình độ nghề nghiệp, góp phần cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của những người làm công tác khoa học và công nghệ.

4. Thực hiện vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

a) Phối hợp với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai các hoạt động chung nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

b) Phản ánh nguyện vọng và ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ với Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

c) Tham gia đấu tranh bảo vệ hoà bình, chống chiến tranh, vì tình hữu nghị, sự hiểu biết và hợp tác giữa các dân tộc.

5. Tăng cường hợp tác với các hội, các tổ chức phi chính phủ của các nước, tham gia các tổ chức khoa học và công nghệ của khu vực và quốc tế theo quy định của pháp luật.

Chương III : Hội thành viên

Điều 7. Hội thành viên của Liên hiệp hội Việt Nam là các hội, tổng hội hoạt động hợp pháp trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ (gọi chung là hội ngành trung ương) và các Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Liên hiệp hội địa phương).

Hội ngành trung ương được thành lập theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, hoạt động trên phạm vi cả nước.

Liên hiệp hội địa phương được thành lập theo quyết định của Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, là thành viên của Liên hiệp hội Việt Nam. Liên hiệp hội địa phương có thành viên là các hội chuyên ngành địa phương, thành lập theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Các hội thành viên có quyền tự chủ, tự quản, có điều lệ hoặc quy chế tổ chức và hoạt động riêng phù hợp với Điều lệ của Liên hiệp hội Việt Nam; chịu sự chỉ đạo, kiểm tra của Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam về việc thực hiện Điều lệ của Liên hiệp hội Việt Nam.

Điều 9. Quyền của các hội thành viên:

1. Tham gia thảo luận và quyết định các chủ trương chung của Liên hiệp hội Việt Nam.

2. Được Liên hiệp hội Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ trong hoạt động hội.

3. Tham gia các tổ chức và các hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam.

4. Hưởng các quyền lợi do Liên hiệp hội Việt Nam quy định.

5. Có quyền ra khỏi Liên hiệp hội Việt Nam khi có nghị quyết Đại hội của hội.

Điều 10. Nghĩa vụ của các hội thành viên:

1. Chấp hành Điều lệ của Liên hiệp hội Việt Nam và thực hiện nghị quyết của Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam.

2. Không ngừng mở rộng ảnh hưởng và nâng cao vị thế của Liên hiệp hội Việt Nam, vận động hội viên hưởng ứng các hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam.

3. Củng cố khối đoàn kết trong Liên hiệp hội Việt Nam, hỗ trợ và hợp tác với nhau trong hoạt động.

4. Đóng góp cho hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam theo quy định của Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội.

Chương IV : Cơ quan lãnh đạo Liên hiệp hội Việt Nam

Điều 11. Cơ quan lãnh đạo Liên hiệp hội Việt Nam được bầu cử và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số.

Điều 12. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên hiệp hội Việt Nam là Đại hội đại biểu toàn quốc của Liên hiệp hội Việt Nam.

Đại hội họp thường lệ 5 năm một lần và có thể họp bất thường khi có yêu cầu của trên 1/2 số hội thành viên.

Số lượng và cơ cấu thành phần đại biểu tham dự đại hội do Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam quy định.

Điều 13. Đại hội đại biểu toàn quốc của Liên hiệp hội Việt Nam có nhiệm vụ:

1. Thông qua báo cáo tổng kết của Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam về tình hình và kết quả hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam trong nhiệm kỳ đã qua, quyết định phương hướng hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam trong nhiệm kỳ tới.

2. Thảo luận và biểu quyết việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của Liên hiệp hội Việt Nam.

3. Bầu cử Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam.

Điều 14. Thành phần của Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam gồm đại diện của tất cả các hội thành viên và một số uỷ viên do Đoàn Chủ tịch khoá trước giới thiệu, số lượng các ủy viên này không quá 15% tổng số uỷ viên của Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam.

Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam họp thường lệ mỗi năm một lần và có thể họp bất thường khi có yêu cầu của Đoàn Chủ tịch hoặc trên 1/2 tổng số uỷ viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam.

Điều 15. Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam có nhiệm vụ tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp hội Việt Nam, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam giữa hai kỳ Đại hội.

Điều 16. Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam có quyền quyết định cơ cấu tổ chức và hoạt động của mình; quyết định kết nạp các hội thành viên mới; bổ sung, thay đổi, miễn nhiệm các uỷ viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam; chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của các hội thành viên và giải quyết các vấn đề theo đề nghị của Đoàn Chủ tịch.

