Đôi môi khô nứt sẽ nhìn kém thẩm mỹ và tạo cho bạn cảm giác khó chịu. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho đôi môi không mịn màng, căng mọng như: thời tiết hanh khô, thiếu vitamin, mất nước,… Để đôi môi không bị khô, bạn hãy thử áp dụng ngay cách dưỡng ẩm môi ngay tại nhà dưới đây nhé, nó rất đơn giản giúp bạn tạm biệt làn da khô ráp chỉ trong một thời gian ngắn đấy.

Nguyên nhân khiến môi bị nứt nẻ

Vùng da ở môi mỏng hơn vùng da tại tất cả các phần khác của cơ thể, do vậy, da môi sẽ nhạy cảm với điều kiện môi trường khô và dễ nứt nẻ hơn.

Biểu hiện bệnh là môi bị khô nứt, lở hoặc sưng đỏ lên, đau rát, một số trường hợp khác lại có thêm chất ram ráp dính khó chịu. Môi không có tuyến mồ hôi và rất ít tuyến dầu. Bên cạnh đó, lớp bảo vệ bên ngoài làn môi rất mỏng nên dễ bị khô nẻ gây đau đớn.

Những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng môi bị khô và nứt nẻ thường do môi bị tiếp xúc trực tiếp quá nhiều với gió, mặt trời, thời tiết lạnh hoặc không khí khô; ngoài ra, việc phải há miệng để thở do nghẹt mũi, liếm môi thường xuyên, do thiếu nước, do một số chất trong mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da hoặc do môi trường xung quanh cũng là những nguyên nhân gây ra tình trạng môi bị khô và nứt nẻ.

Ngoài ra, một số bệnh về da và các rối loạn mạn tính khác cũng có thể ảnh hưởng đến môi khiến môi bị khô, nứt nẻ, đóng vảy hoặc bị kích ứng.

Những bệnh này bao gồm: eczema, bệnh Liken phẳng (Lichen planus), bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Crohn, bệnh u hạt (Sarcoidosis), một số tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng nhất định cũng khiến cho môi dễ bị khô và nứt nẻ.

Các bước chăm sóc môi vào buổi tối

Bước 1: Tẩy trang môi

Phụ nữ thường xuyên có thói quen sử dụng son để tăng thêm nét quyến rũ với làn môi hồng đỏ tươi tắn hay chút nhũ óng ánh, long lanh gợi cảm. Tuy nhiên, tất cả những lớp son đẹp đẽ đó nếu không được tẩy sạch, lâu dần cùng với bụi bẩn và vi khuẩn trong môi trường sẽ trở thành tác nhân làm hại đôi môi, khiến môi bị khô nhăn, nứt nẻ, đặc biệt trong mùa lạnh.

Tẩy trang môi bằng sản phẩm chuyên dụng

Một sai lầm mà bạn nữ thường mắc phải là sử dụng nước tẩy trang cho da mặt để tẩy trang mắt và môi. Bạn nên nhớ rằng làn da xung quanh mắt và da môi là lớp da mỏng và đặc biệt nhạy cảm, các chuyên gia khuyến cáo chỉ sử dụng sản phẩm tẩy trang chuyên dụng cho môi (hoặc sản phẩm có ghi: tẩy trang được cho cả mắt và môi) để đảm bảo an toàn, không gây kích ứng da.

Khi tẩy trang môi, bạn cho một lượng vừa đủ nước tẩy trang lên bông tẩy trang chuyên dụng. Sau đó, dùng tay nhẹ nhàng lau sạch lớp son môi theo chiều kim đồng hồ và ngược lại cho tới khi không còn thấy lớp màu của son môi bám trên bông tẩy trang.

Tẩy trang môi bằng nguyên liệu thiên nhiên

Đây là cách chăm sóc môi an toàn được nữ giới ưa chuộng. Bạn có thể sử dụng dầu dừa hay dầu olive cho công đoạn chăm sóc môi này.

Đầu tiên, thoa một ít dầu lên môi, giữ trong khoảng 10 -15 phút để lớp dầu thấm sâu vào môi, giúp môi mềm hơn. Sau đó, bạn dùng bông tẩy trang nhẹ nhàng chà lướt trên môi, lớp son môi sẽ bị cuốn sạch đi nhanh chóng. Cuối cùng, hãy rửa sạch lại đôi môi bằng nước ấm, bạn sẽ cảm thấy làn môi sạch hơn, thoải mái hơn.

Bước 2: Tẩy da chết định kỳ cho môi

Cũng giống như các bộ phận khác trên cơ thể, đôi môi của bạn cần thiết phải được làm sạch những lớp tế bào chết để chúng được thông thoáng, dễ dàng hấp thu dưỡng chất. Ngay sau khi bạn loại bỏ da chết, bạn sẽ thấy đôi môi trở nên mềm mịn, các nếp nhăn trên môi giảm rõ rệt.

Một số nguyên liệu tẩy da chết cho môi an toàn như: đường nâu, baking soda, mật ong và bàn chải lông mềm, chanh và đường…Tuy nhiên, bạn chỉ nên tẩy da chết 1 – 2 lần mỗi tuần thôi nhé!

