Giới thiệu website
 


Tạp chí Xưa & Nay
Tòa soạn: 216 Trần Quang Khải - Hà Nội
Tel/Fax: 04.38256588
Email: tapchixuavanay@yahoo.com
VP đại diện phía Nam: 181 Đề Thám, Q. I, TP. Hồ Chí Minh
Tel: 08.38385117-Fax: 08.38385126
Email: xuanay@hcm.fpt.vn
Chủ nhiệm: Phạm Mai Hùng
TBT: Dương Trung Quốc
P.TBT: Đào Hùng, Nguyễn Hạnh



Tìm kiếm

  Tìm kiếm trên website
  Tìm kiếm trên google


 


  Liên kết website


  Thông tin website
² Chủ nhật, 22/2/2009
² Số truy cập:131702
  ² Đang online: 22
 

Quảng cáo


 
Tin tức hoạt động Hội
 
 
Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX: Tổng kết hội thảo

Hội thảo “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá phối hợp tổ chức trong hai ngày 18 - 19/10/2008, đã thành công tốt đẹp, đúng với tinh thần “khách quan, trung thực, công bằng”. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn báo cáo tổng kết hội thảo của  GS.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.



1. Ban tổ chức đã nhận được 90 báo cáo in vào Kỷ yếu và đến sát ngày hội thảo nhận thêm 2 báo cáo, tổng cộng 92 báo cáo. Các báo cáo gửi đến từ các nhà khoa học tại quê hương Thanh Hóa, từ các viện, trung tâm khoa học, các trường đại học ở nhiều tỉnh, thành phố của cả nước, tập trung nhiều nhất là thủ đô Hà Nội, thành phố Huế và thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt chúng tôi nhận được 8 báo cáo của các học giả nước ngoài: Trung Hoa, đảo Đài Loan, Nhật Bản, Pháp, Nga, Anh, trong đó có người đã từng bảo vệ luận án Tiến sĩ với đề tài về thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Có thể nói hội thảo hội tụ các chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam thời kỳ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX.

Trong phiên họp toàn thể khai mạc hội thảo sáng ngày 19-10-2008 số người tham dự lên đến khoảng 650 người, ngoài các nhà khoa học, còn hiện diện nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nhiều nhà lãnh đạo, quản lý ở Thanh Hóa và đại diện các cơ quan trung ương, nhiều cán bộ lão thành quê hương xứ Thanh, đại diện Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Phước cùng nhiều nhà trí thức, những người quan tâm đến thời kỳ chúa Nguyễn và triều Nguyễn, và đại diện nhiều hãng thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình trung ương và Thanh Hóa cùng các tỉnh, thành phố khác.

Thành phần và số người tham gia hội thảo đã nói lên đây là vấn đề không chỉ giới khoa học mà cả xã hội quan tâm, vừa mong muốn, vừa đòi hỏi các nhà khoa học phải làm sáng rõ việc đánh giá các chúa Nguyễn và triều Nguyễn một cách khách quan, trung thực, công bằng.

Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, thế kỷ XVI-XIX là một thời kỳ gần gụi  thời đại ngày nay với nhiều mối quan hệ trực tiếp và cũng là thời kỳ kéo dài trên 3 thế kỷ với nhiều biến động phức tạp, dữ dội của đất nước. Phân liệt Đàng Trong - Đàng Ngoài, nội chiến Trịnh - Nguyễn thế kỷ XVII, kinh tế văn hóa phát triển trong sự giao lưu mạnh mẽ với khu vực và thế giới, cuộc nổi dậy như vũ bão của phong trào Tây Sơn rồi cuộc chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn, cuộc xâm lược của thực dân Pháp, tất cả diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản phương Tây đang bành trướng mạnh mẽ sang phương Đông vừa mở rộng thị trường thế giới vừa đe dọa độc lập chủ quyền các nước châu Á. Lịch sử Việt Nam thời kỳ này đặt ra rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu sâu sắc và thảo luận rộng rãi. Hội thảo về chúa Nguyễn và triều Nguyễn không có tham vọng thảo luận tất cả các vấn đề đó mà chỉ tập trung vào một số vấn đề cơ bản liên quan đến việc nhìn nhận và đánh giá về chúa Nguyễn và triều Nguyễn trong quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX như trong báo cáo đề dẫn đã trình bày trước hội thảo.

2. Qua thảo luận ở 3 tiểu ban, chúng ta đã đi đến một số nhận thức đạt sự nhất trí cao, có thể nói là đồng thuận. Tôi xin phép được tóm lược nội dung cơ bản của sự nhất trí đó.