Điều 17. Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam bầu ra Đoàn Chủ tịch. Đoàn Chủ tịch gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và một số uỷ viên. Thể thức bầu Đoàn Chủ tịch do Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam quyết định.

Đoàn Chủ tịch thay mặt Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam chỉ đạo và kiểm tra toàn bộ hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam giữa hai kỳ họp của Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam. Đoàn Chủ tịch phân công một số uỷ viên làm nhiệm vụ thường trực.

Hoạt động của Đoàn Chủ tịch và nhiệm vụ cụ thể của các uỷ viên được quy định tại Quy chế hoạt động của Đoàn Chủ tịch.

Đoàn Chủ tịch họp thường lệ 3 tháng một lần. Chủ tịch có quyền triệu tập các cuộc họp bất thường của Đoàn Chủ tịch.

Điều 18.
Đoàn Chủ tịch thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan trung ương Liên hiệp hội Việt Nam, các Hội đồng chuyên môn và các tổ chức trực thuộc. Việc thành lập các tổ chức trực thuộc thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam bầu ra Uỷ ban Kiểm tra Liên hiệp hội Việt Nam. Quyền hạn và nhiệm vụ của Uỷ ban Kiểm tra Liên hiệp hội Việt Nam như sau:

1. Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ và quy chế hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam, của các hội thành viên và các tổ chức trực thuộc.

2. Hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động của Uỷ ban (Ban) Kiểm tra của các hội thành viên.

3. Xem xét và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Điều 20. Cơ cấu, số lượng uỷ viên và thể thức bầu Uỷ ban Kiểm tra Liên hiệp hội Việt Nam do Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam quy định.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam.

Uỷ ban Kiểm tra họp thường lệ 3 tháng một lần và có thể họp bất thường theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam hoặc của Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Liên hiệp hội Việt Nam.

Chương V : Tài chính và tài sản

Điều 21. Nguồn tài chính của Liên hiệp hội Việt Nam gồm có:

1. Tài trợ của Nhà nước.

2. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ do các cơ quan nhà nước giao.

3. Đóng góp của các hội thành viên và các tổ chức trực thuộc.

4. Ủng hộ bằng tiền và hiện vật của các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước.

5. Các nguồn thu hợp pháp khác.

Điều 22.
Tài chính và tài sản của Liên hiệp hội Việt Nam được quản lý và sử dụng theo quy định của Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam và các quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 23. Liên hiệp hội Việt Nam có thể thành lập các quỹ. Việc thành lập và hoạt động của các quỹ theo quy định của pháp luật.

Chương VI : Khen thưởng và kỷ luật

Điều 24. Các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc và các hội viên có thành tích trong công tác hội được Liên hiệp hội Việt Nam khen thưởng hoặc đề nghị Nhà nước khen thưởng.

Hình thức khen thưởng do Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam quy định.

Điều 25. Các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc và các hội viên vi phạm nghiêm trọng Điều lệ của Liên hiệp hội Việt Nam thì bị thi hành kỷ luật.

Hình thức kỷ luật do Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam quy định.

Chương VII : Điều khoản thi hành

Điều 26. Bản Điều lệ này gồm 7 chương, 26 điều, được Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp hội Việt Nam lần thứ V thông qua ngày 28 tháng 12 năm 2004 thay cho bản Điều lệ Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam lần thứ IV thông qua ngày 09 tháng 01 năm 1999.

Chỉ có Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp hội Việt Nam mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ này.

In bài viết   Gửi cho bạn bè
Từ khóa :
SƠ ĐỒ TỔ CHỨC (15:30:32 Ngày 05/02/2010)
In bài viết   Gửi cho bạn bè
Từ khóa :

Cafeo28 - Hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên (CAFEO) tại Hà Nội 12/2010 Trang web vusta.vn

Một số tỉnh cho nước ngoài thuê 50 năm đất rừng đầu nguồn vùng biên giới
Ý kiến khác
 

HỘI NGHỊ KHOA HỌC SỰ SỐNG HƯỚNG TỚI ĐẠI LỄ 1000 NĂM THĂNG LONG HÀ NỘI                     Bản tin phổ biến kiến thức số 39/2010   Trang web bảo vệ gấu  


LƯỢT TRUY CẬP

  9,034,784  lượt
(361 người Online )