Bước 3: Dưỡng ẩm cho đôi môi

Da bị khô ráp và nứt nẻ thông thường là biểu hiện của hiện tượng da bị mất nước. Trong khi đó, da môi rất mỏng và khác da mặt ở chỗ nó không có tuyến nhờn, không có những lớp mô che bảo vệ, ít sắc tố melanin nên khả năng ngăn chặn các tia tử ngoại (UVA, UVB) của mặt trời rất yếu, do đó, da môi mất độ ẩm nhanh hơn những phần da khác. Môi lại thường xuyên hoạt động như: ăn uống, nói chuyện hay thể hiện cảm xúc vui buồn, tức giận… Vì thế, dưỡng ẩm cho đôi môi là điều quan trọng để giúp bạn luôn có một đôi môi mềm mại, trẻ trung.

Sử dụng sản phẩm dưỡng môi

Bạn có thể lựa chọn các dòng son dưỡng môi uy tín trên thị trường với tác dụng dưỡng ẩm. Đặc biệt, có những dòng son được hướng dẫn sử dụng ngay trước khi bạn đi ngủ và sẽ dưỡng ẩm suốt đêm như một loại “mặt nạ ngủ” cho đôi môi và bạn sẽ cảm nhận được ngay hiệu quả thần kỳ vào ngay sáng hôm sau.

Dưỡng môi bằng nguyên liệu tự nhiên

Các nguyên liệu tự nhiên như dưa chuột, nha đam, mật ong, vitamin E, củ dền…là những loại mặt nạ dưỡng môi tuyệt vời được đông đảo chị em sử dụng. Ưu điểm vượt trội của cách dưỡng ẩm môi từ các nguyên liệu này là giá thành rẻ, an toàn tuyệt đối cho môi.

Cách dưỡng ẩm môi bằng dưa chuột: bạn chỉ cần đắp một lát dưa chuột tươi lên môi khoảng 15 phút, ấn nhẹ để tinh chất từ dưa chuột ngấm vào môi. Dưa chuột chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp da môi mềm mại, tươi tắn và hồng hào.

Dưỡng môi bằng nha đam: đắp trực tiếp một lớp mỏng thịt nha đam lên môi, để tầm 15 phút, sau đó rửa sạch. Hoặc bạn cũng có thể xay thịt nha đam hòa cùng mật ong hoặc dầu oliu vừa có tác dụng dưỡng ẩm môi vừa có tính sát khuẩn.

Dưỡng ẩm môi bằng mật ong: sau khi tẩy da chết cho môi bạn bôi lên môi 1 lớp mật ong mỏng và lưu lại trên môi làm “mặt nạ môi” đi ngủ, sáng hôm sau khi đánh răng bạn dùng bàn chải mềm cọ nhẹ để làm sạch lớp biểu bì môi.

Bước 4: Tập thể dục cho môi

Đôi môi cũng giống như cơ thể, cần khỏe đẹp từ chính bên trong và “tập thể dục” thường xuyên chính là lựa chọn khoa học để đem lại “sức khỏe” cho làn môi. Việc “tập thể dục” hay massage môi làm tăng hiệu quả hấp thu dưỡng chất, hạn chế khô yếu môi.

Mỉm cười và hôn là phương pháp đơn giản nhưng được nhiều người sử dụng nhất trên thế giới. Bạn chỉ cần cố gắng cười mím môi thật rộng, giữ như vậy trong ít nhất 5 giây. Sau đó, chu môi làm vẻ như muốn hôn ai đó và cũng giữ trong thời gian 5 giây. Cố gắng lặp lại động tác khoảng 20 lần mỗi ngày để được kết quả tốt nhất.

Bước 5: Thư giãn môi với giấc ngủ sớm

Cuối cùng, hãy để đôi môi của bạn được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc chăm chỉ với giấc ngủ thật thư giãn và thoải mái. Giấc ngủ sớm luôn mang lại sức khỏe và tuổi thanh xuân lâu dài cho phái đẹp.

Cách phòng tránh môi khô, nứt nẻ

Uống đủ nước

Trời lạnh khiến bạn ngại uống nước hơn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến môi khô. Uống đủ nước (2 – 2,5 lít nước mỗi ngày) vừa giúp môi không khô ráp mà còn giúp da tránh khỏi nứt nẻ.

Ăn nhiều rau củ chứa Vitamin C và B

Vitamin C và B rất cần thiết cho một làn da mịn màng. Do đó, bạn có thể bổ sung Vitamin B bằng cách ăn nhiều rau củ như chuối, cà chua, rau dền, đậu xanh, khoai lang…

Dùng son dưỡng môi

Luôn luôn mang theo son/kem/sáp dưỡng môi. Nên chọn dưỡng môi tự nhiên, không màu và không mùi để tăng cường khả năng dưỡng ẩm.

Hạn chế sử dụng loại son lỳ, son giữ màu lâu

Các loại son màu lỳ hay son có khả năng giữ màu lâu thường có chứa một lượng nhỏ alcohol. Chúng có thể hút hết lớp dầu trên môi để giúp màu son bám lâu hơn và đây chính là nguyên nhân khiến môi khô nẻ.

Khi đánh son, bạn không nên thoa son trực tiếp lên môi thay vào đó, bạn nên thoa một lớp dưỡng môi trước khi tô son khoảng 5 phút để lớp dưỡng có thời gian ngấm vào da và bảo vệ.

Không liếm môi

Liếm môi không làm môi mềm hơn mà ngược lại càng khiến môi khô hơn. Khi nước bọt trên môi khô đi, nó sẽ đồng thời làm “bốc hơi” lớp dưỡng ẩm tự nhiên của môi.

Thở bằng mũi

Thở bằng miệng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây khô môi trong khi thở bằng mũi lại là cách chữa khô môi rất hiệu quả.