2.1.   Mọi người tham gia hôi thảo đều nhận thấy sự phê phán, lên án đến mức độ gần như phủ định mọi thành tựu của thời kỳ các chúa Nguyễn và triều Nguyễn trước đây là quá bất công, thiếu khách quan, nhất là khi đưa vào nội dung sách giáo khoa phổ thông để phổ cập trong lớp trẻ và xã hội. Dĩ nhiên thái độ đó có nguyên do của nó trong bối cảnh cách mạng phế bỏ triều Nguyễn, rồi cải cách ruộng đất xóa bỏ chế độ sở hữu ruộng đất phong kiến và nhất là khi cả dân tộc đang tiến hành cuộc chiến đấu vì độc lập và thống nhất tổ quốc. Trong bối cảnh đó, những hành động xâm phạm đến độc lập và thống nhất đều bị phê phán, lên án gay gắt. Đó là thái độ chính trị của xã hội, còn về phía các nhà sử học dĩ nhiên có trách nhiệm của mình trong vận dụng phương pháp luận sử học chưa được khách quan, trung thực.

2.2.   Hội thảo nhất trí nhận thấy việc đánh giá lại công lao và cả mặt hạn chế của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn là rất cần thiết, có thể nói là một nhu cầu bức xúc không chỉ trong nhận thức khoa học mà cả trong tâm lý và công luận xã hội. Có người đặt vấn đề thời điểm tổ chức hội thảo phải chăng là quá chậm? Quả thực có thể nói là chậm so với yêu cầu xã hội nhưng về phương diện khoa học, nhận thức là một quá trình và một thay đổi có tính bước ngoặt phải có sự chuẩn bị của nó. Trước hội thảo của chúng ta, từ những năm 90 của thế kỷ XX đã có nhiều công trình nghiên cứu mới ở trong nước và ngoài nứơc, có khoảng 20 cuộc hội thảo về chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Đó là những bước chuẩn bị rất quan trọng tạo nên cơ sở khoa học, những điều kiện tương đối chín mùi cho cuộc hội thảo tầm cỡ quốc gia này. Trong những cuộc hội thảo đầu tiên, còn nhiều ý kiến khác nhau, rất khó đạt sự nhất trí, nhưng đến hội thảo này xu hướng xích lại gần nhau đã rõ nét và trên những nội dung cơ bản đã thực sự gặp nhau trong nhận thức.

2.3. Về việc đánh giá chúa Nguyễn và triều Nguyễn trong thời kỳ từ giữa thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX, hội thảo đã đạt được sự đồng thuận cao, khẳng định những cống hiến to lớn sau đây:

 2.3.1. Các chúa Nguyễn đã có công mở rộng lãnh thổ về phía nam đến tận đồng bằng sông Cửu Long và xác lập chủ quyền vững chắc trên vùng đất mới.     

 2.3.2.  Tiếp tục thành tựu của phong trào Tây Sơn đã xóa bỏ tình trạng phân chia Đàng Trong - Đàng Ngoài, đặt cơ sở cho sự khôi phục nền thống nhất, Nguyễn Ánh và triều Nguyễn đã hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước trên lãnh thổ rộng lớn bao gồm cả Đàng Trong và Đàng Ngoài.         

 2.3.3.  Xây dựng và củng cố quốc gia thống nhất trên lãnh thổ tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện đại, bao gồm cả đất liền và hải đảo ven bờ cùng quần đảo trên biển Đông. Triều Nguyễn là một vương triều quân chủ tập quyền có những mặt hạn chế về chế độ chuyên chế, về một số chính sách đối nội, đối ngoại, nhưng cũng đạt nhiều tíến bộ về mặt quản lý quốc gia thống nhất, về cải cách hành chính, xây dựng thiết chế và cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước tổ chức rất quy củ. 

 2.3.4.  Thời kỳ các chúa Nguyễn và triều Nguyễn để lại một di sản văn hóa đồ sộ bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể. Di sản này trải rộng trên cả nước từ bắc chí nam, là kết quả lao động sáng tạo của nhân dân ta, của cộng đồng các thành phần dân tộc Việt Nam, của các nhà văn hóa kiết xuất tiêu biểu cho trí tuệ và tâm hồn dân tộc. Di sản này được kết tinh trong một số di sản đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới nghĩa là hàm chứa những giá trị mang ý nghĩa toàn cầu như Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình,  phố cổ Hội An. Do thái độ phê phán, lên án trước đây về nhà Nguyễn nên một thời việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản này có phần bị hạn chế.

3. Trong số những vấn đề đặt ra trong hội thảo, bên cạnh những vấn đề nhất trí như trên còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và thảo luận:

3.1. Về hành động Nguyễn Ánh cầu cứu đem 5 vạn quân Xiêm vào Gia Đinh, ký hiệp ước Versailles năm 1787, dựa vào lực lượng viện trợ của Bá Đa Lộc. Trên thực tế, 5 vạn quân Xiêm đã bị quân Tây Sơn đánh tan ở trận Rạch Gầm-Xoài Mút năm 1785 và Hiệp ước Versailles không được thực thi vì sự bùng nổ của cách mạng Pháp năm 1789. Còn viện trợ do Bá Đa Lộc vận động từ các thuộc địa Pháp thì lực lượng tuy không nhiều nhưng cũng có tác dụng giúp Nguyễn Ánh trong việc xây thành lũy, huấn luyện quân sĩ, phát triển thủy quân, mua sắm vũ khí...và hoàn toàn nằm trong sự kiểm sóat của Nguyễn Ánh. Khi xem xét ngoại viện, điều quan trọng là cần phân tích và làm sáng rõ hành động cầu ngoại viện có được kiểm sóat trên cơ sở giữ được chủ quyền, đưa lại lợi ích cho đất nước hay không, nếu dẫn đến mất chủ quyền, mất độc lập là phạm tội làm mất nước, một tội ác không thể dung thứ. Trên tinh thần đó, tuy còn những khác biệt nhất định nhưng hội thảo đều cho rằng hành động đưa 5 vạn quân Xiêm vào Gia Định là một "điểm  mờ", một "tỳ vết" trong cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ánh.

3.2.  Vấn đề canh tân đất nước của triều Nguyễn được thảo luận khá sôi nổi và còn những ý kiến khác biệt. Mọi người đều thống nhất cho rằng trong bối cảnh thế kỷ XIX, canh tân đất nước là một yêu cầu bức xúc ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc. Trên bình diện thế giới, khi các nước phương Tây đã bước vào thời đại phát trỉển tư bản chủ nghĩa và văn minh công nghiệp thì tình trạng tiền tư bản và tiền công nghiệp của Việt Nam và phương Đông nói chung đã bộc lộ sự chậm tiến, sự lạc hậu so với thời đại. Nếu không canh tân để khắc phục tình trạng lạc hậu của đất nước thì khó bảo toàn được sự tồn tại độc lập của quốc gia, không tạo nên tiệm lực để đương đầu thắng lợi với những thách thức mới của thời đại. Thời nhà Nguyễn đã có nhiều đề nghị cải cách dâng lên nhà vua. Nhưng chúng ta nên phân biệt những đề nghị cải cách như sửa đổi ít nhiều chế độ tuyển dụng quan lại, quản lý công trình thủy lợi, mở mang khai hoang, chỉnh đốn giáo dục...trên nền tảng không thay đổi của kết cấu kinh tế xã hội phong kiến, với những cải cách mở cửa khai thông giao thương, phát triển công thương nghiệp, học tập kỹ thuật phương Tây, nâng cao trình độ quốc phòng... vươn lên tầm nhìn thời đại. Những cải cách sau mãi đến thời Tự Đức mới xuất hiện với những điều trần đầy tâm huyết và nỗi trăn trở của những trí thức cấp tiến như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ, Bùi Viện...Xu hướng cải cách như vậy là chậm và tuy vua Tự Đức có lúc quan tâm, nhưng không chấp nhận và thực hiện như một chủ trương của triều đình. Đây là mặt hạn chế lớn của triều Nguyễn và hội thảo cũng đã trao đổi sơ bộ về những nguyên nhân bên trong và bên ngoài cũng như  trách nhiệm của triều Nguyễn và thấy cần thiết phải nghiên cứu sâu hơn nữa.

3.3. Cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1858 đến 1884 do triều Nguyễn lãnh đạo đã kết thúc thất bại. Hội thảo nhất trí nhận định để mất nước là một trách nhiệm nặng nề không thể thoái thác và biện hộ của triều Nguyễn với cương vị triều đình nắm chủ quyền quốc gia. Nhưng nguyên do mất nước cần phải nghiên cứu sâu sắc trong những nguyên nhân trực tiếp và sâu xa, nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt phải đặt trong bối cảnh khu vực và thế giới, cần so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Những nguyên nhân trực tiếp thì khá rõ như  chủ trương không nhất quán khi chủ chiến, khi chủ hòa, khi lúng túng giữa chủ chiến và chủ hòa, tổ chức và lãnh đạo kháng  chiến phạm nhiều sai lầm về chiến lược và chiến thuật, nhất là không huy động được sức mạnh đoàn kết dân tộc, sức mạnh toàn dân đánh giặc, bỏ lỡ nhiều cơ hội đáng tiếc... Nhưng hội thảo nhận thấy cần nghiên cứu sâu hơn trong cả quá trình dẫn đến thất bại của triều Nguyễn, trong đó mối quan hệ giữa canh tân đất nước và bảo vệ độc lập dân tộc là rất quan trọng.

Ngoài những vấn đề trên, trong hội thảo cũng có người đề cập đến hệ tư tưởng Nho giáo, chính sách ngoại thương có phải là "bế quan tỏa cảng" hay không, chính sách và giải pháp đối với Ki Tô giáo, chính sách đối với các nước láng giềng, nguyên do tình trạng xã hội bất ổn định thời Nguyễn...Nhưng do điều kiện thời gian, hội thảo không mở rộng phạm vi thảo luận mà chỉ trao đổi, gợi ra một số ý kiến để cùng nghiên cứu.

4. So với yêu cầu đặt ra từ đầu, có thể kết luận hội thảo đã thành công tốt đẹp. Thành công lớn nhất là hội thảo đã đạt được sự nhất trí cao đến mức độ đồng thuận cho rằng thái độ phê phán, lên án toàn diện các chúa Nguyễn và triều Nguyễn trước đây dù có lý do của nó, nhưng đã đến lúc cần phải thay đổi. Kéo dài nhận thức cũ đã gây ra sự phản đối trong nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, đã tạo nên nhiều phản ứng bất bình trong tâm lý xã hội và công luận. Trên cơ sở đó, hội thảo đã xác lập một nhận thức mới về thời kỳ các chúa Nguyễn và triều Nguyễn, công nhận và tôn vinh những cống hiến lớn lao của chúa Nguyễn và triều Nguyễn trong sự nghiệp mở mang lãnh thổ về phía nam, thống nhất đất nước và xây dựng quốc gia thống nhất trên lãnh thổ rộng lớn tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện đại và để lại một di sản văn hóa đồ sộ, một bộ phận tạo thành quan trọng của di sản văn hóa dân tộc. Hội thảo cũng nhất trí nêu lên những mặt hạn chế của thời kỳ chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Tuy còn nhiều vấn đề đang tồn tại nhưng  hội thảo đã tạo nên một hướng nhận thức mới để cùng tiếp tục nghiên cứu và thảo luận. Đây là một đổi mới quan trong trong nhận thức về chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Nhưng cần nhấn mạnh "đổi mới" hoàn toàn không có nghĩa là lật ngược lại vấn đề, chuyển từ cực đoan phê phán sang cực đoan tôn vinh một chiều mà là nhận thức lại trên cơ sở những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất ở trong nước và trên thế giới với những luận chứng khoa học có sức thuyết phục.

Những kết quả của hội thảo cần được quảng bá trong xã hội, cần được tiếp thu trong chỉ đạo công việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, trong biên soạn lịch sử Việt Nam, trong chỉnh sửa sách giáo khoa phổ thông. Tất nhiên hội thảo khoa học chỉ đưa ra các tư vấn và kiến nghị khoa học, còn công việc thực thi thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng của hệ thống chính trị hiện nay.
Nhận thức lịch sử một cách khách quan, trung thực, công bằng là trách nhiệm của giới sử học và các thế hệ hôm nay, biểu thị một thái độ sòng phẳng đối với quá khứ. Đó cũng chính là cơ sở khoa học quan trọng để giải tỏa những bất bình, những mặc cảm bị dồn nén bởi những nhận thức sai lầm trước đây, từ đó góp phần ổn định xã hội, tăng cường sự đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp chấn hưng dân tộc, xây dựng đất nước văn minh, giàu mạnh hiện nay.    
  
GS.NGND Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)
Ảnh:
Hữu Bảo


Các tin đã đưa:

·  Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX: Báo cáo đề dẫn của GS.NGND Phan Huy Lê (4/10)

·  Khai mạc Hội thảo Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX (3/10)

·  Hội thảo về Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn: Kiến nghị chỉnh sửa sách giáo khoa (2/10)

·  Nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ (23/9)

·  Hội thảo khoa học về Danh sư Nguyễn Hy Quang (1634-1692) (21/9)

·  Trường thanh niên tiền tuyến Huế 1945 - Một hiện tượng lịch sử (20/9)

·  Triết vương Trịnh Tùng với lịch sử dân tộc Việt Nam ở cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII (19/9)

·  Sơ kết 6 tháng đầu năm của một số hội địa phương (17/9)

·  Giới thiệu sách về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn (16/9)

·  Dâng tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trống đồng và thanh đoản kiếm (15/9)

 
 


Hoàng Xuân Hãn
1908 / 1996








Copyright  © 2007 VAHS -  Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam 
Cơ quan chủ quản: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Người chịu trách nhiệm chính: Dương Trung Quốc
Giấy phép số 327/GP-BC của Cục Báo chí - Bộ Văn hóa Thông tin cấp ngày 30/7/2007
Địa chỉ: 216 Trần Quang Khải - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội - Tel: 04. 39369089 - 0913553003; Fax: 04. 38256588;
Email:  hoisuhocvietnam@yahoo.com.vn;  Website: http://hoisuhoc.vn